Nếu như trước đây, shisha được xem là một thú chơi sang chảnh của giới “công tử” nhà giàu thì ngày nay shisha đã len lỏi đến từng ngõ phố phục vụ nhu cầu bình dân. Đáng lo ngại là khi các chuyên gia đã nhiều lần cảnh báo tác hại của loại thuốc này thì shisha vẫn ngày càng được ưa chuộng và nghiễm nhiên trở thành thú tiêu khiển sành điệu của giới trẻ.

Bàn đèn kiểu mới

Có xuất xứ từ Trung Đông, shisha (hay còn gọi là thuốc Lào Arập) đã có mặt ở Việt Nam nhiều năm trở lại đây. Khi mới được “du nhập” về Việt Nam, shisha chỉ dành cho người lắm tiền và chỉ những quán bar có “số má” mới dám phục vụ. Vậy nhưng, hiện tại shisha đã “mở rộng địa bàn” len lỏi xuống cả hè phố để phục vụ từ đối tượng bình dân. Hiện tại, giới trẻ Hà thành không phải vào bar lớn mới được thưởng thức thứ sang chảnh này mà chỉ cần ngồi vỉa hè, nghe DJ, uống trà tranh và… hút shisha.

Những ngày nắng nóng này, shisha lại càng được ưa chuộng hơn cả. Chỉ 21 giờ, khu vực “giải nhiệt” tối ưu như: hồ Đền Lừ, hồ Văn Quán, phố Tạ Hiện, khu vực Hồ Tây… đã có thể dễ dàng bắt gặp la liệt “nam thanh, nữ tú” đến tìm shisha xả stress. Mới điểm qua cũng đủ thấy, độ “phủ sóng” của shisha nguy hiểm đến mức nào.

shisha2

Mục sở thị tại một quán trà chanh shisha khu vực Văn Quán, quả nhiên không khó để bắt gặp cảnh tượng các cậu ấm, cô chiêu đang “phê” thuốc. Quán trà chanh vỉa hè này nghe nói đã mở được 4 năm, nhưng chỉ phất lên khi biết chiều lòng “thượng đế” bằng cách vừa có shisha vừa có DJ phục vụ miễn phí. Lắc lư theo điệu nhạc, tay thoăn thoắt chọn thuốc, bỏ vào ống rồi xòe lửa rất sành điệu, một chàng trai trong quán hào hứng đốt thuốc, hút một hơi thật sâu, mắt lờ đờ rồi từ từ ngả ra ghế chìm trong ảo giác.

Ở một góc khác, một top toàn nữ sinh cũng túm năm, tụm ba ngồi chờ chủ bày shisha. Vào vai lính mới muốn được “học hỏi” nên tôi mau chóng nhập hội và mon men muốn được dạy cách hút. Một nữ sinh trong nhóm hứng khởi giới thiệu luôn. Theo giảng giải thì: Hút shisha một lần là nhớ mãi, hôm nay đến rồi mai lại muốn đến luôn. Cười phá lên cùng “đồng bọn” cô này bắt đầu nghiêm túc: Bộ dụng cụ hút shisha hoàn chỉnh gồm nhiều bộ phận như: vòi, bình nước, thân, miếng đệm, van, màng gió, ống dây, chén đất… Nếu có ý tưởng mua về nhà hút thì sẽ phải đầu tư một khoản kha khá đấy. Cô này cũng bật mí: Khi sành rồi thì phải có “của” riêng mà tự phục vụ mới đã, cần lúc nào là… đáp ứng luôn.

Theo tay của cô, nhận thấy đèn shisha cũng khá đặt biệt, có nhiều màu sắc, kiểu dáng bắt mắt: “Muốn phê nó thì chỉ việc cho thuốc vào chén, đốt nóng rồi cầm ống hút một hơi hết tốc lực. Sau khi đã hút được hết hơi đó thì phải biết ém hơi để hơi thuốc đi vào phổi rồi xông lên óc và cuối cùng là cách… nhả khói”. Quy trình chỉ có vậy nhưng làm được cũng không phải dễ. Với những ngao đầu (hút lần đầu) không quen vị sẽ thấy khó chịu, thậm chí “không nhập” mà cho ra hết. Nhưng chỉ cần đến ngao 3, ngao 4 là quen, còn đến gần chục ngao là có thể an tâm mà “phiêu” được rồi. Vừa nói, vừa thực hành, quả nhiên chỉ trong chốc lát, cả nhóm của cô gái này đã rơi vào trạng thái… “phiêu”.

Không sai khi nói, trước đây shisha chỉ dành cho người “sành điệu”, bởi khi nhập về Việt Nam thời kỳ đầu, giá cả khá “trên trời” với khoảng 1,2 triệu/bình. Tuy nhiên, được biết ở thời điểm hiện tại thì shisha chỉ có giá dao động từ 150.000-300.000 đồng/bình và có thể thưởng thức nhiều vị như nho, táo, dưa hấu, cam, kiwi… tùy ý. Nhiều quán còn tung chiêu câu khách nên thường xuyên giảm giá khuyến mại xuống chỉ còn 100.000 đồng/bình. Theo tiết lộ của chủ quán thì: “Những ngày nắng nóng này, mỗi quán đón cũng phải đến mấy chục lượt khách, phục vụ không xuể. Cũng là do giá cả bình dân, phù hợp với túi tiền của giới trẻ”.

