Ai trong chúng ta cũng đều ít nhất 1 lần cầu cứu TST – viết tắt của thuốc sát trùng. Cách sử dụng TST thoạt nhìn có vẻ đơn giản nhưng thật ra lại lắm rắc rối, nếu không để ý kĩ có thể nguy hại đến cơ thể.

“Nhận diện” TST

TST là tên gọi chung phương tiện triệt diệt vi sinh vật bằng hóa chất. Ngay từ mở đề đã sinh rắc rối. Vi sinh vật ở đây là vi trùng, siêu vi trùng… bao gồm loại gây bệnh và không gây bệnh, thậm chí có loại vi sinh vật có lợi. “Đao kiếm vô tình”, dùng TST không đúng có thể khiến ta diệt cả thù lẫn bạn.

Những TST không tốn tiền mua

Có nhiều cách sát trùng chứ không riêng hóa chất, chẳng hạn nhiệt độ, tia cực tím… Nắm được điều này sẽ giúp ta mở rộng kho vũ khí sát trùng mà có khi chẳng cần phải tốn tiền mua thuốc.

“Giết hoặc bắt sống”

Có nhiều tên gọi như sát trùng, khử trùng, tiệt trùng, thanh trùng… chung quy cũng là “giết hoặc bắt sống” nhưng tùy mục tiêu mà chọn: hoặc là “đuổi cùng diệt tận” hoặc đôi khi chỉ cần khống chế không để vi khuẩn gây hại. Lấy hai loại sữa tiệt trùng và thanh trùng làm ví dụ. Thanh trùng là cách khử trùng nương tay hơn tiệt trùng nhằm giữ lại dưỡng chất và lợi khuẩn.

Giải mã những loại TST quen thuộc

+ Oxy già – coi chừng già còn dại

Oxy già (Hydrogen Peroxid) là loại TST phổ biến, được dùng nhiều nhất. Oxy già tiếp xúc vết thương sẽ phóng thích oxy tạo bọt sủi làm sạch mô chết, mủ máu… Sở trường của oxy già sẽ hợp với vết thương bẩn, dính đất cát, bầy nhầy. Lưu ý chỉ dùng ở nồng độ 1,5 – 3% cho vết thương da, chơi lớn hơn sẽ làm chết tế bào lành, cháy da. Không dùng cho vết thương lên da non. Oxy già có thể nhỏ để lấy ráy tai an toàn nhưng với viêm tai giữa, tai có mủ cần hỏi ý kiến bác sĩ. Dùng Oxy già súc miệng khử mùi, trị viêm miệng, làm sạch sâu răng, phải xử thật nhanh rồi nhổ ra. Uống nhầm Oxy già có thể gây hoại tử ruột, viêm trực tràng, vỡ đại tràng…

+ Alcool – danh nổi như cồn

Cồn cũng là “idol” trong giới TST dưới cái tên Alcool. Cồn sát trùng phải dùng ở nồng độ 70 độ, nếu dùng ở
nồng độ 90 độ sẽ gây cháy da. Tránh để cồn bắn vào mắt hoặc uống nhầm.

+ Bông gòn + thuốc đỏ

“Com bo” bông gòn + thuốc đỏ có lịch sử lâu đời gắn với chuyện “bưu đầu sứt trán”. Thuốc đỏ sát trùng hay, làm khô vết thương giỏi, thường được dùng ở cấp độ 2, sau khi xử lí bằng Oxy già. Vấn đề là thuốc đỏ có thủy ngân, vì thế không nên dùng với các vết thương rộng sâu, bởi thủy ngân có thể ngấm vào máu gây độc.

+ Iod – Iốt

TST có tên thương mại chẳng hạn Povidine. TST iod có nhiều nồng độ và dạng dùng khác nhau, từ dung dịch, gel, viên đặt âm đạo đến thuốc xịt. Do vậy cần phải trông trước ngó sau để tránh tình trạng “râu ông này cắm cằm bà kia”. Cẩn thận tránh thuốc bắn vào mắt, nếu có phải rửa ngay với nước. Không dùng iod cho vết thương sâu, vết đâm, vết cắn, vết bỏng nặng.

Nên hạn chế dùng trên da mặt. Không che hoặc băng chặt sau khi bôi. Iod có tiền sử gây dị ứng, kích ứng không thể đùa.

+ UV – thiên sứ khử trùng

Như đã nói không chỉ TST, vi trùng còn bại dưới tay nhiều “tay săn”, trong đó có tia cực tím. UV không phải tay vừa, truy cùng diệt tận vi khuẩn bằng cách phá hủy cấu trúc của chúng. Tia cực tím thường được trọng dụng khử trùng thực phẩm, không khí và nước uống. Ở phạm vi gia đình, một số cây nước lọc có chức năng này. Phiên bản “cây nhà lá vườn” thú vị là cho nước vào bao nylon phơi nắng. Phơi đồ, nhất là nội y, không chỉ làm ráo mà còn nhờ trời diệt khuẩn. Tiện, rẻ, xanh sạch, nhưng khử trùng bằng UV đòi hỏi điều kiện khó về lượng tia và thời gian tiếp xúc. Dùng UV từ mặt trời còn phụ thuộc nắng mưa. Do vậy hiệu quả khử trùng bằng UV điều kiện gia đình có phần hồi hộp, nếu không đủ “trình” tốt nhất nên thôi.

Tủ lạnh “mồ chôn” vi trùng?

Liên quan đến việc sát trùng, có một ngộ nhận mà hiện nay nhiều người mắc phải, đó là việc cho rằng thực phẩm trữ đông, nhất là ngăn đá, sẽ không để mống vi trùng nào sống nổi. Thật ra nhiệt độ lạnh chỉ có khả năng ức chế, như một hình thức ngủ đông, chứ vi khuẩn vẫn sống nhăn răng dưới lớp băng đá, đợi khi mang ra rã đông là …sống dậy .Một số tủ lạnh đời mới có chức năng khử khuẩn (ion âm, Ag+, UV, Nano Titanium…) nhưng đắt tiền, kén dùng. Chú ý tình trạng hao mòn, lão hóa khi dùng trong thời gian dài.

Bác sĩ ĐỖ MINH TUẤN

Xử lí vết thương nhẹ ngoài da

– Rửa bằng nước sạch, dùng vòi xả mạnh càng tốt, cốt rửa trôi dị vật, đất cát. Oxy già có thể dùng giai đoạn này, lưu ý
cách dùng, chỉ nên dùng với vết thương quá bẩn.

– Bôi thuốc, Povidine được đề nghị, chú ý cách dùng.

– Băng với gạc sạch, không băng quá chật, quá kín. Nếu vết thương đơn giản, môi trường sạch thì có thể “thả rông”.

– Với vết thương đặc biệt có thể dùng thêm băng dính sát khuẩn, kháng sinh, nghệ, dầu mù u… Đa phần chỉ với các bước xử lí trên đã đủ, không cần ôm đồm.

 

Nguồn: Mực Tím/ muctim.vn 

 

Bệnh viện Hạnh Phúc