Một ngôi nhà hạnh phúc là ngôi nhà có căn bếp luôn ấm và một gia đình hạnh phúc không thể thiếu những bữa ăn đầm ấm, sum vầy.

________________

Nếp ăn, nếp nhà - ảnh 1

Trong cuộc sống hiện đại, gia đình Việt Nam có những thay đổi như giảm dần những gia đình nhiều thế hệ, con cái trưởng thành xây dựng gia đình thường đi ở riêng, chịu sự tác động của cuộc sống hiện đại… Nhưng nền nếp gia phong vẫn là cơ sở để gia đình Việt Nam phát triển, vì nó đã được truyền lại từ đời này sang đời khác và luôn luôn đi cùng với thời gian.

Là một trong những gia đình có bốn thế hệ cùng chung sống dưới một mái nhà, gia đình chị Nguyễn Thị Ngọc Giang (Quốc Oai, Hà Nội) vẫn giữ được những nếp sinh hoạt chung. Với họ, khoảng thời gian vui nhất, ý nghĩa nhất là lúc cả nhà quây quần bên mâm cơm. Bữa cơm trong bầu không khí ấm áp, thân mật không chỉ có tác dụng tái sản xuất sức lao động sau một ngày làm việc vất vả, mà còn giúp giải tỏa stress, tăng thêm hiểu biết, thương yêu và gắn bó giữa các thành viên trong gia đình.

Chị Nguyễn Thị Ngọc Giang, cháu dâu cả trong gia đình chia sẻ: “Nấu một bữa cơm ngon cho gia đình là niềm hạnh phúc của phụ nữ, thể hiện tình yêu thương đối với ông bà, bố mẹ và chồng con. Vì thế, vào những ngày nghỉ, tôi cùng các em và mẹ chồng luôn dành thời gian chế biến những món ăn mới lạ, hấp dẫn hơn ngày thường để cả nhà cùng thưởng thức”.

Nếp ăn, nếp nhà - ảnh 2

Gia đình cụ Đỗ Vinh Quang (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cũng đều đặn, cứ mỗi trưa thứ bảy và chủ nhật hằng tuần, các thành viên đại gia đình lại tề tựu đông đủ cùng làm cơm và rôm rả chuyện trò. Cụ Quang năm nay đã gần 90 tuổi song vẫn minh mẫn, nhanh nhẹn. Gia đình cụ đã mấy đời sinh sống ở Hà Nội. Các con cháu của cụ đều đã có gia đình riêng, bận rộn công tác, học hành, song vẫn giữ được nếp quây quần bên mâm cơm tối mỗi ngày ở mỗi gia đình nhỏ và họp mặt đại gia đình vào cuối tuần.

Mỗi dịp như vậy, mấy cô con gái, cháu gái của cụ lại cùng nhau vào bếp, hướng dẫn nhau làm cơm, vui vẻ với những món ăn mới. Ngoài phòng khách, mấy anh con trai, con rể và các cháu quây quần hỏi thăm sức khỏe cụ, chia sẻ với nhau cả những thuận lợi và khó khăn trong công việc, học tập. Quan trọng hơn, những buổi sum họp giúp các thành viên trẻ tuổi được sống trong bầu không khí gia đình ấm áp yêu thương.

Gia đình chị Nguyễn Thị Ngọc Anh (Gia Lâm, Hà Nội) cũng không ngoại lệ. Dù đã xây dựng gia đình hơn chục năm nay nhưng ngày nào, vợ chồng chị cũng cố gắng duy trì ít nhất một bữa ăn có đầy đủ các thành viên.

Nếp ăn, nếp nhà - ảnh 3

“Hằng ngày, cứ 7 giờ sáng cả nhà lại chia tay nhau mỗi người một ngả đến tối mới gặp lại. Vì vậy, đối với các thành viên trong gia đình tôi, bữa cơm tối đặc biệt chiếm một vị trí quan trọng. Trừ trường hợp bất khả kháng, còn không tất cả mọi người sẽ quây quần, đoàn tụ bên nhau trong bữa cơm tối mỗi ngày. Có một điều tôi khá hài lòng đó là nhờ duy trì bữa cơm gia đình mà các thành viên trong nhà tự ý thức được phải về ăn cơm nhà”, chị Ngọc Anh chia sẻ.

Đối với gia đình chị Ngọc Anh, bữa cơm gia đình không chỉ đơn giản là cung cấp những món ăn có chất lượng để bảo vệ sức khỏe mà còn là phương tiện để tương tác và quan tâm chia sẻ giữa các thành viên. Qua đó, có thể nâng cao chất lượng cuộc sống và giáo dục lối sống lành mạnh cho con cái.

