Ai cũng từng nghe qua câu “Đói ăn rau, đau uống thuốc”. Kẹt chỉ ở chỗ, ít ai biết đau đến thế nào thì cần uống thuốc và khi dùng thuốc nên chọn thuốc nào mà … xơi để đừng đúng nghĩa người tiêu dùng theo kiểu vì “dùng hoài” nên mau … “tiêu”! 

Tất nhiên không ai vui gì khi phải uống thuốc. Nhưng nhiều khi phải uống vì bệnh gây hấn quá … thường. Theo thống kê của ngành bảo hiểm y tế ở CHLB Đức, gần 50% người trong độ tuổi 20 trở lên ít nhiều cảm thấy ê mình khi trái gió trở trời, trong số đó 2/3 là phụ nữ. Ở xứ mình tuy chưa có thống kê chính thức nhưng chỉ cần xem cảnh nhà thuốc bận rộn mỗi khi thay đổi áp thấp áp cao nhiệt đới gì đó, thì biết ngay số đối tượng không khỏe vì thời tiết nhiều hơn số người may mắn chưa bệnh. Chuyện không hề trên trời rơi xuống. Bằng chứng là không hẳn ai cũng bệnh như ai khi sáng nắng chiều mưa. Lý do khiến khó “vượt lên chính mình” là vì hệ thần kinh giao cảm không thích ứng kịp với môi trường bên ngoài thay đổi nhanh như lòng người, trưa đang nóng hừng hực tối lại lạnh căm căm. Thay đổi nhiệt độ càng bất thường, nhà thuốc, thầy thuốc càng … khỏe. Vì hội chứng “cảm mạo trúng gió” biến dạng đủ kiểu, từ nhức đầu bước qua sổ mũi, ho đàm, rối loạn tiêu hóa cho đến thậm chí trầm cảm. Còn gì khó ế cho bằng trăm người chưa kịp bán, vạn người đã tìm mua.

Vì triệu chứng cảm cúm rất “thượng vàng hạ cám” nên danh mục thuốc trị cảm cúm cũng dài lê thê. Hay dở tất nhiên tùy tính cảm ứng cá biệt của người dùng thuốc. Nhưng có một điều chắc chắn. Thuốc giải cảm này chưa kịp hết “mốt” thì thuốc giải nhiệt mới đã được trình làng. Vì quá bận rộn với cuộc sống căng thẳng, do chỉ mong mau hết bệnh để kéo cày kiếm cơm, nên ít ai nhận ra là chính hãng thuốc phủ nhận tác dụng của thuốc đã lưu hành khi chào hàng thuốc mới.

Đáng nói hơn nữa là tuy không thiếu thuốc giải cảm, thậm chí thừa là khác, nhưng chưa có nhà sản xuất nào dám khẳng định tính an toàn ưu việt của thuốc. Ngược lại, từ khi phản ứng phụ của hóa chất tổng hợp càng lúc càng lộ diện, càng lúc càng nhiều thầy thuốc quả quyết là kinh nghiệm y học dân gian và hoạt chất thiên nhiên là biện pháp vừa hiệu quả vừa an toàn. Bằng chứng là sau trung tâm điều trị “hội chứng trở trời” đầu tiên ở Áo, nhiều trung tâm khác đã thành hình ở vùng Trung Âu với tiếng lành càng lúc càng đồn xa. Nếu tưởng thầy thuốc bên đó dùng thuốc hóa chất tổng hợp đời mới thì lầm. Đáp án đơn giản đến không ngờ. Đó là:

  • Ngâm chân nước nóng sau ngày làm việc trong phòng lạnh hay phải dầm mưa về nhà.
  • Ngâm tắm dược thảo chứa tinh dầu khi nghe ớn lạnh chạy dọc xương sống.
  • Uống trà với các cây thuốc “giải cảm” như cúc hoa, bạc hà, khuynh diệp… khi ngứa cổ họng, nuốt đau, sổ mũi…
  • Dùng thuốc đa khoáng tố với kẽm, crôm, mangan, magiê… khi phát hiện mệt mỏi buổi sáng sớm mặc dầu đã ngủ đủ giờ trong đêm.

Lời thật khó tránh mất lòng nhà thuốc! Trong trường hợp cấp bách, tất nhiên phải dùng thuốc mạnh. Nhưng không hẳn lúc nào giết gà cũng phải động dao mổ trâu. Nói thêm chỉ e bứt dây động rừng. Không ít thầy thuốc và ngay cả nhiều người bệnh ở xứ mình, có khuynh hướng xem thường nhiều căn bệnh gắn chặt với cuộc sống đời thường. Đáng tiếc vô cùng vì trong nhiều trường hợp, thay vì “tìm mặt trăng giữa ban ngày” rồi trơ mắt ếch, giải pháp lại rất gần trong tầm tay nếu người nay cảm mai cúm đừng quên tự hỏi vì sao tôi lại dễ bệnh thế này để điều chỉnh nếp sinh hoạt và khi cần giải pháp đừng quên gõ cửa một thầy thuốc lúc nào cũng có sẵn với hàng ngàn năm kinh nghiệm: Thiên nhiên!

BS Lương Lễ Hoàng

Nguồn: Tạp chí Sức Khỏe – khoe24h.vn

 

 

 

 

 

 

 

Bệnh viện Hạnh Phúc
Bệnh viện Hạnh Phúc