Trên thế giới, theo ước tính thì cứ 20 giây trôi qua có 1 trẻ em chết vì nhiễm bệnh liên quan đến nguồn nước và có gần 2 tỷ người trên thế giới không tiếp cận được nguồn nước, và chỉ trong 15 năm tới, 48 quốc gia trên thế giới sẽ lâm vào cảnh thiếu nước. Trước tình hình này, nhân Ngày Nước sạch Thế giới – 22/03/2014, Lãnh sự quán (LSQ) Nam Phi tại TP.HCM kêu gọi tinh thần tiết kiệm nước, bảo vệ môi trường và nguồn nước chung của người dân trên thế giới và Việt Nam với khẩu hiệu: “Gìn giữ nguồn nước cho thế hệ tương lai”.
So với những thế kỷ trước, ngày nay việc sử dụng nước đang phát triển, trở thành một ngành thương mại. Chúng ta hiện đang phải trả tiền để sử dụng tài nguyên mà tổ tiên ta ngày xưa có thể sử dụng một cách thoải mái. Điều này thật vô lý! Tại một số quốc gia trên thế giới từ Trung Đông đến Trung Quốc, từ Mỹ La-Tinh đến Châu Phi, người dân đang phải gánh chịu những hậu quả nặng nề từ việc khai thác quá mức nguồn nước. Việc này dẫn đến việc thiếu hụt nguồn nước sinh hoạt cần để duy trì đời sống ổn định. Nước được ví như “vàng xanh” tại các quốc gia vì không có gì thay thế được! Tuy nhiên, không phải ai cũng có ý thức bảo vệ nguồn nước.
Việt Nam là quốc gia có nền nông nghiệp phát triển mạnh. Tuy nhiên, hiện nay Việt Nam được xếp vào diện quốc gia thiếu nước, và chỉ có khoảng 40% dân số tại các vùng nông thôn tiếp cận được với nguồn nước sạch. Một báo cáo dánh giá gần đây của Ngân hàng Thế giới về ngành nước Việt Nam nêu rõ , Việt Nam có nguồn nước ngầm chất lượng tốt với trữ lượng lớn nhưng ở nhiều nơi, nước ngầm bị khai thác tập trung nên đang có mức sụt giảm nghiêm trọng. Tại Hà Nội và nhiều khu vực ở TP Hồ Chí Minh, mực nước ngầm đã giảm 30m so với mực nước tự nhiên. Tình trạng khai thác quá mức cũng diễn ra ở Tây Nguyên và vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Theo đánh giá của các nhà khoa học, một số tầng nước ngầm hiện nay chỉ còn tồn tại được trong khoảng thời gian ngắn nữa.
Ngoài ra, ô nhiễm nguồn nước đang là một vấn nạn lớn đối với Việt Nam. Tại Hà Nội, mỗi ngày thành phố thải ra khoảng 300.000 – 400.000 m3 nước thải. Tuy nhiên, lượng nước thải được xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường mới chỉ chiếm khoảng hơn 6% tổng lượng nước thải của thành phố, do đó nồng độ chất ô nhiễm ở một số điểm xả rất cao. Tại TP Hồ Chí Minh, riêng lượng nước thải công nghiệp xả ra môi trường mỗi ngày là 400.000 m3. Một số ngành công nghiệp hóa chất, phân bón, khai thác khoáng sản có lượng nước thải lớn, chứa nhiều chất độc hại được thải trực tiếp ra các sông, ao, hồ, kênh, rạch nên đã gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Việc gây ô nhiễm nguồn nước đang hủy hoại dần nguồn tài nguyên quan trọng và cần thiết nhất trong mọi hoạt động của con người. Hiện chưa có nguồn tài nguyên nào có thể thay thế được vai trò của nước trong việc duy trì sự sống trên hành tinh này. Trong các ngành công nghiệp đặc biệt là những ngành công nghiệp trọng điểm, nước đóng vai trò chủ đạo trong mọi hoạt dộng sản xuất. Chẳng hạn như theo số liệu từ trang waterfootprint.org thì phải cần gần 3,000 lít nước để sản xuất một chiếc áo sơ mi, 9 lít nước để sản xuất một tờ giấy, 26 lít nước để sản xuất 4 lít sữa. Ngoài ra, nếu không có nước thì ngành công nghiệp năng lượng sẽ gặp nhiều khó khăn vì nêu thiếu nước thì sẽ không thể sản xuất ra được dầu và khí đốt.
Bên cạnh đó, khan hiếm và thiếu nước là mối đe dọa rất nghiêm trọng đối với sự tồn tại của con người trong tương lai. Do đó, cần có các giải pháp quản lý khai thác và bảo vệ tốt tài nguyên nước. Vì thế, nhân Ngày nước sạch Thế giới, Lãnh sự Danh Dự Nam Phi tại TP.HCM kêu gọi mỗi người dân Việt Nam hãy thay đổi cách sử dụng nước của mình. Đồng thời có những biện pháp hợp lý để có thể bảo vệ và duy trì nguồn nước sinh hoạt chung.
(Tư liệu và hình ảnh do Lãnh sự quán (LSQ) Nam Phi tại TP.HCM cung cấp)