Nhà tâm lý học người Nga, Bodalev nhận xét: “Tôi cho rằng, để đạt tới hiểu biết thật sự trong hôn nhân, vợ chồng cần phải có sự thông cảm đến mức không cần nói, người kia cũng hiểu”. Chẳng hạn nhìn thấy chồng đi làm về bước vào nhà mà quên không cởi giầy là vợ biết ngay lại có chuyện bực mình gì đây. Nếu vợ lại la lên: “Trời ơi, ông tha hết cả đất cát vào nhà rồi!” thì lúc này ông chồng đang bực mình có thể văng ra một câu nghe không êm tai lắm. Nếu vợ lại thêm vào: “Về đến nhà là mặt hằm hằm. Khó chịu”. Thì chẳng khác gì tưới dầu vào lửa.
Theo các nhà nghiên cứu hôn nhân, không ít gia đình, “tín hiệu phi ngôn ngữ” hầu như không tồn tại, vợ chồng không đọc được ý nghĩ của nhau và như thế, dù họ đã sống với nhau bao nhiêu năm cũng không thể coi là đôi vợ chồng hòa hợp.
Có một người bạn gái của vợ đến nhà, theo phép lịch sự, chồng phải ngồi nói chuyện mấy câu. Nhưng nếu người vợ linh cảm là bạn có điều gì muốn chia sẻ với mình nhưng chồng cứ ngồi “ám” nên không nói được và nhắc khéo: “Anh lên sân thượng tưới hộ em mấy chậu cây đi” mà chồng lại bảo: “Sáng nay anh tưới rồi” và cứ ngồi “ám” tiếp thì quả là ông ta chẳng hiểu gì cả.
Khi nói đến giao tiếp, cần phải hiểu rằng đấy không phải là sự chăm chú thụ động mà chính là nói đến tác động qua lại tích cực giữa hai người. Điều đó giúp chúng ta không chỉ nhận diện vẻ bên ngoài của đối tác mà còn thấu hiểu nguồn cảm xúc bên trong của họ. Buổi tối trong gia đình, chồng ngồi yên lặng uống nước không nói gì, vợ lại tưởng là chồng có tâm sự gì và chị ta cố gợi chuyện: “Cơ quan anh hôm nay có chuyện gì à?”. Chồng trả lời :”Không”. Vợ càng tò mò: “Anh có chuyện gì giấu em ?”. Chồng bực mình: “Có chuyện gì đâu!”.
Phụ nữ nên biết khi đàn ông không nói có thể là trạng thái hài lòng với thực tại nhưng cũng có thể là anh ta đang có điều gì cần suy nghĩ một mình nhưng chưa tìm ra giải pháp nên chưa muốn nói với ai, đó là đặc điểm tâm lý của đàn ông. Điều này khác với phụ nữ, khi có tâm sự gì họ ít khi giữ kín trong lòng mà thích chia sẻ với người khác.
Còn khi phụ nữ đã im lặng không nói gì thì không có nghĩa là họ bằng lòng mà đang có điều gì đó buồn phiền, bực tức, chỉ khi nào họ nói ra được mới có thể hả bớt đi. Nhiều đàn ông về đến nhà thấy vợ im lặng biết ngay là có chuyện. Điều anh ta cần làm lúc này chỉ là… nghe vợ nói.
Muốn hiểu đúng tâm trạng bạn đời còn cần phải kết hợp với quan sát những đường nét biểu cảm trên gương mặt. Cái đó tùy thuộc vào sự thông minh, nhạy cảm của từng người. Chính xác nhất là nhận biết qua các đường nét quanh miệng và cặp lông mày. Hình dáng của đôi môi cũng biểu lộ mức độ hài lòng hay không hài lòng. Xác định những biến đổi trong khóe mắt thì khó hơn và không phải ai cũng nhận ra. Có những người rất nhạy cảm, vợ chồng sống với nhau lâu ngày, thuộc hết cả tính nết, thậm chí chồng đi làm về vợ chỉ cần nghe tiếng chân bước lên cầu thang đã biết hôm nay trong lòng anh ấy ra sao. Có người chồng chỉ cần liếc qua cái kiểu dựng xe vào góc nhà của vợ nặng hay nhẹ đã biết là vợ vui hay buồn?
Khi vợ chồng sống với nhau mà hiểu nhau đến như vậy thì rất dễ sống. Vợ biết chồng đang bực mình, không nên làm cho anh ta bực hơn bằng những lời căn vặn hay nói ra nói vào. Có khi chỉ cần người vợ cứ lẳng lặng đi làm công việc của mình, không hỏi han gì cả mà một lúc sau chồng vui vẻ lên ngay. Trái lại nếu người chồng thấy vợ ngồi rầu rĩ thì không thể cứ mặc cô ta ngồi đấy rồi đi làm công việc của mình hay cứ vô tư bật vô tuyến lên xem bóng đá. Nếu chồng cư xử như vậy, vợ sẽ cảm thấy mình cô đơn, trơ trọi và càng khổ tâm hơn. Nhiều khi trong gia đình có những cơn giông bão chỉ vì vợ chồng không đọc được tín hiệu ngầm của nhau, không nắm bặt được trạng thái tâm lý của người kia qua dáng điệu, cử chỉ, nét mặt hoặc hiểu lầm những tín hiệu đó cũng gây ra những bất hòa không đáng có. Những người thông minh, nhạy cảm thường dễ có cơ may được hưởng cái gọi là hạnh phúc gia đình.
Trịnh Trung Hòa
Nguồn: Thời Trang Trẻ