Thỉnh thoảng tôi có vào đọc Trang nhà của bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc, biết ông nhiều qua các quyển sách và những câu chuyện kể của Hội trưởng hội quán các bà mẹ Thanh Thúy qua các buổi ‘cà phê đàm” hay hậu trường nói chuyện chuyên đề; dù chưa có dịp gặp gỡ trò chuyện trực tiếp nhưng cũng như cảm nhận của bao người đã từng chia sẻ tại trang nhà này… cũng như  lời mừng của chị Thanh Thúy cũng đã nói hết biết bao điều…

dohongngoc-Dinh-Cuong-vẽ-5.14-218x300

Phụ Nữ Hiện Đại xin chúc mừng Trang nhà của Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc tuổi lên 5 và chúc ông thật nhiều sức khỏe, bút lực dồi dào để bạn đọc có được nhiều hơn nữa thông tin hữu ích.

Xin giới thiệu đến bạn đọc lời “ghi chú” của bác sĩ tại trang nhà:

Vậy mà đã 5 năm rồi đó. Vẫn giữ nguyên một diện mạo cổ lổ sỉ như vậy cho www.dohongngoc.com và vẫn giữ nội dung… “ba điều bốn chuyện”, “cà kê dê ngỗng” như vậy cho dohongngoc.com! Có người khuyên thay đi, đổi đi, làm mới đi. Nhưng để làm gì? Để hấp dẫn hơn, để nhiều người thấy tò mò vào đọc hơn. Nhưng để làm gì?… Có người khuyên “chơi” Facebook đi cho nó nhanh nhạy hiệu quả cao hơn. Nhưng để làm gì? André Maurois bảo ai hay nói “Nhưng để làm gì?” thì đó là dấu hiệu của tuổi già! Già thì “khú đế” rồi chớ còn dấu hiệu gì nữa!

Nhưng, dù sao cũng nhìn lại một chút. Tính đến hôm nay đã có 632,995 lượt người vào thăm (Visits) và có 1,477,765 trang được đọc (Pages). Số Online lai rai 8-10 lượt người. Số bài viết đã đăng (post): 681, trong 34 danh mục (category), với 5066 comments về đủ thứ chuyện trên đời! Việt Nam chiếm một nửa số người đọc, ở khắp các tỉnh, còn lại thì thấy US, Canada, Australia, France, Germany, Norway, Singapore, Belgium… nói chung cũng là người Việt mình đọc đó thôi. Tò mò chút nữa thì thấy số người mới vào đọc có đến 60%, giờ đọc nhiều nhất là 10-11 giờ!

“Bài mừng” của chị Nguyễn Thị Thanh Thúy (Hội Quán Các Bà Mẹ)

Nhanh quá, mới ngày nào tôi ghi lại chút cảm nghĩ về trang nhà của bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc tròn 3 năm, nay đã là 5 năm rồi. Thêm 2 năm, kỷ niệm, trải nghiệm, kinh nghiệm của chúng tôi được vun bồi nhiều hơn nhờ trang nhà của bác sĩ luôn đầy ắp những giá trị, những thông tin mà mỗi người làm cha, làm mẹ chúng tôi cần phải học, phải đọc.

Những ghi chép lang thang của vị bác sĩ đã ngoài 70 như một người hướng dẫn viên du lịch góp nhặt, chia sẻ những nét đẹp bình dị, rất đỗi thân thương của mọi miền đất nước. Trang web như một cuốn cẩm nang du lịch cho bạn khám phá những địa danh Bà Nà, Vũng Tàu, Dalat, Sa Đéc…Nhiều người ca cẩm rằng những nơi này không còn như xưa nhưng với chủ nhân của website này, hễ về với thiên nhiên là ông kiếm tìm, rồi cặm cụi chia sẻ những tấm ảnh, những góc nhìn rất ấn tượng.