Nhưng nguy hiểm ở chỗ, shisha được bán “thả nổi” trên phố như hiện nay còn được pha nhiều tạp chất. Nếu chiểu theo những lời quảng cáo trên các trang web để hút khách của các nhóm trà chanh thì shisha không độc, không nicotine và hoàn toàn từ thảo dược… Nhưng thực chất, để khách được phiêu hơn cũng là chiêu thức giữ khách thì các chủ quán đã không ngại bỏ thêm rượu, ma túy tổng hợp… nhằm tăng thêm độ phê và khó dứt cho người sử dụng. Không biết thú hưởng lạc thể hiện sự “sành điệu” của các cậu ấm, cô chiêu này đến đâu nhưng rõ ràng cảnh tượng trước mắt chỉ thấy một loạt lờ đờ phê thuốc đến thảm hại.

Hiểu đúng về shisha

Khi được hỏi về cảm giác, người thưởng thức đều chung một câu trả lời: “Hút shisha cảm giác khoan khoái, dễ chịu, tưởng như muốn làm gì cũng làm được luôn”. Điều này lý giải vì sao dù biết độc hại nhưng rất nhiều người trẻ vẫn thản nhiên tiêu khiển.

 Shisha1 (1)

Thực tế, nhiều nghiên cứu mang tầm quốc tế đều đã chỉ ra rằng, hút shisha không chỉ ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe mà còn có khả năng gây ra nhiều căn bệnh nguy hiểm, trong đó có căn bệnh ung thư. Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới và Hội Ung thư Mỹ, một lần hút shisha kéo dài 1 giờ, một người có thể sẽ hít lượng khói vào cơ thể gấp từ 100-200 lần so với hút 1 điếu thuốc lá. Lượng khói này tương đương 0,15-0,5 lít khói. Đặc biệt, lượng nicotine vào trong cơ thể do hút shisha còn cao hơn thuốc lá đến 75%. Ngoài ra, người hút shisha có nguy cơ mắc bệnh răng miệng và ung thư phổi cao gấp 5 lần người không hút. Nhưng quan trọng hơn là nó lôi kéo lớp trẻ ngập vào ma túy dưới những hình thức huyền hoặc, ma mị. Thế nhưng, một thực tế đáng buồn là, trong khi giới trẻ đang truyền tai và chạy đua với thú tiêu khiển độc hại này thì hiện tại ở Việt Nam chưa có nghiên cứu chính thức nào về sự độc hại của shisha để cảnh báo rõ ràng.

Theo PGS.TS Nguyễn Hồng Siêm, Chủ tịch Hội Đông y Hà Nội cho biết: Shisha là một loại thuốc du nhập về Việt Nam mấy năm nay, Hội cũng chưa có những nghiên cứu chính xác. Tuy nhiên, trên cơ sở thực tiễn nhiều bạn trẻ chủ quan cho rằng, hút shisha không độc hại, cùng lắm chỉ như hút thuốc lá, nhưng sự thật không phải vậy. Shisha cũng có thể gây nghiện và càng độc hại hơn khi bị pha chế bởi những tạp chất khác. Nếu sử dụng chất kích thích như rượu hay ma túy tổng hợp thì rất dễ khiến người hút bị sốc, dẫn tới bị trụy tim, suy hô hấp… Và đương nhiên là nghiện, từ nghiện nhẹ chuyển đến nghiện nặng. Lúc đó, không kiềm chế rất có thể cơ thể sẽ bị ảo giác, điều này ảnh hưởng nghiêm trọng tới hệ thần kinh và não bộ.

Cùng chung quan điểm này, TSKH Nguyễn Minh Khởi (Viện Dược liệu Việt Nam) e ngại: Shisha có nhiều vị, khi hút lại thanh mát nên nhiều người cứ nghĩ nó không độc hại. Tuy nhiên, bản chất shisha là gây độc, hơn nữa khi đưa ra thị trường nó không còn nguyên chất mà được trộn thêm rất nhiều thứ khác, đó là chiêu bài để tăng sự hấp dẫn và giảm giá thành của các chủ hàng. Những hương liệu rẻ tiền, không rõ nguồn gốc này nhiều hiểm họa bởi nguy cơ gây ngộ độc xảy đến với người sử dụng là rất cao, dễ gây dị ứng và tổn hại đến các tế bào trong cơ thể.

Shisha còn được gọi với một cái tên khác là thuốc lào Arập, xuất hiện từ Trung Đông vào thế kỷ XV, nay lan truyền ở các nước. Chuyên gia Tracey E. Barnett (Đại học Florida – Mỹ) vừa công bố nghiên cứu: Hút shisha một lần, người hút cũng có nguy cơ mắc các bệnh đường hô hấp, viêm phế quản mãn tính, cúm và kể cả lao. Sử dụng shisha lâu dài có thể dẫn đến bệnh tim và nhiều bệnh ung thư như ung thư phổi, ung thư miệng, ung thư tuyến tiền liệt.

Nguồn: Huy An/ Petrotimes.vn

Bệnh viện Hạnh Phúc