Để trẻ đạt được chiều cao tối ưu khi đến tuổi trưởng thành, là mong muốn của hầu hết các bậc cha mẹ. Các yếu tố quan trọng giúp trẻ phát huy chiều cao tối đa đó là dinh dưỡng, vận động, giấc ngủ, thậm chí là môi trường sống, tâm thần kinh, chứ không phải chỉ phụ thuộc hoàn toàn vào yếu tố di truyền như nhiều người vẫn nghĩ.
Chiều cao qua các giai đoạn
Có 3 giai đoạn có tính quyết định về chiều cao của trẻ.
- Giai đoạn bào thai: nếu mẹ ăn uống đa dạng các loại thực phẩm, đầy đủ canxi và các khoáng chất, tăng cân hợp lý trong thai kỳ thì bé sinh ra có cân nặng khoảng 3,2 – 3,3 kg và chiều cao nền 50 cm.
- Giai đoạn hai năm đầu đời: Là giai đoạn tăng tốc về thể chất cũng như tinh thần từ sau khi sinh đến tuổi trưởng thành. Trong 3 tháng đầu tiên trẻ tăng 3 cm/tháng, 3 tháng tiếp theo tăng 2 – 2,5 cm/ tháng, từ 7 – 9 tháng trẻ tăng 2 cm/ tháng và 3 tháng cuối của năm thứ nhất trẻ tăng thêm 1 – 1.5 cm/ tháng. Như vậy đến một tuổi trẻ đã cao thêm 25 cm, tăng gấp rưỡi lúc sinh ra. Trong năm thứ hai trẻ tăng trung bình 1 cm/tháng, khi tròn 2 tuổi trẻ thường cao khoảng 86 – 88 cm và cao bằng một nửa người trưởng thành. Sau 2 tuổi trẻ cao thêm khoảng 5 – 7 cm/năm.
Sau 2 tuổi, bạn có thể ước tính chiều cao của trẻ theo công thức:
Chiều cao (cm)= Tuổi (năm) × 6 + 77
Vì vậy, ngay những tháng đầu sau sinh, ngoài việc cân trẻ, cần phải đo trẻ hàng tháng, đường biểu diễn chiều cao trẻ em phản ánh tốt cuộc sống quá khứ và là bằng chứng của việc dinh dưỡng đầy đủ. Trẻ thiếu dinh dưỡng kéo dài 2 – 3 tháng sẽ làm cho chiều cao chậm phát triển. Ngoài việc dinh dưỡng đầy đủ, nên cho trẻ phơi nắng mỗi sáng 15 – 20 phút để trẻ có đủ vitamin D giúp hấp thu canxi tối đa, nên phơi nắng cho đến khi trẻ biết đi có thể tự chạy ra chơi ngoài nắng.
- Giai đoạn cuối cùng để cải thiện chiều cao là giai đoạn dậy thì: ở trẻ gái thường là 11 – 13 tuổi, trẻ trai là 12 – 14 tuổi. Nếu trung bình mỗi năm trẻ cao khoảng 5 – 6 cm, thì trong vòng 2 năm trước khi trẻ dậy thì hoàn toàn, trẻ có sự tăng trưởng vượt trội. Sau một năm tăng tốc đột biến, tốc độ phát triển giảm, đặc biệt ở trẻ gái đến 15 – 16 tuổi gần như không tăng đáng kể, ở trẻ trai kéo dài hơn đến 17 – 18 tuổi.
Cũng như những năm đầu đời, giai đoạn tiền dậy thì trẻ cần có chế độ dinh dưỡng đa dạng, cung cấp đủ năng lượng, chất đạm, canxi, phốt phát, kẽm, vitamin AD,… để đáp ứng cho sự tăng trưởng chiều cao. Cùng với cung cấp năng lượng đầy đủ, trẻ lứa tuổi này nên có chế độ vận động hợp lý, chơi một môn thể thao, khoảng một giờ một ngày, ba đến bốn ngày trong tuần và ngủ đủ giấc vào ban đêm, vì lúc này cơ thể trẻ sẽ tiết ra hóc môn tăng trưởng giúp trẻ dài ra.
