Một không gian đẹp là nơi giao hòa của kiến trúc, đường nét, sắc màu để tạo ra giá trị thẩm mỹ. Một giai điệu đẹp là nơi giao thoa giữa âm nhạc, cảm xúc và tâm hồn con người. Chương trình nhạc cổ điển chủ đề Giao Thoa tại café Overture là đêm nhạc kết nối những giai điệu đẹp, những cảm xúc đẹp, nơi mở ra một không gian đẹp trong tâm hồn mỗi người và xóa nhòa khoảng cách giữa khán thính giả và người nghệ sĩ… 

KHÚC DẠO ĐẦU CỦA “CHỦ NHÀ” GERMER

Chương trình nhạc cổ điển chủ đề “Giao Thoa” của nhóm Germer tại café Overture đêm 26/2/2015 khép lại trong cảm xúc mà những người sành mỹ thuật kiến trúc thường hay nói với nhau khi tâm đắc một không gian đẹp nào đó là “rất hài hòa”. 5 tháng trôi qua, kể từ ngày mới thành lập nhóm, Germer đã có 5 buổi biểu diễn và nhận được sự ủng hộ nồng nhiệt của khán thính giả. Với những ai có mặt tại café Overture trong đêm nhạc Giao Thoa, ly cà phê của họ dường như đậm đà hơn, chất hơn những gì họ nghĩ.

3

Chương trình “Giao Thoa” tại café Overtue đêm 26/02 ngoài phần biểu diễn của các thành viên trong nhóm như thường lệ, khán thính giả lần đầu tiên được gặp gỡ và giao lưu với anh Trí Nguyễn – nghệ sĩ đàn tranh và piano trở về từ Pháp. Dù thời gian về nước lần này chỉ vỏn vẹn 2 tuần nhưng anh và nhóm Germer cũng đã có sự kết hợp khá ăn ý để “đãi khách” một chương trình hòa nhạc cổ điển với nhiều ấn tượng đẹp.

5

Khi chị Kiều Thanh – MC của chương trình cất lời giới thiệu đêm Giao Thoa, không gian quán café Overture dường như ấm hẳn lên. Đơn giản vì khoảng cách giữa chủ và khách, giữa khán thính giả và người nghệ sĩ trên sân khấu của quán Overture dường như chỉ còn là cảm xúc âm nhạc.

Phần một trong đêm nhạc cổ điển Giao Thoa được mở đầu bằng các tác phẩm của thiên tài âm nhạc Ludwig van Beethoven. Nghệ sĩ trẻ Tiến Lộc của nhóm Germer với ngón đàn piano của mình đã nhẹ nhàng dẫn thính giả chu du vào không gian nghệ thuật hàn lâm qua bản sonata số 23 giọng Fa thứ hay còn được biết với cái tên Sonata “Appassionata”, là một trong 3 sonata đỉnh cao thời kỳ hoàng kim của Beethoven. Tác phẩm này được viết vào năm 1804, 1805 và được đề tặng cho công tước Franz von Brunswick. Ấn phẩm đầu tiên xuất bản vào tháng 2 năm 1807 tại Vienna.

Trưởng nhóm Germer – nghệ sĩ Nguyên Khang nối tiếp phần “dạo đầu” cho đêm nhạc Giao Thoa bằng một tác phẩm khác cũng của Beethoven: bản sonata số 8, chương 1, cung Đô thứ thường được gọi là Sonata Pathetique (Bi tráng). Điều thú vị là Beethoven đã sáng tác bản sonate này dành riêng cho Hoàng tử Đức Karl von Lichnowsky – một trong những nhà quí tộc và là người bảo trợ quan trọng nhất của Beethoven, giúp ông phát triển tài năng và thăng hoa trong sự nghiệp âm nhạc.

