“Một bạn không xinh đẹp. Không có gì xuất sắc chỉ cần viết stt một câu: e có kinh e mệt. Thế mà có đến 827 người like. Mình thực sự k hiểu vì sao lại nhiều người like đến thế. Trong khi bạn mình nát cả tâm hồn để viết được một bài thơ mà chỉ có khoảng 20 like. Trong số 827 người like có 98 người là bạn của mình trên fb. Xin tiễn vong 98 bạn này. Thực sự muốn điên vì hoang mang trước trình độ của người Việt hiện đại”.

Like để like!

Một cư dân Fb đã viết câu trên trong tuyệt vọng. Hình như có điều gì với vấn đề nút “like” của Facebook, mạng xã hội rộng khắp thế giới đang khuynh đảo các giá trị văn hóa đời sống. Chỉ có thể “like”, chứ không thể không thích. Làm sao có thể biết trong hàng chục, hàng trăm, thậm chí hàng ngàn hàng triệu like đó, like nào là thích thật sự?

Chuyện một em gái “có kinh và mệt” nhận được rất nhiều cái like, có thể vì người ta thích vì nó vừa thiệt tình, vừa… chua chát. Giá trị chân thật của nó khiến tất cả những lời hoa mỹ, mị dân trở nên lố bịch chứ không phải câu nói của em phây đó. Đem so với những lời giả trá thì nó dơ bẩn gấp ngàn lần và không thể có gì thanh cao hơn sự đau đớn của người phụ nữ đã bị phỉ báng chỉ vì đó là… kinh nguyệt, một trong những chu kỳ tất yếu để sinh sản. Nếu không, thậm chí thế giới này cũng không tồn tại, huống chi là người muốn “tiễn vong” những ai like điều chân thật và từ chối… thơ.

Screenshot_2015-02-13-22-58-14-680x1209

 Like và lies – những điều huyễn hoặc

Một chuyên gia kinh tế đã nói về thời đại công nghệ của thế kỷ 21 là bất kỳ lúc nào, bạn cũng đem theo smartphone bên mình để lướt web. Thậm chí, “sách gối đầu giường” đã thay thế cho smartphone đầu giường. Ngay cả khi đi ngủ, khoảng cách của bạn tình sẽ là một cái giường khác hay một căn phòng khác, nhưng khoảng cách với smartphone thì ngắn đến độ, họ chỉ cần với tay một chút là chạm được vào nó.

Thói quen của người mê like là sau khi đã post lên một stt nào, thì không thể vài phút lại mở ra xem có kẻ nào like mình. Có người nửa đêm tỉnh dậy, đi toilet và sau đó mở Fb để… nhìn số like.

Lúc trước, có lần mỗi khi mở Fb tôi rất sợ nhìn thấy mặt người. Chắc chắn, mỗi ngày, sau khi selfie, nhân vật tự sướng này sẽ liên tục mở Fb đếm like. Anh Mark (Mark Zuckerberg) quả là lợi hại, không gì bằng cảm giác sau khi mình khen mình, là mong mỏi người khen ta, like ta và nếu có bàn tán xôn xao thì càng sung sướng rồi len lén xóa những comt chê bai, chửi bới. Con hát mẹ khen hay, mặt mình mình mê like, câu ngạn ngữ mới của Fb.

Sau này càng ngày, dân nghiện càng tăng đô. Fb còn hơn cả lá cải, chắc phải là lá cỏ hoa cồn lê thê, sướt mướt kéo dài ngày này qua năm nọ… lạc vào đây, chẳng khác nào mỗi người chui vào hang đá khoe thân rồi chạy khắp thiên hạ bằng sự phát minh tột bậc của công nghệ thông tin.

Cho nên bà chị nhà đã rất khó chịu nói, cái con mẹ đó đến móng tay, móng chân, đôi dép ton-sur-ton với nhau cũng chụp rồi đưa lên Fb. Dĩ nhiên, nhà nó, nó muốn làm gì làm, nhưng cũng đừng làm phiền người khác chứ. Nhiều khi muốn log nó mà nể nó là bạn lâu năm. Bình thường nó nói năng vẻ khiêm tốn vậy mà hóa ra không phải, nó bị cái ẩn ức selfie quá lớn.

Thật ra, like của Fb quả rất lợi hại. Có những người lâu nay chẳng nói được một câu nên hồn nhưng khi viết Fb lại rất sắc sảo, có chiều sâu, tư duy thấu đáo. Có lẽ ngôn ngữ chất chứa trong người họ không thể hiện bằng khả năng truyền đạt qua lời nói, nhưng lại cực kỳ linh hoạt với ngôn ngữ viết. Đọc được những bài viết như thế, cũng bổ ích và giàu kiến thức, không thể không like. Nhưng những người này, sau một thời gian, lại sa vào sự huyễn hoặc. Nghĩ rằng Fb mới chính là thế giới thật của mình, được nói những điều mình muốn, được mọi người xưng tụng, ngợi khen, điều mà bấy lâu nay không hề có được ở đời thật. Thậm chí, có khi nói ra còn bị chê là vô duyên, thô lậu, thế là câm nín luôn. Chẳng ai từ chối được sống với một thế giới chứa đầy sự hưởng ứng, tiếng vỗ tay rào rào, những lời bàn xôn xao với cái mỹ từ… và đó chính là thế giới mà anh Mark tạo ra, anh Mark thành công, anh Mark trở thành Thượng Đế nhìn xuống đám đông đang like nhau và tự sướng với thế giới mà anh gián tiếp ban phát. Cho đến nay, ở VN, Fb vẫn là mạng xã hội có lượng truy cập cao nhất.

Like và không like, liệu bạn có đủ tỉnh táo để nhận ra mình click chuột vào nút like bằng vô thức hay ý thức thực sự?

Sướng hay không sướng, liệu bạn có đủ tỉnh táo để nhận ra mình đang sống ở thế giới nào: huyễn hoặc hay thực tế?

Phần đời còn lại, vẫn là sự chọn lựa của bạn thôi.

Hồ Trần

Theo báo Thế Giới Tiếp Thị 

Bệnh viện Hạnh Phúc
Bệnh viện Hạnh Phúc