Mặc dù đã có cảnh báo về nguy cơ nợ xấu từ thẻ tín dụng nhưng các ngân hàng lại đang dành nhiều ưu ái giải ngân cho nhóm khách hàng này.

Ảnh minh họa.

Thẻ tín dụng và dùng thẻ tín dụng là một trong những phương thức thanh toán hiện đại, đang được áp dụng ở hầu hết những nước có thị trường bán lẻ phát triển. Với những tính năng vượt trội của loại hình thanh toán này, thị trường thẻ tín dụng Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Thẻ tín dụng là một hình thức thay thế cho việc thanh toán trực tiếp. Hình thức thanh toán này được thực hiện dựa trên uy tín. Chủ thẻ không cần phải trả tiền mặt ngay khi mua hàng. Thay vào đó, ngân hàng sẽ ứng trước tiền cho người bán và chủ thẻ sẽ thanh toán lại sau cho ngân hàng khoản giao dịch. Thẻ tín dụng cho phép khách hàng “trả dần” số tiền thanh toán trong tài khoản.

Chủ thẻ không phải thanh toán toàn bộ số dư trên bảng sao kê giao dịch hằng tháng. Tuy nhiên, chủ thẻ phải trả khoản thanh toán tối thiểu trước ngày đáo hạn đã ghi rõ trên bảng sao kê. Thẻ tín dụng khác với thẻ ghi nợ vì tiền không bị trừ trực tiếp vào tài khoản tiền gửi của chủ thẻ ngay sau mỗi lần mua hàng hoặc rút tiền mặt. Các ngân hàng phát thẻ sẽ tính lãi dựa trên số nợ chủ thẻ chưa thanh toán và mức lãi suất này sẽ cao hơn hoặc bằng với lãi suất ngân hàng này đang áp dụng. Chính vì vậy, trong một thời gian dài, loại hình kinh doanh này rất được các ngân hàng chú trọng, thậm chí, nhiều ngân hàng còn xây dựng cả một hệ thống phát hành thẻ tín dụng đến các nhóm khách hàng. Thậm chí, đây còn là một trong những yếu tố để các ngân hàng tính toán vào chỉ tiêu thi đua của nhân viên.

Tuy nhiên, khi thu nhập của nhiều nhóm chủ thẻ được cải thiện chậm so với nhu cầu chi tiêu sinh hoạt… thì nhiều khi, thẻ tín dụng lại đang trở thành “cục nợ xấu” với nhiều ngân hàng. Những thống kê gần đây cho thấy, nợ xấu từ thanh toán thẻ đã tăng tới 100%/năm. Nợ xấu của hệ thống ngân hàng đang thực sự bị đe dọa phình to!

Bàn luận về vấn đề này, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, tín dụng cá nhân có thể xem là một trong những biểu hiện tích cực về bộ mặt kinh tế nhưng nếu phát triển ồ ạt thì sẽ làm gia tăng nợ xấu.

Cảnh báo là như vậy nhưng trong bối cảnh hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp gặp khó nên nhà băng không dám giải ngân khiến tiền “tồn kho” của hầu hết các nhà băng đều tăng cao. “Sức khỏe” doanh nghiệp yếu, đà phục hồi chậm đồng nghĩa với việc rủi ro cho các khoản vay sẽ cao hơn. Và khi đặt phép tính so sánh cho 2 hướng giải ngân là doanh nghiệp và cá nhân, các ngân hàng đã chọn hướng thứ 2, giải ngân cho nhóm khách hàng cá nhân thông qua những hình thức như vay mua nhà, mua ôtô, tín dụng tiêu dùng…

Nói như vậy để thấy rằng, không phải cho vay cá nhân không có rủi ro mà là có, thậm chí giờ đây, tín dụng cá nhân lại trở thành “ẩn họa” của nợ xấu. Tuy nhiên, theo phân tích thì những khoản tiền này thường không nhiều, lại chia nhỏ cho nhiều cá nhân nên rủi ro mà nó mang lại so với rủi ro đến từ các khoản vay bạc tỷ của doanh nghiệp. Các ngân hàng vì thế đã chấp nhận cuộc chơi này!

Một canh bạc đã được các nhà băng dựng lên và theo TS Nguyễn Trí Hiếu, để tăng sự an toàn cho hoạt động này, các nhà băng cần phải giảm hạn mức tín dụng và phải tăng cường khảo sát, điều tra, nghiên cứu khả năng của từng khách hàng.

Theo Thanh Ngọc (Năng lượng Mới)

Bệnh viện Hạnh Phúc