Sau phần dạo đầu, nhóm Germer đã có một tiết mục “đổi vị” rất hay qua phần độc tấu piano của nữ nghệ sĩ Kỳ Nam với một tác phẩm dân ca Việt Nam quen thuộc: Trống Cơm.  Qua ngón đàn của Kỳ Nam dễ  thấy rằng âm nhạc phương Đông và phương Tây có thể kết hợp hài hòa mà vẫn giữ được bản sắc truyền thống trên làn điệu dân ca đồng bằng Bắc Bộ và giao thoa rất “mượt” với phong cách âm nhạc cổ điển thính phòng. Được biết năm 2009, lấy cảm hứng từ những làn điệu dân ca và nhạc truyền thống của Việt Nam, nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc đã hoàn thành một Tổ khúc (suite) cho piano solo có tên gọi là “Chùm hoa Việt Nam” gồm 5 đoạn. Tác phẩm “Trống Cơm” do nghệ sĩ Kỳ Nam độc tấu chính là phần piano solo được trích trong Tổ khúc “Chùm hoa Việt Nam” của nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc

Hai nghệ sĩ Nhật Thăng và Bảo Minh đã lần lượt dành được những tràng vỗ tay nồng hậu của khán thính giả tại café Overture trong đêm nhạc Giao Thoa với 2 tác phẩm của 2 nhà soạn nhạc lừng danh Chopin & Albeniz. Chopin là nhà soạn nhạc người Ba Lan – một nhạc sĩ lãng mạn người Ba Lan nửa đầu thế kỷ 19 rất nổi tiếng về biểu diễn đàn piano và sáng tác cho piano. Còn nhà soạn nhạc Isaac Albeniz (1860-1909) là nghệ sĩ dương cầm người Tây Ban Nha nổi tiếng với những tác phẩm mang âm hưởng dân gian cho đàn piano.  Bản Suite Espanole số 4 mà nghệ sĩ Bảo Minh của nhóm Germer chơi nắn nót và rất ấn tượng mang tên là Cadiz, một thành phố cảng thuộc phía Tây Nam Tây Ban Nha và cũng là một trong những thành phố cổ xưa nhất của Tây Âu.

 KHOẢNH KHẮC GIAO THOA “CHỦ” – “KHÁCH”

1

 Sự xuất hiện của nghệ sĩ khách mời Trí Nguyễn với bài đàn tranh Nam Ai trong tiết mục cuối của phần một đêm nhạc Giao Thoa đã làm khán phòng nóng lên khi anh hòa điệu cùng nghệ sĩ cello Thái Hằng. Với chưa có dịp nghe qua bài Nam Ai trong album “Consonances” (Hòa Điệu) mà Trí Nguyễn đã thu âm tại Pháp – một album được giới audiophile đánh giá cao về tính nghệ thuật và chất lượng ghi âm – thì đây chính là lần đầu tiên bạn được thưởng thức “tiếng tơ lòng” của anh, một người Việt hơn 28 năm xa xứ nặng lòng hoài hương qua tiếng đàn tranh mang đậm sắc hồn quê hương. Khán phòng dường như cũng lắng lòng lại khi tiếng đàn tranh gảy điệu Nam Ai, nghe man mác u hoài nhưng không hề bi lụy, nghe réo rắt ngân nga mà vẫn chững chạc, thâm trầm. Điệu Nam Ai qua tiếng đàn tranh như hơi thở quê nhà, rất xa mà lại rất gần trong âm hưởng dân gian đậm chất màu cổ điển. Khi đàn tranh hòa nhịp trong tiếng cello, khúc cổ cầm theo thể thức nhã nhạc truyền thống cùng các nhạc cụ phương Tây dường như được khoác lên một chiếc áo mới với sắc màu mới nhưng vẫn mang đậm nét chân phương của hồn quê nước Việt.

10

Trong phần giao lưu cùng khán giả, Trí Nguyễn cũng đã chia sẻ những chuyện đời, chuyện người trong quá trình làm album Consonnances tại Pháp. Thú vị nhất là chi tiết về một nữ nghệ sĩ đàn cello bên Pháp đã…phát khóc vì quá khó trong một bài tập suốt gần 4 giờ để hòa điệu cùng tiếng đàn tranh của anh cho một khúc cổ cầm trong album Consonnances. Khán phòng càng nóng hơn khi người dẫn chương trình – chị Kiều Thanh giới thiệu trưởng nhóm Germer lên để bộc bạch cùng Trí Nguyễn về duyên cớ để họ cùng đứng chung một sân khấu trong buổi giao lưu âm nhạc mang phong cách rất …Giao Thoa này.

