Đồ chơi trẻ em nhập khẩu nhiễm chất phthalate độc hại ảnh hưởng đến sức khỏe trẻ em đang được bày bán tràn lan trên thị trường. Hàng loạt cảnh báo từ cộng đồng quốc tế do các sản phẩm này chứa nhiều thành phần gây hại cho sức khỏe; rồi Hải quan Mỹ cùng Ủy ban An Toàn sản phẩm tiêu dùng Mỹ tịch thu hàng vạn đồ chơi Trung Quốc nhập khẩu… nhưng các tiểu thương và cả người tiêu dùng Việt Nam đều không mấy quan tâm.

Giá rẻ thì mua

Dù có thông tin về đồ chơi Trung Quốc có chứa chất độc hại, nhưng với tâm lý ham của rẻ, chỉ cần cho trẻ chơi vài ngày là chán, rồi bỏ đi cũng không tiếc nên nhiều bậc phụ huynh vẫn chọn mua đồ chơi Trung Quốc cho con.

Chị Thanh Phúc (Tây Hồ, Hà Nội) cho biết: “Tôi có nghe thông tin về những đồ chơi Trung Quốc nhiễm độc. Nhưng làm sao phân biệt được loại nào có độc, loại nào không? Hơn nữa, trẻ con luôn thích đồ chơi mới, chúng chỉ chơi vài ngày là lại chán ngay. Thu nhập của vợ chồng tôi không đủ để mua đồ chơi đắt tiền cho con chơi thường xuyên được. Giá thành đồ chơi Trung Quốc rất hợp lý, mẫu mã, màu sắc đều rất thuyết phục…”

Hơn nữa, một số người tiêu dùng còn tự tin về độ “thông minh” của mình khi cho rằng: “Đồ chơi Trung Quốc cũng có dăm ba loại. Loại thấp cấp, loại bình dân và loại đạt chuẩn để xuất khẩu sang châu Âu, châu Mỹ… Dựa theo cảm quan và giá thành sản phẩm là biết đồ chơi Trung Quốc đó là loại nào. Không lựa chọn loại thấp cấp hay bình dân, cứ chọn loại có tem nhập khẩu, xuất khẩu là được chứ gì?”.

 

Trẻ dễ bị hấp dẫn bởi màu sắc và sự phong phú mẫu mã đồ chơi

Có thể thấy, giá thành sản phẩm chính là yếu tố khiến người tiêu dùng bỏ rơi các sản phẩm nội địa để chọn lựa những sản phẩm ngoại nhập dù là có độc hay không. Một điểm không thể phủ nhận là bản thân người mua, dẫu có muốn tìm các sản phẩm đồ chơi do Việt Nam hoặc xuất xứ khác Trung Quốc cũng không hề dễ dàng. Tại những cuộc hội thảo liên quan đến đồ chơi trẻ em, nhiều chuyên gia hóa chất đều khẳng định, về công nghệ, doanh nghiệp (DN) trong nước hoàn toàn có khả năng sản xuất đồ chơi an toàn, đạt chuẩn quy định. Tuy nhiên, để sản phẩm có đủ sức cạnh tranh cần có chiến lược phát triển đồng bộ, đồng thời kiên quyết chống hàng nhập lậu. Như vậy, mới có thể kiểm soát được hàm lượng những hóa chất gây độc trong đồ chơi trẻ em.

Hàng gì cũng… dính

Những quả bóng bay nhiều màu sắc và hình dáng luôn hấp dẫn trẻ nhỏ nhưng lại là một hiểm họa khôn lường ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của trẻ. Đa số các màu sắc trong quả bóng bay đều được tạo nên từ các chất hóa học độc hại, nhất là bột màu công nghiệp và các chất kim loại như bóng bay màu đỏ có chất chì, màu xanh và vàng có chất crom…

Như PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học – Công nghệ thực phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội phân tích: “Dung dịch màu đó không phải là màu thực phẩm. Màu dùng ở đây là màu dành cho ngành công nghiệp như: ngành in, ngành nhuộm. Chất màu này phần lớn là các hợp chất mạch vòng nên rất độc. Trẻ nhỏ khi ngậm, mút, thổi bóng bay tiếp xúc trực tiếp với bột màu rất độc này. Những chất độc này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển về thể chất và tinh thần chưa hoàn chỉnh của trẻ. Nguy hiểm nhất là những chất này còn có thể gây ung thư”.