Nếp ăn, nếp nhà - ảnh 4

Thế nhưng, cũng thật đáng tiếc, khi cuộc sống càng hiện đại, kinh tế càng khá giả thì những bữa cơm gia đình ấm cúng như vậy trở nên dần hiếm hoi.

Hiện nay, do nhu cầu, tính chất công việc đòi hỏi nhiều người phải làm việc nhiều giờ nên các cặp vợ chồng thường chọn cách đơn giản hóa bữa cơm gia đình. Nếu như bữa trưa phải ăn nhanh ở cơ quan để còn gặp mặt bạn bè, đối tác thì bữa tối, cũng rất dễ bắt gặp hình ảnh vợ chồng, con cái tất tả kéo nhau ra những quán ăn nhanh ngoài phố, chỉ cốt no bụng rồi về. Đáng chú ý, trên bàn ăn, mỗi người một tô, rồi lặng lẽ ôm điện thoại, máy tính bảng, laptop và chẳng ai nói với ai câu nào. Những hình ảnh ấy không còn quá xa lạ.

Nếp ăn, nếp nhà - ảnh 5

Chị Đinh Thị Bích Liên (Hoài Đức, Hà Nội) có 2 con, chồng làm trong ngành truyền thông. Trước đây, công việc của chị thường xuyên tăng ca, còn chồng giờ giấc thất thường, hay có việc đột xuất, ít về nhà ăn cơm. Các con chị ban ngày đi học nên buổi trưa chúng sẽ ăn cơm tại trường, còn buổi tối về, 3 mẹ con không căn cơm tiệm thì cũng ăn đơn giản cho qua bữa.

Bạn Nguyễn Thị Kim Liên (sinh viên Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội) kể, trong những bữa ăn, mình nhận ra những câu hỏi thăm: “Nay con học như thế nào”, “Ở trường, ở lớp có gì mới không”… dần ít đi. Thay vào đó là những khoảng lặng. Mình cảm thấy, càng ngày bố mẹ càng ít quan tâm đến mình hơn.

Các thành viên trong gia đình có khi vừa ăn vừa bấm điện thoại, tán gẫu với bạn bè, đối tác qua Zalo, Facebook. Vì thế, những bữa cơm gia đình ngày càng mất đi giá trị. Đấy là chưa kể những hôm nhà có tiệc, mọi người không cần nói chuyện, mời người bên cạnh dùng món hay nhận xét món ăn… mà chỉ lo lấy điện thoại, máy ảnh ra chụp món ăn. Sau đó khoe lên mạng xã hội, tiếp tục đắm chìm vào những lời bình luận.

Nếp ăn, nếp nhà - ảnh 6

“Đúng là công nghệ phát triển đã giúp mọi người cách xa cả ngàn dặm kết nối lại gần nhau hơn, thế nhưng nó lại gây mất kết nối giữa những thành viên trong gia đình mình”, Kim Liên nói.

Bà Hoàng Anh (Nam Từ Liêm, Hà Nội) tâm sự, vợ chồng chúng (con trai bà) đi làm mãi đến tối mới về, còn 2 đứa cháu chạy đua học hành, đi chơi với bạn bè. “Cái nhà gì mà vắng hoe, buồn bã lắm! Riết ngôi nhà cứ như khách sạn cho mọi người về tạm trú. Ở chung một mái nhà nhưng chẳng hiểu nhau là bao. Bữa cơm gia đình là mơ ước trong vô vọng”.

Hay một người bố bận rộn công việc tối ngày, thường xuyên để vợ và cậu con trai phải chờ cơm. Có lần cậu con trai mới chỉ đang học lớp mẫu giáo nói: “Bố ơi, hôm nay bố đừng đi kiếm tiền nữa nhé, con trả tiền để bố ở nhà chơi với con!”.

Rồi cũng có không ít trường hợp, bố mẹ bận đi làm cả, đứa trẻ phải thường xuyên ở nhà một mình đã bị trầm cảm, tần ngần đứng nói chuyện với cánh cửa: “Bố tớ sắp về rồi, bạn đợi chút sẽ được gặp bố tớ”. Nghe vậy mà thấy xót xa! Phải chăng, đây là nỗi niềm chung của nhiều gia đình giữa nhịp sống hiện đại vội vã, tất bật?

Nếp ăn, nếp nhà - ảnh 7

Nói bữa cơm gia đình thực ra không chỉ là nói về bữa cơm đơn thuần mà nói đến hơi ấm gia đình, nói đến nơi để chia sẻ yêu thương. Đằng sau sự thưa hiếm dần, thậm chí sự thiếu vắng hẳn bữa cơm gia đình là sự chăng kéo của các lực hút khác nhau đối với từng thành viên trong gia đình.

