Triển lãm về đề tài Phật giáo “Sự Phúc Lạc trong Tĩnh Lặng” của họa sĩ Kim Chi diễn ra trong thời điểm này có vẻ như rất đúng lúc khi mà các giá trị về tu tập và đạo Phật đang được nhìn nhận lại ở nhiều góc độ khác nhau, nhất là viral về nhà sư Minh Tuệ vẫn còn đang rất hot trên cộng đồng mạng.
Đặc biệt hơn nữa, trong triển lãm lần này của họa sĩ Kim Chi còn có 1 vị khách mời cao tăng đến từ đất nước có nhiều điển tích về Đức Phật Thích ca, đó chính là Ngài Phó Tăng Thống Sri Lanka – Wendaruwe Upali Thero. Đây cũng là một nhân duyên khi mà nữ họa sĩ được gặp gỡ Ngài trong chuyến hành hương về miền đất Phật ở Sri Lanka và Ấn Độ.
Họa sĩ Kim Chi và Ngài Phó Tăng Thống Sri Lanka – Wendaruen Upali Thero
Tranh ký họa của Ngài Phó Tăng Thống Sri Lanka
Họa sĩ Kim Chi biết Ngài Phó Tăng Thống có khả năng ký họa chân dung Đức Phật và những linh vật trong thần thoại Phật giáo với sự tôn kính và lòng thành, nên chị đã mời Ngài sang thăm đất nước Việt Nam và cùng tham gia triển lãm với mình.
2 bức chân dung do họa sĩ Kim Chi vẽ Ngài Phó Tăng Thống Sri Lanka
Ngài Phó Tăng Thống Wendaruen Upali Thero và các tac phẩm của ông. Trong đó có bức sơn dầu do họa sĩ Kim Chi tô màu lên tranh ký họa của ông
Những bức ký họa của Ngài Phó Tăng Thống Sri Lanka tại triển lãm
Cho nên rất đông khách tham quan đều tỏ lòng tôn kính và hoan hỷ đảnh lễ khi được diện kiến vị cao tăng của Phật giáo Sri Lanka và được chiêm ngưỡng những tác phẩm của Ngài vẽ về Đức Phật. Những tác phẩm này được Ngài vẽ bằng tâm thức và trí tưởng tượng của mình nên chất chứa trong đó sự từ bi, nhẹ nhàng và đúng với những gì mà triển lãm đã lấy làm chủ đề – “Sự Phúc Lạc trong tĩnh lặng”.
Riêng về cá nhân họa sĩ Kim Chi, họa sĩ Nguyễn Trung đã có những nhận xét khá hay về chị: “Tranh của Kim Chi không biểu lộ một ý tưởng nào gọi là cao đạo mà là sự trải lòng, chân thật, hồn nhiên. Đôi khi có những ý tưởng trông có vẻ kỳ dị nhưng không có lập dị cũng rất đáng yêu! Đó là ước mơ về cuộc sống, những kỷ niệm, những trải nghiệm, những chịu đựng thử thách của cuộc sống. Kim Chi đã biến chúng thành niềm vui trong vắt như pha lê.
Riêng trong đợt tranh của triển lãm này mọi điều, mọi hình ảnh màu sắc trong cuộc sống đã trở nên thanh khiết, trong veo. Đến hôm nay thì Kim Chi vẫn cho ta thấy những con rối, những vòng quay chong chóng, thú bông… Những đồ chơi cho trẻ em, những đồ chơi đã từng dự phần vào cuộc sống hằng ngày trước kia của mình. Những đồ chơi ấy đã ăn sâu vào tiềm thức để hôm nay nở rộ trên khung vải. Tuy nhiên, thay vì là những hình ảnh của âu lo, của mưu sinh thì chúng là những hình ảnh trong trẻo, hồn nhiên.
Màu sắc của Kim Chi sự dụng trong triển lãm này có rực rỡ hơn trước, kể cả ở những bức tranh cô dùng tông lạnh, xanh lơ, xanh lục, chúng ta ngạc nhiên về cách tô màu ‘nghề nghiệp’ hơn trong vẻ hồn nhiên vẫn còn đó.
Sẽ rất thiếu xót nếu chung ta bỏ qua những tác phẩm gốm của Kim Chi. Đó không phải là những siêu phẩm được thực hiện bởi trình độ kỹ thuật cao, men đạt đến độ tuyệt vời nào nhưng chúng rất cần thiết để bổ sung vào toàn bộ tác phẩm của Kim Chi. Đó là một bộ công việc phải được bổ sung cho nhau để nói rõ lên cái khí chất hồn nhiên của chủ nhân của chúng.
Tôi cầu chúc cho Kim Chi vẫn luôn có sức làm việc, được tiếp tục vẽ hồn nhiên, nét ngây thơ hay chính xác hơn, vẻ trong sáng của một nghệ sĩ không qua trường lớp nào. Một nghệ sĩ từng vượt qua nhiều khó khăn để đi tìm cái Đẹp trong thẩm sâu của tâm hồn mình”.
Triển lãm “Sự Phục Lạc trong Tĩnh Lặng” còn tirếp tục được ra mắt đến 15/7/2024, tại Hội Mỹ thuật TP.HCM (218A Pastuer, Q.3, TP.HCM).