Một người đã đưa âm nhạc dân tộc đến với khán giả châu Âu bằng sự kết hợp của cây đàn tranh với tứ tấu đàn dây của Tây phương. Một người lại mang nhạc cổ điển của Tây Phương đến với công chúng Việt. Hai con đường nghệ thuật “ngược chiều” gặp nhau trong cái bắt tay đầy cảm xúc thì liệu còn gì khác hơn nếu đó không phải là sự rộng mở, giao thoa của những tâm hồn âm nhạc? Nghe cách xưng hô “chú chú, con con” của Nguyên Khang, chàng trai 18 tuổi trưởng nhóm Germer trong buổi giao lưu bằng giọng nói nhẹ nhàng nhưng đĩnh đạc, tự tin, khán giả càng cảm phục nỗ lực đưa nghệ thuật hàn lâm đến gần hơn với công chúng của nhóm Germer. Cuối buổi giao lưu, khán giả có thêm ngạc nhiên thú vị khi Trí Nguyễn “khoe” tin vui từ một người bạn ở Pháp: một bài đàn tranh trong album Consonnances của anh đã chính thức được iTunes (Apple) chọn làm nhạc chuông cho smartphone. “Vậy là mai mốt gọi điện qua bển cho Trí, quý vị sẽ được nghe nhạc chờ là tiếng đàn tranh Việt Nam của mình rồi đó!” – Trí Nguyễn hồ hởi chia sẻ với khán thính giả bằng cách nói mộc mạc pha chút hóm hỉnh.

 KHÔNG GIAN “GIAO THOA” MUÔN MÀU CẢM XÚC

 Phần hai trong đêm nhạc được mở đầu bằng giai điệu piano qua một tác phẩm của Liszt, bản Les cloches de Genève do nghệ sĩ Anh Phong của nhóm Germer trình bày. Một bản nhạc đòi hỏi chiều sâu cảm xúc nhưng Anh Phong đã thể hiện khá mượt và thậm chí có vài nét “phiêu” đầy tươi trẻ, phóng khoáng. Franz Liszt là nhạc sĩ Lãng mạn người Hungari sống gần trọn thế kỷ 19. Ông chính là một trong những người đã đặt nền móng cho nền âm nhạc kinh điển Hungari và là người đứng đầu trường phái Weimar ủng hộ những sáng tạo mới trong âm nhạc. Ông sáng tác chủ yếu cho piano và cho dàn nhạc. Bản Les cloches de Genève (tạm dịch – Những năm đầu Thuỵ Sĩ) là sự tái hiện tiếng chuông Geneva, trích từ liên khúc “Những năm tháng chu du” được Liszt sáng tác trong khoảng thời gian từ 1848 đến 1854.

Đầy tự tin và thanh thoát đáng yêu, nghệ sĩ Hà Trinh nối dài đêm nhạc “Giao Thoa” bằng một tác phẩm của Rachmaninoff, bản Etude số 8. Rachmaninoff là một nhà soạn nhạc, nghệ sĩ piano và nhạc trưởng người Nga. Ông được thừa nhận là một trong những nghệ sĩ piano xuất sắc nhất trong thời đại của mình và là một trong những đại diện nổi bật cuối cùng của trường phái lãng mạn trong âm nhạc cổ điển Nga. Nằm trong tuyển tập opus 33, bản Etude số 8 của Rachmaninoff đã bộc lộ khả năng viết cho piano cùng với năng khiếu thiên bẩm của ông về giai điệu.

13

Tiết mục thứ 3 trong phần hai của đêm nhạc Giao Thoa được trình tấu bởi nghệ sĩ violon Trường An và nghệ sĩ piano Nguyên Khang. Đó là tác phẩm “Oblivion” của Astor Piazzolla, nhà soạn nhạc người Argentina thế kỷ XX, được biết đến như là một trong những nhà soạn nhạc Tango vĩ đại nhất và có nhiều ảnh hưởng đến các thế hệ nhạc sĩ sáng tác Tango kế cận.

Bản Oblivion được Piazzolla viết vào năm 1982. Sự kết hợp, giao thoa của 2 nhạc cụ đàn dây piano và violon qua ngón đàn của trưởng nhóm Germer & Trường An đã gợi tả những cảm xúc mãnh liệt, những nỗi buồn và những cung bậc cảm xúc đầy mâu thuẫn trong tình yêu. 