Trong lúc nhiều bà mẹ trẻ bên ta vào mạng đọc đủ kiểu nuôi con và tư vấn cho nhau đến nỗi khiến cho họ hoang mang, lo lắng quá chừng thì nhiều bà mẹ khác ở tận Âu, Mỹ vẫn tìm về với trang web này. Vì lẽ đó mà ông cũng bận rộn với việc trả lời e-mail, tư vấn… kẻo người ta chờ tội nghiệp!

Thế giới phẳng cũng giúp chúng tôi có thêm được nhiều người “bạn mới”, có khi là nhóm những bà mẹ nuôi con theo cuốn “Viết cho các bà mẹ sinh con đầu lòng” từ bao nhiêu năm trước, cách nhau cả hai thế hệ ở nhiều vùng miền khác nhau. Các bà mẹ lại tiếp tục “lớn cùng con” với những cuốn sách tiếp theo của bác sĩ: “Bỗng nhiên mà họ lớn”, không chỉ chuyện nuôi con, chuyện mình tới tuổi “gió heo may đã về” hay những người thân đang có tuổi. Với Hội Quán Các Bà Mẹ ở Saigon lại may mắn hơn, đọc bài trên trang nhà của bác sĩ xong lại có ý định làm sách cho trẻ con từ những nhân vật “Những người trẻ lạ lùng” hay thêm cuốn sách cho bà mẹ đang mang thai chỉ từ bài viết “Con vào dạ, Mạ đi tu”…để rồi, chúng tôi lại có dịp gặp gỡ, cùng nhau thực hiện những ý tưởng trên với các bà mẹ tận Trà Vinh, Hà Nội…

Cho dù, bây giờ Facebook giúp người ta tương tác nhanh gấp bội nhưng chỉ vài ngày không ghé thăm trang nhà của bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc thì cũng không cập nhật được nhiều thứ. Đây cũng là lý do mà nhiều khi chúng tôi bỏ lỡ một buổi gặp mặt, một buổi ra mắt sách hay những buổi tập huấn, chuyên đề thiết thực và mang tính thời sự. Có chị bạn của tôi bên nhà đài thì thỉnh thoảng chạy vào trang web này để tìm ý tưởng cho một nội dung phát sóng, có bạn nhà báo đôi lúc căng thẳng cũng chạy vào đây để bớt stress!

Vậy đó, mừng trang nhà của bác sĩ tròn 5 tuổi và mong chủ nhân luôn vui khỏe để các bà mẹ có “điểm tựa” để học hỏi thêm nhiều kiến thức nuôi dạy con, nhiều giá trị sống và kỹ năng tưởng chừng như đơn giản. Và hơn thế nữa, lại được mở mang tầm nhìn với những cái đẹp từ văn học, nghệ thuật… và trên hết là tình người trên mỗi trang viết.

Một số comment thật dễ thương từ đầu năm 2014 đến nay do bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc chọn trích:

Submitted on 2014/05/02 at 12:53 sáng

Con xin chào bác Bác Sĩ Đỗ Hồng Ngọc,

Hồi nhỏ nhà con ở đường Võ Văn Tần, mỗi khi có bệnh gì mẹ dắt qua phòng khám của Bác Sĩ. Trong kí ức tuổi thơ của con, Bác Sĩ như một người thân với nụ cười rất hiền lành. Tất nhiên là Bác Sĩ không nhớ con là ai , vì con chỉ là một trong rất nhiều bệnh nhân của Bác Sĩ. Hôm nay tình cờ tìm thấy trang web của Bác Sĩ, đọc nhiều bài viết rất hay về bệnh, về thiền, về thi ca,… con xin chúc Bác Sĩ luôn khoẻ mạnh và tâm sáng để tiếp tục cống hiến cho đời nhiều hơn nữa.

Năm nay con 30 tuổi, con rất ngưỡng mộ những người trí thức cùng thời với Bác Sĩ. Phong thái làm việc, nghiên cứu, nói chuyện của Bác Sĩ, thật khó mà tìm thấy ở thế hệ bây giờ.

