Sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh vừa giới thiệu đến khán giả vở kịch mới mang tên Đàn ông ơi… anh là ai? (Tác giả và đạo diễn: NSƯT Hạnh Thúy). Đây được xem là lần cố gắng làm mới mình của sân khấu này sau một thời gian dựng kịch có đề tài về cuộc sống của con người miền tây nam bộ được chuyển thể từ các tác phẩm văn học.

Đây cũng là lần đầu tiên nghệ sĩ Hạnh Thúy dựng kịch trên sân khấu Hoàng Thái Thanh và chị đã không làm cho khán giả sụt sùi khóc. Vở kịch tràn ngập tiếng cười nhờ những tình huống hài và cái duyên của các diễn viên.

Kich-dan-ong-oi-anh-la-ai-DienAnh-705-2017 ok

Kich-dan-ong-oi-anh-la-ai-DienAnh-705-2017-4

Đàn ông ơi… anh là ai? nói về cuộc sống của những con người trong một xóm trọ mà ở đó có những con người rất đỗi bình thường: bà quá lứa hay cáu bẳn, ông bảo vệ mang nỗi ấm ức của cuộc tình mười mấy năm trắc trở, cặp sinh viên trong sáng, nhà văn kỳ quặc đến xóm trọ tìm cảm hứng, cô cậu trẻ tuổi bước chân vào đời chưa được bao lâu… Mỗi người một hoàn cảnh, họ gặp nhau trong xóm trọ này để rồi xảy ra bao nhiêu chuyện vui buồn. Mọi rắc rối xảy ra từ bà Sáu Liễu, một người phụ nữ cảm thấy mình bị phụ bạc nên tỏ ra căm ghét đàn ông. Vì mối tình xưa, bà Sáu thù hằn với đàn ông và “lớn chuyện” là khi bà cấm những đứa cháu của mình không được tiếp xúc với đàn ông. Bà không ưa đàn ông đã đành nhưng mấy đứa cháu trọ học nhà bà đang tuổi xuân phơi phới, tình cảm yêu đương dạt dào mà bảo từ chối đàn ông, sao chúng làm được. Thế là đằng cấm cứ cấm, đằng yêu cứ yêu… bao nhiêu quy định được bà cáu bẳn treo lên cũng không thể nào qua được quy định của ông trời. Sống là phải yêu, càng trẻ lại càng yêu, mà đàn ông chiếm 50% cuộc tình chứ đâu phải ít nên không thể loại bỏ họ. Vậy nên, mỗi khi cô nhà văn quái đản gào lên kiểu như: “đàn ông ơi, em cần anh” là khán giả cười sảng khoái bởi vì cô nói đúng, thẳng toạt, không bày đặt “cành cao lá dài” gì cả. Thử xem bà Sáu mười mấy năm sống cuộc sống không tình yêu đã trở nên khô cằn, cáu gắt thế nào và thử xem những người cháu của bà ra sao khi sống trong cảm xúc của tình yêu, dù đôi khi vật vã vì yêu nhầm người?

DNSG705_120517_VHNT_Kich_IMG_7507

Kich-dan-ong-oi-anh-la-ai-DienAnh-705-2017

Kich-dan-ong-oi-anh-la-ai-DienAnh-705-2017-3

Kich-dan-ong-oi-anh-la-ai-DienAnh-705-2017-2

Hạnh Thúy vừa là đạo diễn vừa đảm nhận một vai diễn quan trọng Ngọc – cô nhà văn tưng tửng. Chính vì tìm cảm hứng cho “sự nghiệp văn chương” của mình mà cô đã nhúng tay vào chuyện người khác, rồi gây ra bao nhiêu hiểu lầm rắc rối. Hạnh Thúy đã vào vai Ngọc rất ngọt, dễ thương, làm quá mà không lố. Trong khi Hạnh Thúy dùng hình thể – một cách hợp lý – để gây cười cho khán giả thì nghệ sĩ Thành Hội không cần phải mất một phút nào để gồng lên vì diễn hình thể mà ông Hai đi đến đâu khán giả cười đến đó, hài hước và rất duyên dáng. Những cảnh như ông Hai nghe lời đồn bà Sáu Liễu đi giành chồng người ta rồi bị vợ đánh ghen ông đã gào lên: Trời ơi, tưởng ngon bày đặt làm cao, hay cảnh ông Hai “nằm vạ” khi em gái ông bàn chuyện cưới xin cho con trai cùng người yêu cũ của ông khiến khán giả không thể nhịn cười. Thành Hội với dáng vẻ và cách thoại ấy đã thành nét đặc trưng của mình khiến người xem gật gù đồng cảm khi anh thể hiện tâm trạng nhân vật kiểu như người ta đã làm chuyện “thấy ghét”, khiến mình bực nhưng vẫn cứ thương. Nghệ sĩ Tuyết Thu thủ vai bà Sáu Liễu đã thể hiện tốt sự khó tính có phần khắc nghiệt của bà khiến cho người khác cảm thấy đáng thương chứ không đáng sợ. Quang Thảo (vai Thắng), Lê Thúy (vai Oanh), Công Danh (vai Nguyên) mỗi người đều diễn tròn vai của mình, Thư Quỳnh vai Thảo đã thể hiện được vẻ nhí nhảnh của một cô sinh viên, góp vào vở diễn sự tươi tắn, trẻ trung.

Kich-dan-ong-oi-anh-la-ai-DienAnh-705-2017-6

Đàn ông ơi… anh là ai? với kịch bản đơn giản và nút thắt được giấu đến cuối cùng tạo bất ngờ cho người xem. Vở kịch có cao trào nhưng không quá gay cấn, họ nhẹ nhàng kể cho khán giả một câu chuyện mà những điều xảy ra trong đó chúng ta cũng dễ thấy xung quanh mình. Có một điều hơi tiếc là đạo diễn đã không mạnh tay làm vở diễn “cà tưng” hết cỡ sẽ rất thú vị, tiết chế bớt những lớp diễn, lời thoại khá “sến” của nhân vật Thắng và Oanh, Chẳng hạn, đoạn Thắng can Oanh tự tử vì người yêu phụ bạc, đang lúc khán giả thích thú vì kiểu thoại khá “tưng” của Thắng như chửi thẳng vào mặt Oanh thì bỗng nhiên Oanh than: Oanh khổ quá Thắng ơi, rồi sau đó là những lời “giáo điều kiểu mẫu” của Thắng dành cho Oanh làm giảm đi sự hưng phấn của khán giả.

  • Lâm Hạnh, Ảnh HTT

Theo Doanh Nhân Sài Gòn cuối tuần

Bệnh viện Hạnh Phúc