Đứa em của tôi có một thói quen, chẳng biết có giống nhiều người khác hay không. Đó là khi ngoài đường rập rờn treo bán những tờ báo xuân sặc sỡ, kết thành từng mảng lớn bằng khổ chiếc chiếu trải giường đôi, thì nó lụi hụi ôm về một xấp vừa to vừa nặng.

37c67_saigontime4_lanhtinhtopvahot_200Mua về trước Tết gần cả tháng, nhưng mà cất kỹ vô tủ để dành. Mỗi ngày biết có hàng khối chữ chưa đọc ở ngay đó mà nó không hề động tâm. Tôi không nhịn được, lấy ra coi trước sẽ bị nó giận dỗi, cằn nhằn: “Tờ báo đẹp vậy còn đâu là phẳng phiu, thẳng thớm nữa! Mùi giấy mới cũng bay biến luôn. Tới Tết đọc mất hay”.

Em tôi không rượu bia, không cà phê thuốc lá, ít ỏi bạn bè. Ngày Tết cũng chẳng tụ tập đàn đúm đánh bài, nói chuyện xưa nay, trên trời dưới đất. Nó nói, ngày Tết là để nghỉ ngơi, nằm nhà đọc báo, ngắm cây mai treo lủng lẳng thiệp chúc xuân, suốt ngày chẳng phải tất bật đi làm. Chỉ có Tết mới được hưởng thụ, thưởng thức mấy chuyện này thôi. Nhiều người quen biết, thường khen nó một tiếng “hiền”, hoặc hai tiếng “lành tính”.

Nhà tôi có con mèo già bị bệnh ngứa tróc lông, trơ cả mảng da, mặc dù thường kỳ tắm rửa sạch bong. Theo chỉ định điều trị, ngày ngày tôi nhốt nó vào cái giỏ, đi thú y chích thuốc. Phòng thú y chẳng khác nhà thương con nít, so sánh khập khiễng và thiếu tôn trọng nhưng đành phải thế. Ở đó con mèo xin được trong xóm hay con mèo ngoại nhập mắt xanh lông xù, chó ta, chó tây dù nhỏ xíu như trái bí đao chanh, hay lớn bằng con bê đều là thú cưng như nhau. Chủ nuôi ẵm bồng nâng niu, nựng nịu, năn nỉ, lo lắng, rươm rướm nước mắt, và sung sướng tự hào kể những nết tốt, tật xấu của chúng, gọi chúng bằng tiếng “con” âu yếm. Họ không nỡ kéo tai, hoặc đá đạp con vật nuôi (cho vui) trong nhà. Gọi họ là những người lành tính, chắc cũng không sai?

Cái nết hiền lành của con người có nên coi là vấn đề “nóng” hiện nay chăng? Khi mà chẳng để ý cũng thấy, cứ mỗi lần báo đăng có vụ án kinh hoàng xảy ra, thì báo cũng đăng thêm chuyện mọi người sống chung quanh thủ phạm còn thấy ngỡ ngàng hơn nữa. Họ nhận xét: “Thấy cũng hiền. Không làm mất lòng ai, ít nói, không có biểu hiện lạ đáng sợ. Vậy mà sao lại…? Thật là không thể ngờ!”.

Không biết, những kẻ thủ ác đó, có từng được cha mẹ dắt tay chạy đua với trăng, ngửa cổ đếm sao nhấp nháy trên trời, ghé mắt quan sát giọt sương sớm mai long lanh trên ngọn cỏ, lắng nghe tiếng dế gáy, tiếng ếch nhái kêu gần xa đâu đó, nóng lòng nhìn thấy nụ nở thành hoa và chực chờ ngày trái chín…? Những lúc đó – chan hòa với thiên nhiên cây cỏ – tâm hồn con người được rộng mở thênh thang, thoáng đãng, được soi sáng, thông thoáng, trong sạch, những ngóc ngách cũng được hưởng hít thở khí trời, được làm sạch sẽ, bôi xóa đi điều đen tối, bức bối, âm u tù túng.

Hình như “sống chậm” đã từng trụ hạng trong “top” những từ được coi là “hot” khá lâu? Chừng nào thì tới lượt “lành tính” được lọt vào một cái “top” thật là nổi đình nổi đám?

Cũng như dòng suối róc rách chảy tới đâu, cây lá tốt tươi tới đó, việc khai thông ngóc ngách tâm hồn là cứu cánh giúp cho tinh thần người ta yên ổn, phơi phới nhẹ nhàng, sảng khoái, hài lòng. Mà đã thế thì chỉ muốn cười, muốn làm điều hay điều tốt, không muốn gây ra khổ đau, muốn xoa dịu khổ đau.

Điều băn khoăn là khai thông, rửa ráy tâm hồn
ở đâu?

Người ta thường than thở. Vì gia đình bận rộn kiếm sống, hoặc thường xuyên bất hòa, nên những người lớn đâm ra lơ là, hoặc chẳng còn thời gian đâu mà quan tâm tìm hiểu, lắng nghe.

Nhà trường cũng bị trách móc không ít đấy thôi. Chăm chăm nhồi nhét hàng đống kiến thức cao, to, rộng, bắt ép học nhiều, học tăng cho kịp tiến độ chương trình, cho vui vẻ cả làng cấp trên, chính mình và các bậc phụ huynh (?), nên chẳng còn hở ra, thừa ra tiết nào, giờ nào để dạy lũ học trò non nớt đôi chút kỹ năng sống tốt, hoặc kỹ năng sống còn trong cuộc đời xô bồ khôn lường biến hóa.

Có lẽ, những người lành tính đã được trải qua một tuổi thơ rất đẹp, một thuở tuổi mới lớn thật bổ ích. Vô tình, hoặc hữu ý, họ được những người hiểu biết gặp gỡ, dạy dỗ, uốn nắn, dẫn dắt, chỉ đường, làm gương.

Cái thói quen nằm nhà đọc báo xuân nhỏ nhoi kia, em tôi đã mang theo khi đi ra khỏi cuộc đời vất vả mấy năm nay rồi. Lúc đó, khái niệm về cách sống chậm chưa được hô hào kêu gọi bằng mọi cách hãy cố, hãy nên, hãy thử… Nếu có, biết đâu chừng, những người quen sẽ lấy khái niệm này để thay thế từ “hiền”, hoặc “lành tính” vốn đã nghe quen mà nhận xét về đứa em của tôi chăng?

Chợt tẩn mẩn suy ra, vì lành tính nên chịu khó sống chậm, hay vì biết sống chậm nên mới có được cái tính lành?

Hình như “sống chậm” đã từng trụ hạng trong “top” những từ được coi là “hot” khá lâu? Chừng nào thì tới lượt “lành tính” được lọt vào một cái “top” thật là nổi đình nổi đám?

Lưu Thị Lương

Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn online 

Bệnh viện Hạnh Phúc
Bệnh viện Hạnh Phúc