14

Trong phần hai của đêm nhạc cổ điển tại café Overture, nghệ sĩ Trí Nguyễn và các nghệ sĩ trẻ của nhóm Germer đã có 2 tiết mục diễn tấu piano giao thoa (2 nghệ sĩ cùng chơi trên một cây đàn piano) rất điệu nghệ và ấn tượng.

 Tiết mục thứ nhất anh hòa điệu cùng nghệ sĩ Kỳ Nam là tác phẩm Piano due Slavonic Dances in E minor của Antonin Dvorak, nhà soạn nhạc nổi tiếng của cộng hoà Séc. Dvorak là bạn thân của những tài năng âm nhạc kiệt xuất như Tchaikovsky, Brahms… Ông cũng đã ít nhiều từng tiếp thu và chịu ảnh hưởng âm nhạc của họ, đặc biệt là Johạnnes Brahms. Nhưng qua các tác phẩm của Dvorak, người nghe vẫn thấy ở ông một tâm hồn âm nhạc rất vĩ đại, rất riêng và thấm đẫm  linh hồn của dân tộc Bohemia. Chính đặc điểm dân tộc trong âm nhạc đã khiến Antonin Dvorak trở thành một trong những tên tuổi nổi bật của thời kỳ Lãng mạn. 

Tiết mục “giao thoa” thứ hai của nghệ sĩ Trí Nguyễn và nghệ sĩ Nguyên Khang là Bản “Can-Can” của Jacques Offenbach, một nghệ sĩ chơi đàn organ và clavecin nổi tiếng. Offenbach còn là nhà soạn nhạc lãng mạn người Đức gốc Do Thái có ảnh hưởng nhất ở châu Âu trong thế kỷ 19. Nghe khúc Can-Can (vốn quen thuộc với hình ảnh những điệu nhảy và các trích đoạn phim được trích từ vở nhạc kịch “Orpheus in the Underworld”) và nhìn phong cách diễn tấu của 2 nghệ sĩ thuộc 2 thế hệ cùng hòa nhịp trên những phím piano, cảm giác cảm xúc giao hòa trong đêm nhạc Giao Thoa trở nên sống động hơn bao giờ hết!

15

Hai tiết mục cuối trong phần hai của chương trình đêm nhạc cổ điển Giao Thoa là 2 bài độc tấu piano của nghệ sĩ Trí Nguyễn.

 Tác phẩm độc tấu thứ nhất của anh là bản Nocturne Đô thứ Op.48 của nhà soạn nhạc Chopin. Theo các nhà phê bình âm nhạc đánh giá, đây là một trong những cảm xúc âm nhạc tuyệt vời và sâu sắc nhất mà Chopin từng đạt tới, là một trong những dạ khúc dài nhất và kịch tính nhất. Nó cũng là một tác phẩm đặc biệt phức tạp về kỹ thuật, đạt đến hiệu quả khí nhạc tinh xảo và ấn tượng mạnh mẽ một cách bất thường. Và nghệ sĩ piano Trí Nguyễn bằng ngón đàn tài hoa của mình đã tái hiện cảm xúc ấy trong khán thính giả một lần nữa.

Bài độc tấu đàn piano thứ hai của nghệ sĩ Trí Nguyễn là một tác phẩm nổi tiếng thuộc sở trường biểu diễn của anh: bản Feux d’artifice của Debussy. Cùng với Maurice Ravel, Achille-Claude Debussy được xem là nhà soạn nhạc nổi tiếng trong trường phái âm nhạc ấn tượng Châu Âu vào cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20. Feux d’artifice (Pháo bông) là một tác phẩm trong tập Prélude số 1 của Debussy, sáng tác vào năm 1909-1910 và được đánh giá là một tác phẩm có nhiều cách tân về mặt hình thức và hòa âm. Alfred Cortot, một nghệ sĩ piano nổi tiếng người Pháp đã từng nhận xét: “Tất cả như lấp lánh và sáng lên trong đêm tối, toàn bộ phép màu của ánh sáng đã hàm chứa trong tác phẩm này”. Và Trí Nguyễn với tiếng đàn của mình đã làm tác phẩm này của Debussy sáng lên lần nữa trong đêm nhạc Giao Thoa.