Một lần nữa con xin kính chúc Bác Sĩ tràn đầy sức khoẻ.

Huy Vũ

Submitted on 2014/04/29 at 9:01 sáng

Lúc em sinh đứa con gái đầu, em đọc quyển sách này trên dưới 10 lần rồi áp dụng theo. Con em trộm vía nó lớn như thổi, 6 tháng đã được 10 kg. Giờ Khoai (tên con em) đã được 40 tháng rồi, cao được 1m1, thông minh lắm. Lần đầu tiên làm mẹ nhưng nhờ kinh nghiệm của bác sĩ mà em không bị lúng túng cho dù bé toàn bú ngoài vì em đi làm sớm.

Giờ em đang mang thai đứa thứ 2, sẽ đọc lại quyển sách của bác sĩ rồi áp dụng tiếp. Cám ơn bác sĩ nhiều lắm!

Submitted on 2014/04/29 at 10:50 sáng

Cảm ơn em đã thông tin cho biết. Mới hôm qua, tình cờ tôi gặp một bạn trẻ trong nhà sách CC, anh hỏi tôi có phải là bs dohongngoc khong, rồi anh nói cảm ơn vì hôm trước con anh bị đau bụng, đưa vào bv, bác sĩ chẩn đoán “rối loạn tiêu hoá”, cho thuốc về, nhưng vợ anh nhờ đã đọc “Viết cho các bà mẹ sinh con đầu lòng” nói sợ bé bị “lồng ruột” vì thấy triệu chứng khả nghi, bs bèn cho siêu âm. Kết quả đúng lồng ruột thiệt! Hú hồn! (ĐHN).

Submitted on 2014/04/21 at 9:20 chiều

Cháu chào bác! Cháu được biết bác qua Hội Sữa Mẹ trên Facebook, vì admin bên đó đã giới thiệu cuốn “Viết cho các bà mẹ sinh con đầu lòng” của bác. Tìm đến website của bác, cháu càng thêm ngưỡng mộ kiến thức cũng như sự chu đáo, nhiệt tình của bác đối với mọi người. Cháu chúc bác thật khỏe mạnh và vui vẻ ạ!
Cháu có một câu hỏi quan trọng liên quan đến chuyện ăn dặm ạ. Cháu không biết bác đã nghe phương pháp ăn dặm Bé chỉ huy (Baby led weaning) chưa ạ? Cháu thấy phương pháp này rất hay vì giới thiệu thức ăn cho trẻ ẹm với nguyên vẹn hương vị của nó và trẻ được rèn luyện tính độc lập, tự chủ từ bữa ăn.
Vấn đề là thức ăn thường được cắt dạng que dài khoảng 5cm cho bé ăn ngay từ khi bắt đầu tập ăn (6 tháng ạ). Và theo lý thuyết thì bé có thể sẽ ọe vì bé có phản xạ ọe khi thức ăn chạm tới một điểm gần cuống lưỡi. Và như vậy là bình thường.
Tuy nhiên điều cháu lo nhất là bé bị hóc, tức là thức ăn rơi vào đường thở.
(Con cháu đầu tháng 5 sẽ bắt đầu ăn dặm nên cháu rất băn khoăn).
Cháu cảm ơn bác rất nhiều ạ!

