Gần đây, báo chí và các trang mạng xã hội rộ lên chuyện bảo mẫu bạo hành trẻ tại nhà trẻ Mầm Xanh (Q12, TPHCM), thu hút sự quan tâm của dư luận. Không ít bậc phụ huynh có con cháu ở tuổi mầm non bày tỏ nỗi lo về việc cho các bé đi nhà trẻ và ước mong về một môi trường an toàn cho con khi rời vòng tay yêu thương của cha mẹ.

Nếu như trước đây, người phụ nữ thường ở nhà chăm con cho đến khi đứa trẻ đủ tuổi vào mẫu giáo hay lớp Một, thì hiện nay, vì nhu cầu cuộc sống, người mẹ phải bận rộn với việc mưu sinh nên chuyện gởi con đi nhà trẻ không còn xa lạ. Sài Gòn có không ít nhà trẻ bề thế, chất lượng. Tuy nhiên, không phải ai cũng có khả năng gởi con vào, nhất là những gia đình công nhân. Do vậy, nhiều nhà trẻ tư nhân đã ra đời để đáp ứng nhu cầu ngày càng nhiều của những gia đình nhập cư. Và không phải cơ sở nào cũng đủ tiêu chuẩn, đảm bảo sự an toàn cho trẻ. Trường hợp bạo hành xảy ra ở nhà trẻ Mầm Xanh không phải là duy nhất. Trước đây, báo chí cũng đã từng phanh phui nạn bạo hành xảy ra nơi các cơ sở, nhà trẻ tư nhân.

Vốn đã phải lo lắng chuyện kiếm sống không dễ dàng ở thành phố “đất chật người đông” này, các ông bố bà mẹ trẻ lại phải lo thêm chuyện không biết gởi con mình đi nhà trẻ nào cho an toàn.

Anh Phạm Văn Danh, 34 tuổi, quê Nghệ An, vào Sài Gòn làm việc tại một đại lý điện thoại di động, còn vợ phụ việc cho một quán ăn. Tiền thuê phòng và ăn uống cho hai vợ chồng và đứa con ba tuổi khá chật vật. Anh tâm sự: “Chúng tôi không hộ khẩu, thu nhập cũng không nhiều, chỉ đủ tiền gởi con đi nhà trẻ tư gần chỗ làm để tiện đưa đón. Gần đây, nghe những vụ bạo hành trẻ em, cũng giật mình, song với hoàn cảnh nhà mình thì thôi cứ hên xui, phó thác hết cho Chúa vậy”.

Nhiều nhà trẻ lắp máy quay (camera) và kết nối được với điện thoại thông minh của ba mẹ trẻ. Tuy nhiên, với những phụ huynh xài điện thoại “đập đá” thì…thua. Hơn nữa, theo anh Trần Phước Toàn, 37 tuổi, một phụ huynh  ngụ quận 3 – TPHCM thì: “Có camera đi nữa, nếu bảo mẫu muốn đánh trẻ, họ lại tìm cách ‘né’ máy quay. Tôi từng nghe kể có những trường hợp trẻ bị bạo hành trong nhà vệ sinh hay ở một góc khuất nào đó. Nói tóm lại, nếu bảo mẫu không có tâm, sẽ có rất nhiều chiêu trò qua mắt phụ huynh…”.

Nhiều giáo viên làm công tác hướng nghiệp cho học sinh nhận thấy không ít em chọn vào trường đào tạo nuôi dạy trẻ không phải yêu trẻ mà đa số vì nghề này rất dễ tìm việc làm. Khi làm việc, bất cứ ngành nghề nào cũng có những mặt trái. Người ta chỉ vượt qua những áp lực khi thật sự yêu nghề. Bao nhiêu người đang làm tại các nhà trẻ thật sự yêu con trẻ?

Cô Cao Minh Hằng, 35 tuổi, hiện làm công việc nuôi dạy trẻ tại một cơ sở tư nhận thuộc quận 5 – TPHCM chia sẻ:  “Phụ huynh ở nhà chỉ có một đứa con đã thấy mệt mỏi với những trò nghịch phá của nó, nhất là với con trai. Còn chúng tôi, một cô phải “chăn” ít nhất 10 trẻ. Không trẻ nào chịu ngồi yên được 5 phút. Các bé cứ đánh nhau, giành đồ chơi, la khóc rồi đi vệ sinh đầy quần áo. Áp lực lắm, đúng là nếu không có lòng yêu trẻ, khó bền được với nghề!”.

Nuôi dạy trẻ đỏi hỏi phải có tấm lòng. (ảnh: internet)

Những người đến với công việc này vì lòng yêu thích thì sẽ tìm thấy niềm vui, kể cả những người không hề qua trường lớp đào tạo nghề nuôi dạy trẻ nào. Bà Trần Thị Hàn, 60 tuổi (Q3, TPHCM) kể, năm 1980, do chồng thất nghiệp, chị gái bà nhận nuôi trẻ con cho hàng xóm nhận tiền công hằng ngày. Chị nhận chăm 5 trẻ từ lúc 3 – 5 tháng tuổi đến khi các bé lên 3 – 4 tuổi và vào lớp 1: “Trong nhiều năm, tôi chứng kiến chị mình chưa hề đánh mắng một bé nào. Là người mẹ của 5 đứa con đã lớn, chị tôi có đủ kỹ năng nuôi trẻ, thành thạo việc tắm rửa, đút cơm…cho chúng. Mỗi lần đi đâu một buổi, phải gởi trẻ cho tôi trông giùm, khi về chị đều suýt xoa ‘nhớ tụi nhỏ quá’. Khi các bé lớn cũng là lúc con cái thành đạt, chị tôi không phải giữ trẻ kiếm tiền nữa, nhưng những đứa trẻ chị từng giữ, trên đường đi học về thỉnh thoảng ghé thăm “bà vú”, cho bà chút quà bánh…Thật dễ thương!”. Từ chuyện của chị gái mình, bà Hàn rút ra một điều rằng, giữ trẻ là một công việc đòi hỏi tấm lòng, khi có cái tâm thì dù với đồng tiền ít ỏi, cũng vẫn làm việc vô cùng cẩn thận và đầy yêu thương.

Cũng như bà Hàn, anh Trần Văn Mão, 35 tuổi (Q8, TPHCM) thừa nhận, cho dù các nhà trẻ có camera hay yêu cầu nghiệp vụ gì đi nữa, cũng không bằng kêu gọi những người làm công việc nuôi dạy trẻ cần có tâm, đừng xem nghề này như một nhu cầu giải quyết việc làm nhất thời.

Môi trường nhà trẻ đầu tiên cũng là nơi hình thành tính cách của trẻ, vì vậy tinh thần trách nhiệm và tình yêu trẻ phải được đặt lên hàng đầu nơi các ứng viên vào nghề bảo mẫu.

Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn
Bệnh viện Hạnh Phúc