 GIAO THOA CẢM XÚC, GIỮ LỬA ĐAM MÊ

 Cuộc hội ngộ của nhóm Germer, nghệ sĩ Trí Nguyễn và khán thính giả trong đêm nhạc cổ điển Giao Thoa hẳn sẽ còn đọng lại như một khoảnh khắc đẹp trong một không gian đẹp chứa đựng nhiều cảm xúc thật đẹp. Khoảnh khắc giao thoa của âm nhạc Đông – Tây, của 2 thế hệ nghệ sĩ, của 2 chiều ngược xuôi giữa nghệ thuật hàn lâm của thế giới và sắc hồn chân phương của âm nhạc dân tộc. Đêm nhạc Giao Thoa khép lại trong cảm giác mỹ mãn dù vẫn còn có thể tuyệt vời hơn, chỉnh chu hơn trên góc độ tổ chức biểu diễn. Nhiều khán thính giả hơi tiếc vì phần giao thoa giữa đàn tranh và các nhạc cụ phương Tây trong đêm nhạc còn hơi…mỏng.

Nghệ sĩ Trí Nguyễn chỉ “giao thoa” đàn tranh với với ngón đàn cello của nghệ sĩ Thái Hằng duy nhất bài Nam Ai trong danh mục 13 tác phẩm của chương trình trong đêm nhạc. Nếu nghệ sĩ Trí Nguyễn ở lại Sài Gòn lâu hơn, nếu nhóm Germer và ban tổ chức có nhiều thời gian hơn cho khâu chuẩn bị, tập dợt thì khán thính giả hẳn sẽ còn được trải nghiệm một đêm nhạc cổ điển càng “chất” và đẹp hơn nữa.

Đêm nhạc chủ đề Giao Thoa tại café Overture đã gặt hái thành công hơn cả những gì nhóm Germer mong đợi. Con đường âm nhạc của nhóm Germer chắc chắn sẽ rộng mở hơn, vươn xa hơn hơn nếu tiếp tục có sự đồng hành của quý khán thính giả và những mạnh thường quân nhiệt tình…trên từng cây số. Đêm nhạc Giao Thoa tại café Overture có lẽ sẽ khó “đồng điệu” nếu không có những “quý nhân” năng nổ, đáng mến luôn hỗ trợ hết mình cho đàn em Germer như chị Trúc, anh Nhân từ Norman Audio, anh Sinh – chủ quán café Overture, anh Phong của hội “Nghe Nhìn” VNAV và rất nhiều bạn bè thân tín…

16

Một bản giao hưởng lớn phải bắt đầu từ một giai điệu nhỏ. Một giai điệu nhỏ cần được viết bởi một cảm xúc lớn cùng một tình yêu lớn. Tình yêu với âm nhạc và những khoảnh khắc lắng đọng trong chương trình Giao Thoa của nhóm Germer là tuyệt vời. Nhưng tài năng, đam mê, định hướng và hành động của nhóm Germer lại càng bản lĩnh và tuyệt vời hơn.

Chia tay với không gian café Overture sau đêm nhạc Giao Thoa, tôi tin rằng hành trình của nghệ thuật hàn lâm với cách nghĩ, cách làm của nhóm Germer chắc chắn sẽ còn vươn hơn xa đến những chân trời cảm xúc bất tận. Beethoven đã từng có một câu nói rất nổi tiếng: Âm nhạc khiến tinh thần của con người bộc phát ra những đốm lửa“. Hãy đồng hành cùng Germer để thắp sáng đam mê và giữ mãi ngọn lửa nhiệt thành trên hành trình âm nhạc trong bạn, trong tôi và trong tất cả mọi người. Hẹn gặp lại Germer trong những chương trình nhạc cổ điển kế tiếp, nơi cảm xúc giao thoa trong những giai điệu thăng trầm, nơi âm nhạc thăng hoa xóa nhòa mọi khoảng cách.

 Post bởi NHẤT HUY

(Thành viên Danh dự CLB Phụ Nữ Hiện Đại)

Bệnh viện Hạnh Phúc