Ông Trần Minh Dũng – Chánh Thanh tra Bộ KH&CN – cho biết: Trong năm nay, Thanh tra bộ sẽ tập trung kiểm tra đối với mặt hàng đồ chơi cho trẻ em dưới 36 tháng tuổi và sẽ đưa vào sử dụng rộng rãi súng test nhanh mức độ thôi nhiễm các hóa chất độc hại ở đồ chơi của trẻ, để sàng lọc và phát hiện tại hiện trường trước khi đưa mẫu đi thử nghiệm.

Kết quả kiểm nghiệm mới đây của Viện Hóa học Việt Nam cũng cho thấy sản phẩm đèn lồng Trung Quốc có chứa chất cadmi độc không kém chì, thủy ngân. Các nhà sản xuất thường dùng cadmi làm vật liệu mạ đánh bóng khi sản xuất đồ chơi phủ sơn, đồ trang sức trẻ em.

Hóa chất vốn được sử dụng trong sản xuất sơn, phẩm màu công nghiệp, làm điện cực pin này, khi ngấm vào cơ thể trẻ sẽ làm chậm phát triển xương, còi xương. Nhiều công trình nghiên cứu của thế giới còn chỉ ra cadmi là yếu tố gây ung thư tiền liệt tuyến, phổi, vú.

Bên cạnh đó, thú nhún có xuất xứ Trung Quốc cũng đã được cơ quan chức năng Singapore kiểm nghiệm và khẳng định có chứa chất độc ảnh hưởng tới sức khỏe trẻ em. KS Vũ Tân Cảnh, chuyên gia nghiên cứu về Polymer, nguyên cán bộ thuộc Viện Khoa học Vật liệu, Viện Khoa học & Công nghệ Việt Nam cho biết: “Các nghiên cứu chỉ ra rằng, nhóm phthalates sở hữu những tác hại nghiêm trọng đến sức khỏe. Theo đó, các hợp chất phthalates có thể làm suy giảm sự phát triển của bộ phận sinh dục của bé trai và về lâu dài dễ làm cho cơ quan sinh sản của nam giới bị teo lại. Ngoài ra, hoạt chất này gây ra những ngộ độc cấp tính có thể gây tử vong tại chỗ.

Thực nghiệm trên động vật thấy rằng, chỉ cần với liều 30g chất phụ gia diethylhexylphthalate (ký hiệu là DEHP)/kg thể trọng chuột là có thể làm chết động vật này. Điều đáng nói ở đây, DEHP rất dễ rời bỏ chất gốc là PVC từ nhựa, túi bóng, ống thổi… để phân tán vào cơ thể. Nhiều nước đã cấm lưu hành đồ chơi có DEHP, cấm đưa DEHP vào sản xuất thứ này cho trẻ em. Các cơ quan quản lý tại Việt Nam cũng đã lấy một số mẫu đồ chơi trẻ em để kiểm tra, trong đó có mẫu thú nhún xuất xứ Trung Quốc. Kết quả cho thấy, các mẫu thú nhún này trên thị trường Việt Nam đều bị nhiễm chất phthalate cao. Trong đó, một số mẫu chứa chất phthalate cao gấp 5-9 lần so với tiêu chuẩn thế giới.

TS Hoàng Thị Kim Dung, Phó viện trưởng Viện Công nghệ hóa học TP HCM, Viện Khoa học – Công nghệ Việt Nam nhấn mạnh: Chất hóa dẻo gốc phthalate như DOP đang dần bị loại khỏi thị trường Mỹ và châu Âu do tính độc hại, tiềm ẩn mối nguy hiểm đối với sức khỏe người dân và gây ra hàng loạt các chứng bệnh và nhiều ca ngộ độc ở trẻ em. Phthalate có thể gây ung thư, hủy hoại thận, phá hủy hệ thống hormone của cơ thể con người.

Đối với trẻ em, nguy cơ mắc các bệnh hen suyễn và dị ứng là rất cao. Một số hóa chất ảnh hưởng đến nội tiết đã được xác định, trong đó có chất hóa dẻo dibutylphtalate”. Bác sĩ Lê Thanh Huyền (Bộ Y tế) phân tích thêm: Mặc dù không gây ra những bệnh cấp tính dữ dội song chúng lại có khả năng tích lũy và gây bệnh mãn tính với sự phát triển âm thầm và gây ra nhiều bệnh khác nhau. Một số bệnh điển hình là bệnh não, suy giảm trí tuệ, viêm gan, suy thận, teo thận, rối loạn giấc ngủ trẻ em, tan máu, ung thư gan, thận, phổi, dạ dày… Đây là những bệnh lý hệ trọng, cực kỳ nguy hiểm với trẻ em.

