Cuộc sống của chúng ta được định hình bởi suy nghĩ – Ảnh minh họa
Thế giới bên ngoài, có thể ta không làm chủ được hay điều khiển mọi thứ theo ý mình, nhưng chắc chắn rằng ta có thể làm chủ được những suy nghĩ của mình. Cái gì ta không thể làm chủ được mà cố xoay chuyển chúng theo ý mình là một việc làm thiếu tuệ giác, dĩ nhiên sẽ bị khổ đau.
Thực tế cho ta biết, khi mình càng cố kiểm soát người khác, mình càng thêm phiền não. Nhưng thật kỳ diệu thay, khi ta biết thay đổi tư tưởng, từ kiểm soát qua tùy thuận, ta trở nên an bình, nhẹ nhàng trước những sự việc mà người khác làm không thuận với lòng mình. Thế mới biết, mình chỉ có thể đạt tới hạnh phúc khi biết chuyển hóa chính nội tâm của mình mà không phải là việc cố thay đổi một ai đó hay hoàn cảnh bên ngoài.
Nếu không thể làm chủ được thế giới bên ngoài, thì dĩ nhiên ta cũng không thể lựa chọn được những gì có thể xảy ra với mình. Cuộc đời biến hóa khôn lường, phúc họa ẩn tàng trong nhau. Nhưng dù là cái gì xảy đến, thì cũng chẳng quan trọng, quan trọng là cái cách ta đón nhận nó. Nhiều người cùng một hoàn cảnh mất mát, chung một cảnh ngộ đau thương, nhưng có người an nhiên tự tại, có người đắm chìm trong sầu muộn. Do đâu có sự khác biệt ấy? Là do suy nghĩ mà ra. Park nói: “Thái độ của chúng ta trước những điều bên ngoài phụ thuộc vào cách suy nghĩ bên trong chúng ta”. Suy nghĩ nếu tích cực, đúng với lời Phật dạy thì dù cuộc đời có tác động thế nào, phiền não cũng không thể khởi sanh.
Ta thường bận tâm đến việc người khác nghĩ gì về mình mà ít khi quan tâm mình nghĩ gì về người khác. Khi ai đó tỏ thái độ hơi thiếu cảm tình với mình một chút, là lòng ta cứ lăn tăn nghĩ ngợi không biết họ nghĩ gì về mình mà có thái độ như thế. Mà theo tập quán tâm lý, hễ thấy ai tỏ thái độ không mấy thiện cảm với mình, ta cũng tỏ thái độ như thế với họ. Nhưng nếu là người có tu tập chánh niệm tỉnh giác, ta nhận ra ngay thói quen tâm thức tiêu cực ấy và chuyển hóa chúng. Thay vì quan tâm người khác nghĩ thế nào về mình, ta quan sát tâm ý, xem mình đang nghĩ gì về họ, mình có đang nghĩ tốt về họ không, nếu không thì khởi nghĩ những điều tốt lành về họ. Hãy tự nhắc nhở mình rằng, luôn nghĩ điều tốt lành về người khác, thân thiện và cởi mở với họ, để thân tâm mình luôn được nhẹ nhàng, an lành, vì nghĩ tốt về người khác tự nó tạo ra hạnh phúc cho mình mà không cần phụ thuộc vào việc người khác nghĩ gì hay có thái độ như thế nào với mình.
Suy nghĩ thường là kéo ta về với quá khứ hoặc hướng ta đến tương lai. Nghĩ về quá khứ chỉ có thể là nuối tiếc hoặc là khoét sâu thêm vào những nỗi đau đã qua. Quá khứ ta có thể đã từng lầm lỗi, vụng về và sai trái, nhưng nếu cứ suy nghĩ về những điều đó để trách giận bản thân, dằn vặt chính mình thì hiện tại ta càng thêm bế tắc và khổ đau. Càng chì chiết quá khứ, chỉ làm hiện tại tăng thêm nỗi đau. Quá khứ là cái đã đi qua, ta không thể thay đổi. Nỗi đau, nếu đang có mặt trong hiện tại do vì những lầm lỗi trong quá khứ, thì ta chỉ nên ghi nhận và ôm ấp chúng bằng năng lượng chánh niệm mà không hằn học về quá khứ, thì nỗi đau khổ ấy cũng dễ chịu đi rất nhiều.
Nên nhớ, con người ta không ai là hoàn hảo, không ai mà không có lỗi lầm, việc đã yêu lấy bản thân mình thì cũng yêu luôn những điều không hoàn hảo ấy, hẳn nhiên không phải theo nghĩa dễ dãi, buông thả trong lỗi lầm, chỉ là để lòng nhẹ hơn với khiếm khuyết của mình.
“Suy nghĩ tiêu cực thường là do ta bị thôi thúc bởi bản ngã hay cái tôi của mình. Cái tôi sản sinh ra tư duy tiêu cực và chính tư duy tiêu cực trở lại nuôi dưỡng và làm lớn mạnh cái tôi. Cả hai đều có mối quan hệ hỗ tương qua lại. Vì vậy ta phải rất tỉnh giác để nhận ra được đâu là những suy nghĩ được điều động bởi bản ngã để kịp thời ngăn chặn và chuyển hướng chúng. Suy nghĩ, nếu không được kiểm soát và soi chiếu bởi ánh sáng chánh niệm và tỉnh thức, sẽ cho ra tri kiến hữu ngã hay cái thấy khổ đau.