Các thành viên không còn mặn mà với bữa cơm gia đình là do ảnh hưởng của nhịp sống công nghệ, hiện đại và nhiều mối bận tâm bên ngoài. Bên cạnh đó, phía sau sự thờ ơ này, còn xuất phát từ sự lỏng lẻo của nếp nhà, nhiều phụ huynh coi nhẹ bữa ăn gia đình, những buổi gặp mặt với con cái do vòng xoáy công việc.

Để khắc phục những hạn chế đó, chúng ta cần phải nâng cao hệ giá trị gia đình, bảo đảm cơ sở vật chất và tinh thần cho gia đình, phát huy các giá trị truyền thống, xây dựng các quy chuẩn văn hóa mới về gia đình…

Nếp ăn, nếp nhà - ảnh 8

Theo các chuyên gia, gia đình thời hiện đại có rất nhiều ưu điểm, điều kiện để tạo nên một cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Tuy nhiên, gia đình muốn bền vững, hạnh phúc, thì giữa các thành viên phải dành thời gian cho nhau, biết tạo điều kiện phát huy năng lực, sở trường của nhau.

Mặc dù, kinh tế là điều rất quan trọng. Vật chất là những điều kiện cần. Nhưng tình cảm và sự gắn kết vợ chồng mới là nền tảng cho sự hạnh phúc. Hãy dành thời gian hợp lý cho con cái, cho vợ và chồng, bởi vì những điều đó mới làm nên ngọn lửa yêu thương của một gia đình hạnh phúc.

Tiến sĩ xã hội học Phạm Thị Thúy – Giảng viên Học viện Hành chính Quốc gia từng cho rằng: “Khó khăn để duy trì bữa cơm ở mỗi gia đình là thực tế, nhưng nếu nhìn xa hơn thì mình sẽ có sự chọn lựa tối ưu. Nếu đánh mất hạnh phúc hiện tại đổi lấy một cái gì đó mơ hồ trong tương lai như tiền bạc, danh vọng, địa vị liệu có nên không? Nếu nhìn nhận bếp ấm nhà vui là đích đến thì ngay từ hôm nay, gia đình có thể cân nhắc những gì đáng, những gì không đáng, chọn lựa và chấp nhận hy sinh quyền lợi nào đó ở trước mắt”.

Trong khi đó, chuyên gia tâm lý Khuất Thị Hoa (Giảng viên trường Đại học FPT) bày tỏ, nếu nấu ăn là một cách để thể hiện tình yêu với những người bạn quan tâm, thì đừng để việc vào bếp là trách nhiệm của riêng người phụ nữ. Mọi thành viên trong nhà đều có thể chung tay giúp sức, mỗi người một việc, để bữa ăn không còn là gánh nặng của riêng ai.

Nếp ăn, nếp nhà - ảnh 9

Sau ngày làm việc mệt mỏi, chính những giờ phút quây quần chuẩn bị bữa ăn sẽ càng làm sợi dây liên kết gia đình thêm bền chặt. Với sự tham gia của tất cả các thành viên, việc nấu nướng vừa đỡ vất vả hơn, vừa là cơ hội để lắng nghe, chuyện trò, gạt bỏ những nỗi lo toan và dành thời gian cho người bạn yêu thương. Đồng thời, cũng là cơ hội để ông bà, cha mẹ, con cái dễ dàng trao đổi, nắm bắt tâm tư, cảm xúc của từng người, tạo thói quen để mọi người cùng chia sẻ, gắn kết thế hệ.

Ngoài ra, bữa cơm truyền thống còn có ý nghĩa giáo trẻ rất lớn về các kỹ năng cũng như giá trị sống. Gia đình với những giá trị chuẩn mực tốt đẹp, luôn luôn là điểm tựa thiêng liêng của mỗi người. Một đứa trẻ lớn lên trong tình yêu thương, như thể được học cách sống lễ nghĩa dưới một mái trường đặc biệt trong đời.

Dẫu biết rằng, trong cuộc sống thời hiện đại, thời gian để các thành viên trong gia đình gần gũi nhau không nhiều. Tuy nhiên, yếu tố quyết định hạnh phúc chính là tình cảm yêu thương, sự sẻ chia, ý thức vun đắp hạnh phúc của các thành viên trong gia đình. Nếu quan tâm đến nhau thì các thành viên sẽ sắp xếp được thời gian dành cho nhau, cùng xây dựng nền tảng hạnh phúc của một gia đình thời hiện đại.

Bởi thế, dù bận rộn tới đâu, theo bà Khuất Thị Hoa, trong ngày cũng nên cố gắng thu xếp, duy trì ít nhất một bữa cơm gia đình có sự tham gia đầy đủ của các thành viên. Vì những bữa cơm gia đình bên cạnh những người thân yêu sẽ là nơi làm cho mọi người chúng ta, mỗi khi đi đâu cũng đều muốn quay nhanh về nhà…

 

 

 

Bệnh viện Hạnh Phúc
Bệnh viện Hạnh Phúc