Sau khi biết điểm thi THPT quốc gia, quan tâm lớn nhất của thí sinh là chọn được trường, ngành học phù hợp.

Theo PGS.TS Trần Thành Nam – Trưởng khoa Các Khoa học giáo dục, Trường ĐH Giáo dục (ĐHQG Hà Nội) – hiện nay, công nghệ tích hợp trong các trang web, phương tiện truyền thông xã hội và các ứng dụng đã mở rộng nguồn tài nguyên sẵn có để hỗ trợ thí sinh, phụ huynh và cả người làm công tác tư vấn chuyên nghiệp trong việc ra quyết định nghề nghiệp.

– Có ý kiến cho rằng: Việc chọn ngành không chỉ là chuyện điểm thi, điểm chuẩn vào các trường ĐH mà quan trọng là có phù hợp với người học hay không? Ý kiến của PGS về vấn đề này như thế nào?

Tôi hoàn toàn đồng cảm với ý kiến này. Những nghiên cứu của tôi và cộng sự tại Trường ĐH Giáo dục, ĐHQG Hà Nội năm 2018 cho thấy, hơn 40% học sinh THPT báo cáo gặp khó khăn lớn trong việc đưa ra quyết định lựa chọn ngành nghề. Học sinh nêu ra những rào cản lớn nhất theo thứ tự gồm: Thiếu thông tin về bản thân; thiếu thông tin về ngành nghề; thiếu thông tin về các bước trong quá trình đưa ra quyết định nghề nghiệp; thiếu kỹ năng tìm kiếm thông tin về nghề.

   
            PGS.TS Trần Thành Nam

Tại thời điểm này, khi thí sinh đã biết điểm thi và đứng trước rất nhiều cơ hội lựa chọn thì cảm giác băn khoăn lo lắng chọn ngành nghề nào cho phù hợp là điều dễ hiểu. Tôi cho rằng, để lựa chọn thành công, các em cần hiểu rõ hứng thú, thiên hướng bản thân cũng như hiểu biết về nghề nghiệp trong tương lai một cách sâu sắc.

Điều tôi nói không mới, nhiều nhà nghiên cứu như John Lewis Holland (nhà tâm lý học Mỹ) đã chứng minh rằng, yếu tố quan trọng nhất dẫn đến ra quyết định nghề nghiệp thành công là sự tương thích giữa hứng thú, thiên hướng cá nhân và môi trường nghề nghiệp. Sự tương thích giữa loại tính cách của cá nhân và môi trường làm việc cho phép một cá nhân bộc lộ kĩ năng, năng lực của mình, thể hiện quan điểm, giá trị của mình, và đón nhận các vai trò vị trí mà họ chờ đón. Các nghiên cứu đi trước cho thấy sự tương thích này chính là yếu tố quyết định mức độ một cá nhân gắn bó với công việc, hài lòng với môi trường làm việc, hiệu suất làm việc, là chỉ báo quan trọng quyết định sự thành công trong ngành nghề mà cá nhân lựa chọn.

– PGS nhấn mạnh vai trò sự tương thích giữa hứng thú, thiên hướng cá nhân và môi trường nghề nghiệp. Vậy làm thế nào để đánh giá được chúng?

Hầu hết mọi người đều giống với tổng hòa 6 loại tính cách: Thực tế, khám phá, nghệ thuật, xã hội, thuyết phục, quy tắc. Mỗi nét tính cách sẽ có những kiểu hành vi đặc thù phù hợp với từng điều kiện môi trường làm việc của ngành nghề. Vì vậy, một số nhà nghiên cứu, trong đó có Holland đã phát triển lý thuyết RIASEC, lấy theo chữ cái đầu của các loại tính cách này. Holland cũng đã xây dựng các công cụ đánh giá tính cách nghề nghiệp và phát triển hệ phân loại mã nghề cho các môi trường làm việc. Có thể nói các công cụ đánh giá sự tương thích giữa hứng thú, thiên hướng cá nhân và môi trường nghề nghiệp theo lý thuyết RIASEC được ứng dụng rộng rãi nhất.

Ở Việt Nam cũng có một số bộ công cụ theo lý thuyết này được dịch từ tiếng nước ngoài trên mạng nhưng có nhiều điểm không phù hợp với Việt Nam. Trường ĐH Giáo dục cũng có một nghiên cứu xây dựng bộ công cụ đánh giá thiên hướng nghề nghiệp. Chúng tôi, trên cơ sở lý thuyết của RIASEC để phát triển các câu hỏi phù hợp với bối cảnh văn hóa, xã hội của học sinh Việt Nam. Các học sinh quan tâm có thể thử đánh giá thiên hướng nghề nghiệp của mình với bản thử nghiệm của nhóm nghiên cứu Trường ĐH Giáo dục tại: https://danhgiatamly.edu.vn/

 Tư vấn hướng nghiệp. Ảnh minh họa

– Với sức mạnh của công nghệ, liệu việc lựa chọn ngành nghề có dễ dàng hơn? PGS có thể đưa ra một số lời khuyên cho thí sinh và các bậc phụ huynh?

Công nghệ giúp khách hàng có thể dễ dàng truy cập và cập nhật chính xác thông tin về từng ngành nghề để hỗ trợ cá nhân lựa chọn. Ví dụ, ở Canada, bảng phân loại nghề nghiệp quốc gia cung cấp thông tin mô tả cho hơn 500 nhóm nghề nghiệp, hơn 40.000 chức danh công việc.

Cũng có thể tận dụng sức mạnh mạng xã hội để tìm hiểu về các ngành nghề cũng như xu hướng của nó trong tương lai. Chẳng hạn nếu bạn quan tâm đến nghề tâm lý học hoặc sức khỏe tâm thần và muốn tìm hiểu các cơ hội việc làm trong lĩnh vực này có thể sử dụng Twitter để theo dõi (tài khoản

@PologistsologyJobs) để tự giới thiệu bản thân và đặt ra các câu hỏi. LinkedIn cũng là một công cụ mạnh mẽ được tạo ra để kết nối các chuyên gia trên thế giới với mục đích để hỗ trợ công việc của họ đạt hiệu suất cao hơn và thành công hơn. Người dùng có thể tìm kiếm các cơ hội mở theo tiêu đề công việc, từ khóa, tên công ty, địa điểm…

Mặc dù sự hỗ trợ của công nghệ và các hệ thống đánh giá trực tuyến có thể giúp các thí sinh nâng cao hiểu biết về bản thân và ngành nghề nhưng tôi cũng phải nhấn mạnh tầm quan trọng về vai trò của các chuyên gia tư vấn hướng nghiệp là không thể thay thế. Tất cả những thông tin chúng ta tìm hiểu được qua các hệ thống với sự hỗ trợ của công nghệ chỉ là thông tin thô. Chúng cần được nhìn nhận đánh giá bởi những con mắt chuyên môn sâu để đưa ra phản hồi và khuyến nghị về những hành động tiếp theo thì mới có hiệu quả tốt nhất.

– Xin cảm ơn PGS!

Theo: Hiếu Nguyễn

https://giaoducthoidai.vn/giao-duc/chon-nganh-nghe-bang-cong-nghe-

 

 

Bệnh viện Hạnh Phúc
Bệnh viện Hạnh Phúc