Quản lý không xuể

Theo một số kết quả giám định của Viện Khoa học vật liệu ứng dụng và Viện Công nghệ hóa học (Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam), hầu hết đồ chơi bằng nhựa của Trung Quốc như súng, gươm, lựu đạn, lồng đèn… đều được làm bằng nhựa tái chế APS và nhựa PE, trong đó có chứa chất cadimi (Cd) cao gấp nhiều lần mức cho phép. Đây là một trong ba kim loại độc hại nhất đối với cơ thể con người, có thể gây ung thư tuyến tiền liệt, ung thư phổi, dị tật thai nhi.

Kết quả kiểm tra của 39 Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng các tỉnh, thành trong năm 2012 cho thấy, tại 460 cơ sở kinh doanh, buôn bán đồ chơi trẻ em với gần 26.700 mẫu đồ chơi được kiểm tra, đã phát hiện ra gần 10.400 mẫu vi phạm (chiếm gần 35%); hơn 10.400 mẫu không có dấu hợp quy (chiếm hơn 35%); hơn 13.700 mẫu không có chứng nhận hợp quy.

 

Đồ chơi Trung Quốc chiếm gần 90% thị trường đồ chơi Việt Nam

Đồ chơi nhập lậu từ Trung Quốc không bảo đảm chất lượng an toàn, nguy cơ nhiễm độc tố cao vẫn cứ xuất hiện tràn lan trên thị trường. Lực lượng cán bộ quản lý thị trường làm việc hết sức nhưng dù liên tiếp kiểm tra, xử phạt nhưng vẫn như “muối bỏ bể”.

Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) TPHCM cho biết, từ đầu năm đến nay cơ quan này đã phát hiện 8.385 sản phẩm đồ chơi trẻ em vi phạm, trong đó có hơn 800 sản phẩm là hàng cấm gồm súng, kiếm bằng nhựa và gần 6.000 sản phẩm là hàng nhập lậu từ Trung Quốc.

Còn Chi cục QLTT tỉnh Quảng Ninh thống kê: trong 5 tháng qua, lực lượng QLTT tỉnh đã tịch thu gần 5.000 sản phẩm đồ chơi các loại… Theo lãnh đạo cơ quan chống buôn lậu của hải quan Quảng Ninh, mặc dù các lực lượng chức năng đã tăng cường quyết liệt nhưng do lợi nhuận cao từ việc kinh doanh đồ chơi trẻ em, nên các đối tượng buôn lậu vẫn tìm mọi cách thẩm lậu hàng vào nội địa.

Lãnh đạo Chi cục Quản lý thị trường TP Hà Nội nhìn nhận: “Phải có những chế tài xử phạt nặng hơn đối với những trường hợp kinh doanh, nhập lậu, vận chuyển trái phép các mặt hàng đồ chơi nhiễm độc. Như vậy tính răn đe mới có hiệu quả. Và việc tuyên truyền nâng cao ý thức của người tiêu dùng, trước hết là khuyến khích họ tự bảo vệ mình và con em mình, sau là bảo vệ nòi giống người Việt, khuyến khích chủ trương “người Việt dùng hàng Việt” để ngành công nghiệp đồ chơi Việt Nam có cơ hội phát triển hơn, từ đó mới có nhiều mẫu mã đồ chơi phong phú hơn…”.

Gần 30% đồ chơi Trung Quốc có chứa kim loại nặng như arsenic, cadmium, thủy ngân, antimon, chì gây tổn thương vĩnh viễn cho hệ thống thần kinh và miễn dịch của trẻ nhỏ.

Tháng 12/2012, Ủy ban châu Âu – EC đã phát động chiến dịch chống đồ chơi giả, chủ yếu có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc, nhằm nâng cao nhận thức cho người dân về vấn đề này. Ông Antonio Tajani – Cao ủy phụ trách công nghiệp EU – cho biết, những đồ chơi có xuất xứ từ Trung Quốc thực sự là nguy hiểm đối với trẻ em, bởi chúng chứa lượng kim loại và các chất độc hại rất cao.

 

Nguồn: Theo Báo Năng Lượng Mới

Bệnh viện Hạnh Phúc
Bệnh viện Hạnh Phúc