Mỗi thực khách đến với Quán của Thời Thanh Xuân (Đồng Khởi, quận 1, TPHCM) sẽ trả tiền đồ uống vào thùng theo mức độ hạnh phúc mà bản thân cảm nhận được khi đến đây.
Cơ hội trải nghiệm nghề nghiệp
Quán của Thời Thanh Xuân được tạo nên bởi những người trẻ, với mong muốn giúp mọi người đến để nhớ về thời thanh xuân của mình. Đây là dự án kinh doanh mang tính nhân văn, để cho những bạn trẻ không nghe, không nói được có những trải nghiệm về nghề nghiệp, tác phong làm việc, tích lũy vốn để có thể tự lập về sau.
Người đưa ra ý tưởng và mở quán là anh Võ Thành Luân (32 tuổi, Bảo Lộc, Lâm Đồng). Vốn là hướng dẫn viên, anh từng bỏ dở chương trình du học ở Philippines, trở về Đà Lạt để thực hiện ý tưởng riêng.
Luân từng một lần trải nghiệm im lặng trong thời gian gần 1 tháng để lắng nghe lòng mình.
Trong thời gian đó, anh cho mình cơ hội được hiểu bản thân hơn, đối thoại với mình nhiều hơn. Và chàng trai trẻ thật hạnh phúc khi nhận ra rằng lặng yên cũng có sự thú vị riêng của nó. Từ đó, anh thường xuyên dành cho mình sự lặng im đồng thời tìm ra hướng đi của cuộc đời là làm việc và viết lên dự án cho trẻ điếc.
Đặt chân đến Quán của Thời Thanh Xuân, thực khách có thể cảm nhận được hương thơm của mùi tinh dầu đặc trưng ở xứ sở ngàn hoa và gỗ thông quyện vào nhau.
Những quả thông nhỏ nhắn, các ô hộp bằng gỗ thông thơm ngát đều là món quà của Đà Lạt và được làm bởi những người thợ lành nghề nhất.
Chủ quán cũng lặn lội chọn loại cà phê giá tới gần triệu đồng/kg để mang tới ly cafe Arabica ngon, đậm đà hương vị nhất. Không gì thú vị hơn khi được nhấm nháp ly cà phê mình yêu thích trong không gian ấm áp, yên tĩnh, bản nhạc du dương khiến mệt mỏi bộn bề của công việc như tan biến.
Không gian trong quán bày bán nhiều sản phẩm tinh dầu do các bạn trẻ điếc trực tiếp làm ra. Ảnh: TG. |
Uống cà phê theo cách khác
Hạnh (25 tuổi, nhân viên phục vụ) đứng lên cúi chào rồi cầm cuốn menu đưa khách, mỉm cười thân thiện. Menu của quán rất lạ, không có giá tiền, chỉ có vài số bên cạnh hình ấm trà, ly nước.
Vì phục vụ ở đây là người khiếm thính nên khách sẽ chọn thức uống bằng cách rút những que tre trong hộp có màu tương ứng với thức uống để nhân viên hiểu.
Giải thích về lý do mở quán ở Đà Lạt và sau mới mở Sài Gòn, anh Võ Thành Luân chia sẻ: Cứ mỗi quán được mở, cộng đồng người điếc ở nơi đó lại có cơ hội để làm việc. Khắp Việt Nam có gần tới 2,6 triệu trẻ bị điếc, vì vậy ở đâu có trẻ điếc ở đó có dự án. Hiện tại, dự án lên kế hoạch mở 1 cửa hàng tiếp theo ở Hội An.
“Chúng tôi đong đếm thành công của mình bằng việc đã giúp thêm bao nhiêu trẻ điếc” – Luân chia sẻ về tâm nguyện của mình.
Một điều đặc biệt nữa ở quán, đó là những món trong thực đơn mỗi ngày chỉ bán đúng số ly in trên menu, nếu ngày hôm đó bán đủ số lượng rồi, khách sẽ vui vẻ chọn món khác, hoặc đơn giản, ngồi uống nước lọc, nghe nhạc và thư giãn với mùi hương dịu nhẹ.
Khách đến uống trà, cà phê trả bao nhiêu tiền vào thùng theo mức độ hạnh phúc và hài lòng khách nhận được. “Trà, bánh, nước chỉ là câu chuyện để mọi người tiếp cận với trẻ điếc và có dịp để mua xà bông, tinh dầu chất lượng đã được kiểm nghiệm do chính tay các bạn điếc làm”, anh Luân tâm sự.
Do phần lớn nhân lực của quán đều là các bạn điếc, tuy không thể nghe hay nói nhưng họ giao tiếp với nhau bằng nụ cười và ngôn ngữ kí hiệu hình thể. Họ gọi nhau với cái tên rất gần gũi là người nói và người điếc.
Khách đến quán thường giao tiếp bằng giấy và bút là chính. Những trường hợp gặp khó khăn trong giao tiếp sẽ được sự trợ giúp của các bạn tình nguyện viên, sử dụng ngôn ngữ kí hiệu.
Điều bất kỳ thực khách nào cảm thấy thú vị khi chủ quán chia sẻ lý do việc khách hàng tự bỏ tiền vào thùng là “do trước khi bắt đầu mở quán còn nghèo quá, chúng tôi không đủ tự tin lấy tiền của khách. Sau này thành thông lệ…”.
Người sáng lập quán cho biết về sau, anh muốn khách trả tiền theo mức độ cảm nhận hạnh phúc của mình khi dùng dịch vụ. Với anh, “tiền khách bỏ vào thùng, không phải tuỳ tâm mà khách hài lòng thì bỏ tiền vào, sau này thay quán mà cất lời giới thiệu cho người khác ghé uống trà ăn bánh. Vì lỡ có ai rời xa các em hay các anh chị già đi mãi mãi, rồi ai nói thay các em?”.