Ví dụ, bạn nghĩ rằng trả thù sẽ giải quyết được nỗi khổ đau là một ý niệm sai lầm của bản ngã. Bởi lẽ trả thù chỉ làm thỏa mãn bản ngã sân hận, chứ nó không giải quyết được nỗi khổ đau đưa đến bình an thật sự cho bạn. Hận thù không bao giờ giải quyết được hận thù, nó chỉ làm tăng thêm hận thù mà thôi. Cho nên, suy nghĩ thiếu chánh niệm là công cụ hoạt động của bản ngã. Đạo Phật luôn kêu gọi chúng ta phải thường xuyên chánh niệm tỉnh giác trong mọi suy nghĩ và hành động, vì chỉ cần ta lơ là thiếu chánh niệm một chút thôi thì bản ngã rất dễ xen vào gây ra những phiền toái và khổ đau.
Đức Phật nói rằng những suy nghĩ của ta không đáng tin cậy, trừ khi đã trở thành một bậc Thánh giác ngộ. Vì vậy, ta hết sức cảnh giác và đừng quá tin vào những suy nghĩ của mình. Suy nghĩ có thể bảo ta phải đạt cho được cài này, thành tựu được cái kia, sở hữu được cái nọ hay đạt được mơ ước nào đó thì mình mới hạnh phúc. Những suy nghĩ và ý niệm như vậy thật sự không đáng tin cậy. Ta có thể đặt ra mục tiêu để phấn đấu đạt cho được nhưng đừng tin rằng chỉ khi đạt được những cái đó thì mình mới thật sự hạnh phúc. Nếu bạn vẫn chưa tin lý lẽ này, bạn có thể chiêm nghiệm lại đời mình, những cái mà bạn tin là sẽ mang lại hạnh phúc cho mình, nếu có được nó, thì giờ bạn còn có hạnh phúc với nó nữa không.
Ví dụ ngày trước bạn tin rằng phải có tấm bằng đại học trong tay thì mình mới thật sự hạnh phúc, nhưng khi có được nó, giây phút hạnh phúc cũng thoáng qua mau, rồi bạn lại tiếp tục đeo đuổi những ước vọng hạnh phúc mới. Bạn vẫn tin rằng hạnh phúc vẫn còn nằm ở nơi mà những ước vọng chưa thực hiện được đó. Tấm bằng giờ không còn hiện diện trong tâm trí bạn nữa, thì làm sao bạn đang hạnh phúc với nó!
Ngày nay người ta nói nhiều về tư duy tích cực, mà tích cực thì không gì hơn là tập trung tư tưởng vào những điều tốt đẹp của người khác, thấy được những cái hay của người khác. Đức Phật dạy rằng để nuôi dưỡng tình yêu thương và cái nhìn thiện cảm với người khác ta không nên để ý đến những điều không tốt của họ mà tập trung vào những điểm hay nơi họ. Ngài nói: “Nếu ai đó có hành động chưa dễ thương nhưng lời nói dễ thương thì không nên để tâm nghĩ đến những hành động đó của họ, mà nên chú ý đến những lời nói dễ thương nơi họ”.
Đức Phật khuyên chúng ta cố gắng nhìn cho ra những điểm tốt nơi người khác, để yêu quý họ, cho dù một người không thể tìm đâu ra một chút ít dễ thương nào thì người như vậy cũng rất đáng để ta quan tâm yêu thương. Vì một người mà sự tươi mát, dễ thương, hiền lành không có thì chắc chắn đang rất đau khổ và thiếu vắng hạnh phúc. Một người đau khổ, không có hạnh phúc thì thật đáng thương, chúng ta không ai có thể ghét bỏ những người như thế.
Thường thì ta hay có thói quen nhìn vào những lỗi lầm, sai trái của người khác mà chỉ trích, chê bai và lên án. Ta luôn luôn như một quan tòa chuyên đi buộc tội người khác, để rồi chẳng thể thương yêu và bao dung được với ai. Ta đôi khi trở thành như kẻ chuyên chửi người, mắng đời chỉ vì thấy những điều chưa tốt nơi người khác. Thật là tội nghiệp, khi ta không chịu dọn dẹp rác rưởi trong chính ngôi nhà của mình mà lại còn đi gom rác nhà người khác về bỏ thêm vào nhà mình. Vì lẽ này mà Đức Phật dạy là không nên nhìn vào lỗi lầm ở người mà hãy nhìn lại chính mình để thấy những lỗi lầm nơi chính thâm tâm mình. Nhìn lại mình để cảm thông và bao dung hơn với người, bởi vì khi nhìn lại mình ta thấy mình cũng nhiều vụng về và lỗi lầm lắm mà trong khi hướng ngoại và soi xét người, ta không có cơ hội nhìn lại mình để nhận ra chúng.
Suy nghĩ tích cực nhất có lẽ là nghĩ về sự bình an, hạnh phúc có mặt trong thân tâm mình. Bình an và hạnh phúc, điều mà ta rong ruổi tìm kiếm trong cuộc đời, đã sẵn có trong chính tự tâm ta rồi. Nhưng vì hướng ngoại, tìm cầu hạnh phúc trong các đối tượng bên ngoài nên ta bỏ quên đi gia tài hạnh phúc lớn lao mà mình đã sẵn có. Điều này được Đức Phật ví như người sở hữu viên bảo châu vô giá mà tự quên, nên sống cuộc đời cơ cực vất vả nghèo khó. Suy nghĩ về hạnh phúc có sẵn trong ta giúp mình trải nghiệm hạnh phúc chân thật của tự tâm mà ít lệ thuộc vào những điều kiện bên ngoài, từ đó ta bớt đi những tham lam, giận hờn, ganh ghét, hơn thua…, những cái rất tiêu cực trong cuộc sống.
Hôm nay mùa Phật đản, chúng ta hãy cùng chắp tay hướng về Đức Phật đản sanh, hứa với nhau rằng, chỉ trao cho nhau những ý nghĩ tốt đẹp nhất mà thôi!
Hoàng Nguyên
Theo Giác Ngộ/Giacngo.vn