Thời gian gần đây, trên thị trường xuất hiện thông tin về một loại bút có khả năng làm biến mất nét mực sau một thời gian ngắn. Nhiều chuyên gia lo ngại các đối tượng xấu sẽ lợi dụng những chiếc bút này để phạm tội.

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Năng lượng Mới, thông tin về những chiếc bút “tàng hình” hay bút “phù thủy” đã có cách đây nhiều năm, nhưng thời gian gần đây loại bút này đột nhiên xuất hiện rầm rộ trở lại trên thị trường. Các loại bút này có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc và Nhật Bản. Giá của những chiếc bút này giao động 8.000-15.000 đồng/chiếc và có thể dễ dàng tìm mua chúng tại các chợ hay những cửa hàng văn phòng phẩm, thậm chí ngay cả trên mạng xã hội facebook.

but phu thuy tiep tay lua dao

Nhìn bên ngoài, bút “tàng hình” không khác gì một chiếc bút bi thông thường, tuy nhiên theo các thông tin quảng cáo, nét mực được viết ra từ loại bút này sẽ hoàn toàn biến mất sau một thời gian ngắn. Được biết, loại bút này được sử dụng cho học sinh trong học tập, giúp học sinh có thể sửa lỗi sai dễ dàng tại Nhật Bản hay phục vụ các trò ảo thuật ở Trung Quốc. Tuy nhiên, tại Việt Nam, các chuyên gia lo ngại, những chiếc bút “tàng hình” tiềm ẩn nguy cơ lừa đảo, nếu được sử dụng trong các giao dịch, ký kết…

Hiện nay, bút dùng mực tàng hình đã được sử dụng để ký kết nhiều hợp đồng, séc và thỏa thuận cho vay giữa các cá nhân.

Anh Nguyễn Văn Thịnh (quận Cầu Giấy, Hà Nội), một người chuyên thực hiện các giao dịch liên quan đến ký kết hợp đồng mua bán nói, sau khi nghe thông tin về loại bút “tàng hình”, anh rất lo lắng, vì công việc hằng ngày của anh liên quan đến ký kết hợp đồng, văn bản. “Nếu không may bên mua dùng loại bút này để ký hợp đồng giữa 2 bên, sau đó, chữ ký biến mất chỉ sau vài tiếng không để lại bất cứ dấu vết gì thì mình không biết căn cứ vào đâu để quy trách nhiệm đối với họ” – anh Thịnh nói.

Cũng theo anh Thịnh, thông thường hợp đồng mua bán hay các loại giao dịch khác đều được thực hiện giữa 2 bên. Nếu sau khi sở hữu tài sản, dịch vụ và hưởng lợi trên các loại tài sản đó, nhưng bên mua, hay bên có trách nhiệm trong tương lai mà sử dụng loại bút này để chối bỏ trách nhiệm thì chắc chắn sẽ gây thiệt hại nặng nề cho bên có tài sản và cung cấp dịch vụ.

Luật sư Trương Anh Tú – Trưởng Văn phòng Luật sư Trương Anh Tú (Đoàn Luật sư Hà Nội) nhận định, loại bút này khá nguy hiểm trong ký kết mua bán và tham gia các giao dịch thương mại. Ví dụ trong giao dịch dân sự, ông A vay nợ ông B, ký kết giấy vay nợ bằng loại bút này, sau khi giao dịch xong chữ ký bị biến mất, giấy tờ đó coi như không có hiệu lực, ông A không có trách nhiệm phải trả nợ cho ông B. Trên cơ sở pháp lý, nếu ông A dùng bút “tàng hình” để lừa đảo hòng chiếm đoạt tài sản đã vay của ông B thì đó chính là hành vi gian dối cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, sau khi chữ trên văn bản giao dịch đã mất thì việc tìm chứng cứ khởi kiện là cả một vấn đề. “Mình phải chứng minh được họ sử dụng bút tàng hình trong ký kết để lừa đảo thì mới có thể giải quyết bằng pháp lý. Hy vọng về góc độ hóa học có thể “chống đỡ” được thủ đoạn này” – Luật sư Trương Anh Tú nói.

Giá của những chiếc bút này dao động 8.000-15.000 đồng/chiếc và có thể dễ dàng tìm mua chúng tại các chợ hay những cửa hàng văn phòng phẩm, thậm chí ngay cả trên mạng xã hội facebook.

Theo các chuyên gia hóa học, loại mực trong bút “tàng hình” là Thymolphthalein. Chúng thường được hòa trong rượu và NaOH để làm mực chuyển màu. Trong khoảng pH từ 9,3 đến 10,5 sự chuyển màu xuất hiện; pH dưới 9,3 sẽ không có màu; pH trên 10,5 sẽ có màu xanh sẫm. Khi viết lên giấy, dưới tác động của khí CO2 và hơi nước trong không khí (có tính axit) sẽ làm giảm dần độ pH của mực. Đó là lý do tại sao khi viết loại mực này, màu xanh của thymolphthalein bị mờ dần và mất hẳn sau khoảng 24 giờ.

PGS.TS Lê Xuân Thành – Viện Kỹ thuật Hóa học cho biết, những chiếc bút này sử dụng phản ứng hóa học để có thể làm mất màu mực. Ngoài dựa vào độ pH thì một số loại bút dựa trên cơ chế cảm nhiệt, sau khi viết ra giấy và sử dụng đầu tẩy gắn sẵn trên thân bút, ma sát giữa đầu tẩy và giấy sẽ hình thành làm cho nhiệt độ tăng lên gây ra hiện tượng mất màu. Mực đã mất màu rồi thì rất khó chuyển màu trở lại hoàn toàn bởi vì phản ứng hóa học xảy ra một chiều, rất ít khi xảy ra hai chiều.

Lo ngại về những công dụng ngược của bút “tàng hình”, PGS.TS Lê Xuân Thành nói: “Không nên sử dụng loại bút này vào bất kỳ giao dịch ký kết nào. Để tránh trường hợp xấu xảy ra, chúng ta nên thận trọng kiểm tra kỹ trước khi ký kết giao dịch, loại bút “tàng hình” này nên được kiểm soát chặt chẽ hơn nữa”.

Phương pháp phục hồi màu chữ của bút “tàng hình”

Đối với loại mực là thymolphthalein, cách đơn giản nhất để khôi phục màu mực là làm tăng pH của mực lên để đạt tới độ pH thích hợp. Khi đó màu mực sẽ xuất hiện lại và ta có thể dễ dàng đọc được nội dung tài liệu; Đối với loại bút sử dụng đầu tẩy, muốn hiện lại màu có thể đưa chúng vào môi trường có nhiệt độ thấp hơn -20oC.

Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Điều 139 Bộ luật Hình sự quy định: Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ 500 nghìn đồng đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 500 nghìn đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Theo Thiên Minh – Thảo Ngân/ Petrotimes.vn 

Bệnh viện Hạnh Phúc