Hình ảnh chúng tôi gặp và lướt qua, rồi dừng lại chờ hoặc quay lại để sẻ chia là những hình ảnh quen thuộc: những con người gầy gò, đen đúa, nhăn nheo, khắc khổ… Nắng gió Sài thành cũng như cái lạnh của những đêm cuối năm cùng sự nhọc nhằn kiếm sống đã tạo nên những con người “dễ dàng nhận ra” với những “điểm chung” mà ai gặp, tiếp xúc cũng sẽ được khơi lên lòng trắc ẩn.
Sẻ chia trong đêm ở Sài thành – Ảnh: B.Bối
Thương quá, tội nghiệp thật – là những cụm từ được chúng tôi liên tục thốt ra – như để nói lên sự-bất-lực trước hoàn cảnh đắng cay của những phận người. Mỗi người một nghiệp, ai học Phật cũng nằm lòng điều đó, nhưng ai học Phật thì cũng sẽ đều có chung một trăn trở: đó là lòng bi mẫn hướng về những cuộc đời lầm lũi, lặng lẽ trong bóng đêm của mình.
Bóng đêm thuộc về cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng: là sự khó nhọc, nghèo cùng, bệnh tật… và sự mờ mịt, chưa thấy được con đường sáng để cải tạo cuộc sống của mình theo lý quả-nhơn bất di bất dịch.
Dừng lại bên những phận đời, không chỉ gởi họ chút quà mà hơn hết là thăm hỏi, chuyện trò, để nghe câu chuyện họ kể. Có những cụ ông cụ bà tuổi ngấp nghé 80, thậm chí hơn – vẫn còn lặn lội mưu sinh. Các cụ nói như trút nỗi lòng: tui cũng có con cái nhưng con cái đứa nào cũng nghèo khổ, không lo được cho mình. Rồi, có những cảnh, hai mẹ con đẩy xe đi bán vé số, nương tựa, vá víu nhau sống qua ngày giữa phố xá Sài Gòn chen chúc.
Lặng lẽ là những phận đời. Để rồi, khi đến với họ, chúng tôi cũng có những giây phút lặng lẽ lắng lòng, nhìn lại đời mình, chỉ mong một điều là được chư Phật hộ niệm, nhắc nhở – để không bao giờ vô cảm, để đừng quên: ở quanh mình vẫn còn những con người cần được sẻ chia, còn khó khổ hơn mình.
Rồi nhớ: nỗi khổ của ta có sá chi mà than thở. Để nhắc: phải dành những phút giây cho việc ngó xuống, dành những khoản be bé cho việc trao đi những món quà ấm áp, cho sợi dây tình người được kết nối, tỏa lan trong mỗi cuộc đời và không chỉ có cuối năm, Tết nhứt mới làm…
Theo Bối Bối/ Giác Ngộ online