Chị Lan là giảng viên đại học. Hồi đó, chị được trường cử đi đào tạo thạc sĩ ở nước ngoài rồi tiếp tục học lên tiến sĩ. Khi chị đi, bé Trân, con gái chị mới 7 tuổi.
Thương con gái còn nhỏ đã phải xa mẹ nhưng được chồng động viên nên chị yên tâm giao con cho anh. Trong những cuộc điện thoại, chị đều nghe chồng nói là bé ngoan ngoãn, khỏe mạnh nên chị cũng dần bớt lo lắng.
Ảnh minh họa |
Khi chị Lan trở về, bé Trân đã là một thiếu nữ xinh xắn và nhanh nhẹn. Tuy vậy, chị Lan nhận ra, nhiều lúc Trân cư xử như con trai, không chút nữ tính. Ngoài chuyện không gần gũi, trò chuyện với mẹ, con bé còn hay nhăn nhó, nói chuyện nhấm nhẳng. Mỗi khi không vừa ý điều gì là nó giận dỗi, cáu kỉnh. Chị rất buồn vì cho rằng lỗi tại mẹ đã không ở bên con gái trong giai đoạn phát triển quan trọng của bé. Chồng chị thì quá bận rộn nên không có thời gian chăm sóc, giáo dục con chu đáo. Chị quyết định sẽ bắt đầu lại quá trình điều chỉnh tính cách của Trân, dù có thể hơi muộn nếu theo nguyên tắc “dạy con từ thuở còn thơ”.
Việc làm đầu tiên của chị Lan là khuyên bảo con gái. Nhưng Trân tỏ ra phản kháng quyết liệt vì nó đã quen với việc “thích gì làm nấy”. Những khi chị Lan nói chuyện, Trân ngồi im lặng hoặc nghe một cách lơ đãng. Thỉnh thoảng, nó viện lý do bận học bài hoặc nói thẳng là con không thích nghe.
Thấy con gái có những ứng xử không phù hợp như thế, lúc đầu chị Lan rất bực vì nghĩ con hỗn hào, mất dạy. Nhưng tham khảo ý kiến chuyên gia tâm lý, chị biết là phải dùng những cách thức phù hợp độ tuổi, nhận thức cũng như tâm sinh lý của trẻ chứ nếu quát mắng, xúc phạm con thì tình hình sẽ càng tồi tệ và cháu sẽ càng xa cách với mẹ hơn. Từ đó, chị nghĩ ra cách từ từ uốn nắn Trân, bắt đầu bằng những việc nhỏ nhặt nhất.
Những bữa ăn, do không ai bày vẽ, Trân cứ nhai nhồm nhoàm hoặc vừa ăn vừa chép chép miệng rất khó coi. Có khi Trân vừa ăn vừa nói, làm rơi thức ăn ra ngoài. Nói chuyện thì vô ý đến độ không ít lần văng cả nước miếng vào người khác…
Một lần, khi cùng con gái xem phim Hàn, đến cảnh bữa ăn, làm như vô tình, chị Lan chỉ vào tivi, nhỏ nhẹ: “Mọi người ăn thấy dễ thương ghê đi! Ai cũng ngậm miệng khi nhai, không hề phát ra tiếng động gì hết à!”. Quả nhiên là có hiệu quả. Từ đó, mỗi khi ăn, Trân bắt chước trong phim, ngậm miệng khi nhai, không gây tiếng động, không nhồm nhoàm, nuốt xong mới nói…
Lại nữa, Trân có thói quen nói chuyện oang oang. Có khi vừa cười vừa nói ngả ngớn. Chị Lan muốn con gái nhẹ nhàng, từ tốn… mà chưa biết bắt đầu thế nào thì một hôm, Trân dẫn về nhà cô bạn gái tên Thi. Tuy không xinh xắn như Trân nhưng Thi lại hấp dẫn bởi vẻ hiền thục dịu dàng. Tối đó, sau khi Thi về, chị Lan thăm dò Trân bằng cách khơi gợi: “Nhỏ Thi sao mà xinh bằng con gái mẹ nhỉ!”. Lập tức, Trân phản ứng ngay: “Vậy thì mẹ không biết rồi, nhiều đứa con trai trong trường thích nó lắm đó!”.
Chị Lan gật đầu: “Đúng là Thi không xinh nhưng trông rất nữ tính, nết na, thùy mị. Vì thế, gặp con bé lần đầu mà mẹ thấy rất có cảm tình!”. Rồi chị dẫn ra những vai nữ diễn viên trong các bộ phim mà Trân đã xem và thích thú để chứng minh. Sau đó, chị Lan thấy Trân bắt đầu chú ý trong cách nói chuyện, chậm rãi hơn, chừng mực hơn, cố gắng không cao giọng hay cười ha hả như trước.
Tiếp đó, chị Lan nhắc nhở con gái việc chăm sóc bản thân để trở thành một cô gái hấp dẫn trong mắt mọi người, từ việc tắm rửa mỗi ngày đến việc chải tóc gọn gàng, cách ăn mặc mỗi khi ra đường, ở trong nhà… Chị cũng dạy Trân cảm thông với người khác, biết lắng nghe; mỉm cười lịch sự thay vì nhăn nhó, cằn nhằn; nói năng nhỏ nhẹ hơn là ào ào, rổn rảng…
Từ một cô bé xinh xắn nhưng vô duyên, dưới sự uốn nắn của mẹ, từng chút một, bằng hành động, lời nói, qua những câu chuyện, tình huống cụ thể… Trân trở nên thùy mị, dịu dàng hẳn. Đặc biệt, hai mẹ con ngày càng gần gũi, thân thiết với nhau hơn.