Nghỉ hè sau 9 tháng dài đi học có lẽ là niềm mong đợi của tất cả trẻ em, nhưng lại là nỗi lo lắng của không ít các bậc phụ huynh, nếu bố mẹ đi làm cả ngày, không có ông bà ở gần thì không biết gửi ai, rồi thì bé sẽ học tập vui chơi ra sao; ăn uống như thế nào cho khỏe mạnh…

Mùa hè thời tiết khô nóng, dễ có cảm giác mệt mỏi và ăn không ngon miệng. Mặt khác, mồ hôi toát ra nhiều sẽ làm cơ thể mất đi một lượng nước và khoáng chất đáng kể. Đặc biệt là trẻ em thường hiếu động, chạy nhảy nhiều, da của trẻ nhỏ lại mỏng manh và có nhiều mạch máu, mà khả năng điều hòa giữ nhiệt của trẻ lại chưa hoàn chỉnh như ở người lớn, vì vậy trẻ dễ mất nước qua da và qua đường hô hấp. Người làm việc ngoài trời hoặc những người lao động chân tay cũng dễ mất nước nhiều và dễ bị say nắng. Do vậy, chú ý bù nước và chất khoáng là ưu tiên hàng đầu trong mùa nắng nóng.

Thực phẩm hàng đầu để bù nước và chất khoáng, cũng như giúp giải khát nhanh đó là trái cây, trái cây vừa chứa nước tinh khiết, vừa chứa chất xơ giúp tiêu hóa tốt, lại có nhiều vitamin và khoáng chất như vitamin C, vitamin A, canxi, sắt, natri, kali… giúp tăng sức đề kháng cho cơ thể. Tất cả các loại trái cây đều tươi có tác dụng giải khát tốt như dưa hấu, trái dừa, dứa (thơm), cam, quýt, bưởi, mận (roi), ổi, nho, táo, chuối, mãng cầu, chôm chôm… vì đều chứa nhiều nước (80% đến hơn 90%) và bổ dưỡng, giúp giải nhiệt cơ thể. Tuy nhiên, cũng không nên cho trẻ uống hoàn toàn nước trái cây thay nước lọc. Theo Viện Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP), cho trẻ uống nhiều nước trái cây dễ làm bé đầy bụng khó tiêu, thậm chí tiêu chảy, ngoài ra dễ làm trẻ bị sâu răng và có nguy cơ dễ béo phì. Mỗi ngày, nên cho trẻ ăn khoảng 150 – 200 gr trái cây tươi để đáp ứng nhu cầu về vitamin cho cơ thể, nếu trẻ khó ăn thì thay bằng nước ép trái cây hoặc sinh tố với lượng tương đương. Tất nhiên nước ép thì không tốt bằng ăn trái cây tươi hay sinh tố. Với những bé không chịu uống nước lọc, thì bố mẹ có thể pha loãng nước ép trái cây cho bé uống để bé được cung cấp đủ nhu cầu nước hàng ngày.

Nhu cầu nước hàng ngày của trẻ khoảng 100 – 150 ml/kg/ngày, tức khoảng 1,5 lít đến 2 lít mỗi ngày. Trẻ em, ngoài lượng sữa hàng ngày khoảng 500 – 600 ml và nước có trong canh soup trẻ ăn mỗi ngày, cần cho trẻ uống thêm 1-2 ly nước lọc và 2 ly nước trái cây hoặc trái cây tươi như cam, dưa hấu, trái dừa, dứa, bưởi, nho, táo, chuối, mãng cầu…

Những trái cây khác như sầu riêng, mít, chôm chôm, xoài, vải, nhãn… rất ngon và bổ dưỡng nhưng lại quá ngọt, nhiều đường, vì vậy không nên ăn nhiều, đặc biệt là sau khi ăn cơm no, vì lựơng đường trong trái cây chưa kịp hấp thu vào hệ thống tiêu hóa sẽ lên men trong dạ dày, sinh ra axit dễ làm trẻ đầy bụng, khi ăn nhiều có thể bị tiêu chảy.

Trong những ngày hè, dù chán ăn trẻ vẫn cần ăn đầy đủ nhóm tinh bột (cơm, phở, mỳ, nui…) để cung cấp năng lượng cho cơ thể, chống mệt mỏi. Trẻ cần được bổ sung đủ chất đạm giúp tăng cường hoạt động cơ bắp và nuôi dưỡng các tế bào trong cơ thể. Nên hạn chế chất béo và đường (nhất là đường trong nước ngọt có ga) vì sẽ làm khó tiêu hóa, sinh nhiệt gây cảm giác nóng.

Tóm lại, trong những ngày hè, bố mẹ cần duy trì cho trẻ chế độ ăn uống đầy đủ đa dạng và cân bằng giữa các nhóm thực phẩm như bình thường, nhắc nhở trẻ ăn thêm những bữa phụ, uống nhiều nước sạch, ăn thêm rau xanh và trái cây tươi.

Một số món canh, cháo, hay nước giúp giải nhiệt mùa hè như:

  • Canh cải xanh cá rô, canh rau ngót nấu thịt, canh cua rau mồng tơi và rau đay, canh khổ qua nhồi thịt, canh bí đỏ nấu đậu xanh…
  • Cháo đậu xanh thịt heo, cháo gà nấu nấm, cháo cá lóc rau đắng…
  • Nước mía lau râu ngô, nước bí đao đường phèn, nước rau má, nước dừa, nước ép dưa hấu…

Mặt khác, khi trời nắng nóng, hơi nước trong không khí bị bốc hơi, không khí sẽ khô đi. Khi trẻ hít phải lượng không khí quá khô như vậy, làm niêm mạc vùng mũi, họng, khí quản sẽ bị khô, không tiết đủ chất nhầy có tính chất bảo vệ niêm mạc, làm trẻ dễ mắc những bệnh lý đường hô hấp. Vì vậy chỉ nên uống nước mát chứ không uống nước nhiều đá, quá lạnh sẽ dễ bị viêm họng. Ngoài ra, khi trời nóng vi khuẩn dễ sinh sôi làm thức ăn dễ ôi thiu, dễ bị tiêu chảy cấp hay nặng hơn là nhiễm trùng đường ruột… càng dễ mất nước gây nguy hiểm cho sức khỏe.

Ngoài ra, mùa hè trẻ có thể bị các vấn đề khó chịu khác như rôm sảy, viêm da dị ứng, say nắng.

Để có mùa hè vui và khỏe mạnh, phụ huynh cần lưu ý:

  • Cho trẻ sinh hoạt trong môi trường có không khí thoáng sạch, tránh khói thuốc lá, khói nhanh, khói bếp và nơi có nhiều xe cộ lưu thông.
  • Uống đủ nước, tăng cường rau xanh và trái cây.
  • Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
  • Hạn chế cho trẻ tiếp xúc với trẻ bệnh.
  • Cho trẻ chủng ngừa đầy đủ.

BS CKI Phan Thị Hiền Thu

Theo Tạp chí Sức Khỏe – khoe24h.vn

 

 

Bệnh viện Hạnh Phúc
Bệnh viện Hạnh Phúc