HỎI: Tôi là nam Phật tử, 30 tuổi, hiện đang làm việc trong ngành ngân hàng. Nhờ chút hiểu biết Phật pháp nên trong cách nói chuyện của mình, tôi đều lựa lời mà nói để không làm tổn thương người khác. Những cuộc buôn chuyện của đồng nghiệp tôi ít khi tham gia. Tôi thấy người trẻ hiện nay dường như thích nói chuyện kiểu soi mói, những chuyện thị phi thì lúc nào cũng rộn ràng và được hưởng ứng rất nhiệt tình. Tôi chọn cách sống điềm đạm, chín chắn, hiền lành, tử tế, không biết lấp liếm, không thủ đoạn và mưu mô.
 
Tuy nhiên, cách sống của tôi như vậy được cho là nhàm chán, khô khan, tẻ nhạt, không có gì thú vị, giống “ông cụ non” nên đồng nghiệp ít thân thiết. Chẳng lẽ tôi phải thay đổi mình để hòa nhập với cách nói chuyện kiểu soi mói, chỉ trích, gièm pha, buôn chuyện thị phi như mọi người? Nói thật lòng, tôi không thích nói chuyện kiểu như vậy. Tôi cũng muốn thay đổi một chút trong phong cách sống để người trẻ bớt nói chuyện thị phi, bớt khẩu nghiệp lại. Tôi phải làm thế nào để có thể truyền đạt cho những đồng nghiệp hiểu, biết và thực hành việc chuyển hóa khẩu nghiệp?

(HOÀNG NAM, hoangnhutnam927@gmail.com)

soimoi.jpg
Buôn chuyện nơi công sở – Ảnh minh họa

ĐÁP:

Bạn Hoàng Nam thân mến!

Buôn chuyện thị phi thiên về soi mói, chỉ trích, gièm pha tưởng chừng như vô hại nhưng kỳ thực đang tàn phá thể chất và tinh thần của rất nhiều người. Hiện môi trường gia đình, họ tộc, bà con lối xóm, công sở, hội đoàn cho đến mạng xã hội đang có nguy cơ bị những chuyện phiếm thị phi như vậy làm cho xáo trộn, ô nhiễm nặng nề. Thế mới biết khẩu nghiệp có thể tổn mình, hại người thậm chí giết người mà không cần gươm đao.

Đức Phật đã cảnh báo tác hại khôn lường của khẩu nghiệp đồng thời kêu gọi thực tập ái ngữ, nói lời chánh niệm để mình và người cùng an vui. Bạn là Phật tử nên “chọn cách sống điềm đạm, chín chắn, hiền lành, tử tế, không biết lấp liếm, không thủ đoạn và mưu mô” và “lựa lời mà nói để không làm tổn thương người” là biết tu về khẩu nghiệp. Bạn nên tự hào về cách sống tử tế và nói năng ái ngữ của mình. Điều gì đáng nói thì nói, không đáng nói thì im lặng. Người xưa cũng từng đúc kết bài học kinh nghiệm “nói nhiều thì lỗi nhiều” (đa ngôn đa quá), đâu phải chuyện thị phi gì đều tham gia cũng là hay và vui, nhiều khi đó là nhân của buồn phiền và tai họa.

Bạn nghiêm túc, cẩn trọng trong lời nói khiến đồng nghiệp cảm thấy bạn không vui, thiếu hòa đồng nhưng chắc chắn trong lòng họ ngầm tôn trọng bạn. Nói năng chuẩn mực là nhân cách của người Phật tử, nhờ biết mở lời với chánh niệm nên phát ngôn của bạn luôn mang chất liệu yêu thương, được nhiều người tin tưởng, và nhất là tránh được nhiều tai họa do khẩu nghiệp gây ra.

Thiết nghĩ bạn không cần tìm cách chuyển hóa đồng nghiệp mà chỉ cần sống với phong cách Phật tử luôn nói lời ái ngữ của mình. Theo thời gian, trải qua nhiều hệ lụy vì thị phi mang lại, đồng nghiệp tự khắc sẽ nhận ra những cái hay của việc nói năng có chánh niệm, lợi ích của việc “trước khi nói uốn lưỡi bảy lần”. Bạn không buôn chuyện thị phi, nói lên sự thật, buông lời thương yêu, bạn và người đều vui thì đó chính là tấm gương sáng về tu tập chuyển hóa khẩu nghiệp cho mọi người.

Chúc bạn tinh tấn!

TỔ TƯ VẤN 
(tuvangiacngo@yahoo.com)

(Nguồn: Giác Ngộ)

 

 

Bệnh viện Hạnh Phúc