Thùy Linh

Submitted on 2014/04/22 at 9:56 sáng

Cảm ơn Thùy Linh. Chắc cháu chưa có cuốn “Viết cho các bà mẹ sinh con đầu lòng” trong tay phải không, nên cũng chưa đọc chương “Nuôi con sao cho giỏi”. Nuôi con, là một vấn đề khoa học, nhưng cũng là một nghệ thuật. Nó cũng là một vấn đề văn hóa. Tùy vùng miền, tùy mỗi đất nước có các dạng thực phẩm khác nhau, có cách nuôi con khác nhau. Không nên máy móc. Cho ăn dặm muộn quá, bé sẽ không biết ăn. Sớm quá không tốt. Chuyển tiếp giữa sữa mẹ và ăn dặm là một giai đoạn “nhạy cảm”, trẻ dễ mắc bệnh, dễ suy dinh dưỡng.
Phải kiên nhẫn tập từ từ, từ ít đến nhiều, từ loãng đến đặc. Phương pháp BLW vẫn còn đang tranh cãi, và theo tôi, có lẽ không nên đưa bé làm “cobay” để thí nghiệm một phương pháp do “ông Tây bà Đầm” nào đó nghĩ ra. Tuy nhiên quyết định là ở cháu. Tôi thì thích “truyền thống” và có hiệu quả vẫn hơn.

ĐHN

 Submitted on 2014/04/21 at 12:23 chiều

Cảm ơn Bác Ngọc, nhờ có Bác mà em hiểu thêm được về Sa đéc, đó là quê của bà nội, ngày xưa khi bà còn sống thì lúc nhỏ em có được bà cho về quê vào dịp hè, đến khi bà lớn tuổi cũng ít đi, bây giờ thì bà đã mất được 5 năm. Nhưng bây giờ em mới biết thêm về SĐ qua câu chuyện Bác kể.
Chúc Bác luôn đầy đủ sức khỏe , và đạt nhiều thành tựu hơn nữa ạ ! Kính.

Thủy Vũ

Submitted on 2014/03/30 at 7:19 chiều

Thân chào BS Đỗ Hồng Ngọc
Đọc bài viết này của BS thấy thích quá, một bài viết ngắn mà chứa quá nhiều lượng thông tin tươi lành của cuộc sống, thật rất bổ ích. Đa tạ. VKH

Submitted on 2014/04/03 at 7:19 chiều

Nghe anh kể chuyện đi Sa Đéc vui quá. Nơi đó bình yên, hiền hòa thật dễ thương làm em cũng mơ được có ngày đến đó. Chắc phải “bắt đền” anh, kể chuyện hấp dẫn làm chi… Qua ngòi bút của anh, những nơi những chốn anh đã đi qua đều như có một sức quyến rũ kỳ lạ…

NM

Submitted on 2014/04/15 at 8:37 sáng

Kính chúc Bác sĩ luôn đủ sức khỏe để tiếp tục… hoằng pháp. Một người làm Khoa học, nói chuyện Phật Pháp sẽ rất thuyết phục Bác ạ. Cảm ơn cả bạn Trần Trung Hiếu, nhờ bạn mà ở Vũng Tàu mình vẫn “dự thính” được.

AN.
Submitted on 2014/03/24 at 11:25 chiều

Kính thưa bác Đỗ Hồng Ngọc,
Con không biết bắt đầu câu chuyện thế nào, không biết lựa lời nói thế nào cho phải, cho nên con xin được phép thẳng thắn với bác một vài suy nghĩ thiển cận của con về giá tiền các tập sách của bác.

Con chưa đọc hết tất cả những sách của bác, con chỉ mới đọc khoảng 3 cuốn, nhưng trong mỗi cuốn con đọc , con đều thấy tâm huyết của bác đọc trong đó. Và con cũng học và áp dụng được rất nhiều kiến thức quý báu trong đó.

Và con mỗi lần đọc , con thường hình dung về người viết sách là một người rất có tâm, muốn chia sẻ kiến thức mình góp nhặt và “ngộ” ra cho xã hội.

Tuy nhiên, thật sự con lấn cấn khi nhìn vào giá tiền sách của bác…

Con tự hỏi , tại sao sách của bác không bán với giá rẻ hơn (có thể không cần phải in và trình bày quá đẹp mắt.. ) ? Mà giá rẻ hơn để làm gì? Con cũng không biết để làm gì nữa. Để người đọc dễ tiếp cận hơn chăng? Con không chắc. Nhưng con chỉ biết là, đối với con, nếu giá sách bác rẻ hơn thì con thật sự sẽ nghĩ là bác thật lòng viết sách để chia sẻ với xã hội, giúp xã hội tốt hơn, chứ không chủ đích để kinh doanh. Và con sẽ không phải lấn cấn khi cầm trên tay cuốn sách của bác, cuốn sách mà con rất trân trọng những kiến thức hữu ích trong đó (con nói thật lòng bác ạ).