Các yếu tố ảnh hưởng đến chiều cao của trẻ
- Di truyền: gen là yếu tố cốt lõi qui định tốc độ và mức độ phát triển chiều cao của trẻ, bạn có thể ước tính chiều cao con cái theo bố mẹ như sau:
Con trai = [Chiều cao bố (cm) + chiều cao mẹ (cm) + 12.7]/ 2
Con gái = [Chiều cao bố (cm) + chiều cao mẹ (cm) – 12.7]/ 2
- Dinh dưỡng: Đúng, đủ và cân đối sẽ giúp trẻ tăng trưởng, đặc biệt vào các giai đoạn vàng nêu trên.
- Thực phẩm giàu đạm: thịt, cá, trứng, sữa, các loại đậu,… cần cho sự tổng hợp tế bào, tham gia tổng hợp nên các hormon tăng trưởng, các men tiêu hóa.
- Thực phẩm giàu canxi: sữa, cua, tép, tôm, cá nguyên xương,… tham gia quá trình tạo xương, giúp xương vững chắc, giúp phát triển chiều cao. Với những trẻ cần tăng chiều cao mà đã thừa cân, béo phì thì vẫn nên cho trẻ uống 400 – 500 ml sữa không đường tách (giảm) béo mỗi ngày để cung cấp đủ nhu cầu canxi cho trẻ tăng trưởng.
- Thực phẩm giàu kẽm: sò, hàu, gan heo, thịt gà tây, thịt bò, trứng,… vì kẽm cần cho sự tổng hợp các hormon giáp trạng, hormon tăng trưởng, hormon sinh dục thúc đẩy quá trình phát triển chiều cao.
- Thực phẩm giàu vitamin A: sữa, trứng, cá, gan, thịt,… cần cho sự tăng trưởng, tăng sức đề kháng, chống nhiễm trùng. Chú ý: các chất dinh dưỡng trên đều rất cần thiết cho việc tăng trưởng của trẻ, nhưng không phải cứ ăn thật nhiều sẽ tốt. Nếu trong khẩu phần ăn có quá nhiều chất đạm, quá nhiều ngũ cốc hay ăn quá mặn, thì canxi trong thực phẩm ăn vào sẽ bị đào thải qua nước tiểu; Còn nếu bữa ăn quá nhiều rau củ, canxi sẽ bị tạo thành những liên kết không hòa tan và tăng thải theo phân. Vì vậy, cần ăn đủ và cân đối các thành phần trong bữa ăn hàng ngày. Một yếu tố rất quan trọng giúp hấp thu và gắn kết can xi vào xương là vitamin D. Đây là vitamin duy nhất cơ thể tổng hợp được qua da dưới tác động của ánh sáng mặt trời. Vì vậy, nên cho trẻ nhỏ phơi nắng hoặc chạy chơi ngoài trời 15 – 20 phút mỗi ngày, các trẻ lớn hơn nên tham gia các môn thể thao ngoài trời để vừa tăng cường vận động, vừa được tiếp xúc với ánh nắng.
- Vận động: thúc đẩy quá trình trao đổi chất và chuyển hóa, giúp tăng tập trung canxi ở xương, giúp cơ thể sản sinh ra hormone tăng trưởng và giúp trẻ tăng chiều cao tối ưu, nhất là giai đoạn tiền dậy thì.
- Giấc ngủ: Giấc ngủ sâu sẽ giúp cơ thể tiết kiệm năng lượng. Đặc biệt trong giấc ngủ đêm, từ khoảng 10 giờ đến đỉnh điểm 12 giờ đêm, tuyến yên tiết ra hormon tăng trưởng GH, hormon này sẽ kích thích sự tăng trưởng của trẻ. Do đó, nên tập cho trẻ có thói quen ngủ sớm, để giúp trẻ được tận dụng cơ hội này và “dài ra” trong khi ngủ.
- Môi trường sống, tâm thần kinh: tinh thần ổn định, phấn chấn, môi trường tự nhiên tốt, đủ ánh sáng, không gian đủ rộng cho sự vui chơi vận động, sẽ tạo điều kiện kích thích sự phát triển cả về thể chất lẫn tinh thần cho trẻ.
Tóm lại, không nên có suy nghĩ bố mẹ lùn thì tất nhiên con cũng lùn, mà bỏ qua các yếu tố giúp trẻ phát huy hết chiều cao tối đa của mình như dinh dưỡng, vận động, giấc ngủ,… góp phần nâng chiều cao trung bình của cả thế hệ trẻ Việt Nam tương lai.
BS CKI Phan Thị Hiền Thu
Trung tâm Dinh dưỡng TP HCM
Theo Tạp chí Sức Khỏe – khoe24h.vn