Con rất xin lỗi bác nếu những gì con nói ở đây làm phiền và ảnh hưởng đến uy tín của bác.

Một độc giả rất tâm đắc với sách của bác.
Thân Huy.

Tái bút: Kính gửi các bạn đọc, những gì mình nói ra ở đây chỉ là ý kiến cá nhân, chủ quan của mình, nếu các bạn có dùng nó để đánh giá về tác giả, vui lòng suy nghĩ kĩ và kiểm tra kĩ và nhận định khách quan những gì mình nói.

Submitted on 2014/03/26 at 6:57 chiều | Trả lời cho Thân Huy.

Thân Huy ơi, bác rất cảm ơn con, vì con đã nói lên được nỗi lòng của bác. Đặc biệt, bác cảm động thấy con viết phần tái bút thật dễ thương, chứng tỏ con là một người rất thận trọng. Con nói đúng lắm. Giá sách đắt quá! Thực lòng bác muốn sách phải thiệt rẻ cho người nghèo, sinh viên học sinh… dễ tìm đọc. Như vậy mới phổ biến rộng, mới có ích cho nhiều người. Nhưng con ơi, sách bác viết ra, bác phải giao cho Nhà xuất bản, họ in ấn và phát hành. Bác không hề “kinh doanh” tí nào cả! Khi sách in ra, NXB gởi tặng bác 10 cuốn tác giả và 10% tác quyền. Thường bác lấy tác quyền mua lại sách để tặng bạn bè, có khi còn chưa đủ!
Ý kiến này của con, bác đã chuyển ngay đến NXB, họ cho biết như cuốn Thiền và Sức khỏe đã được in bằng giấy tốt của Phần Lan, sách nhẹ, bền nên giá đắt… Sau này có thể sẽ in giấy thường, giá sẽ rẻ hơn. Bác biết có nơi, sách bác người ta photocopy ra nhiều bản để tặng nhau. Một vài cuốn thấy bên Mỹ còn “ấn tống” để biếu tặng, không bán… Nhưng làm vậy thì NXB lỗ nặng, họ sẽ từ chối, không thèm in sách cho bác nữa!!
Gần đây, thấy có mấy đĩa bác nói chuyện đây đó, người ta cũng thu và phát hành. Có người hỏi, ủa, lúc này anh bán băng đĩa nữa hả ?! (ĐHN)

Submitted on 2014/03/27 at 10:58 sáng

Kính chào Bác,

Con là độc giả gần đây của Bác. Con chỉ đọc được một số sách Bác viết, nhưng con cảm thấy rất yêu mến vì nhận ra tình cảm chân thật và cái tâm nhiệt thành của Bác qua lời văn giản dị, hài hước, khiến con cảm thấy Bác rất gần gũi.
Do con đã từng nghe một nhà văn khác chia sẻ về việc sống bằng nhuận bút của một nhà văn ở Việt Nam thì khó khăn nhường nào. Như Bác nói 10% cho mỗi cuốn sách chứ còn phải bị trừ thuế nữa số tiền chả đáng là bao, rồi còn vấn nạn sách lậu, sách tự photo … nên con hiểu được nỗi lòng của Bác!
Nhưng con cũng đồng cảm với độc giả là giá sách khá cao so với khả năng của con, nên mặc dù rất muốn ủng hộ sách của Bác ( con quyết không mua sách lậu ) nhưng con chỉ toàn mượn đọc là chính thôi ạ! Mong Bác không phiền lòng vì những độc giả như con vậy!

Mong Bác nhiều sức khỏe!

Thanh Châu

Bệnh viện Hạnh Phúc
Bệnh viện Hạnh Phúc