Trong khi chuẩn bị làm mẹ, có một số chị em phụ nữ chẳng may gặp rủi ro khi mang thai như thai chết lưu, hư thai hoặc phải nạo hút thai… Vấn đề chế độ cho những chị em trong trường hợp này được tính như thế nào. CLB Phụ Nữ Hiện Đại đăng tải lại một trường hợp cụ thể của chị Nguyễn Thị Hoàn ở Gia Lai được BBT báo Giáo dục & Thời Đại giải đáp khá chi tiết. 

Tôi là giáo viên tiểu học của tỉnh Gia Lai. Vừa qua tôi bị thai chết lưu nên phải nghỉ làm. Tôi được nghỉ bao nhiêu ngày có được trừ ngày thứ Bảy, Chủ nhật hay không? Mức hưởng là như thế nào? Trong trường hợp tôi muốn nghỉ thêm có được không? – Nguyễn Thị Hoàn (nghoangv@gmail.com).

* Trả lời:

Theo Điều 30 Luật Bảo hiểm xã hội quy định về thời gian hưởng chế độ khi sẩy thai, nạo, hút thai hoặc thai chết lưu như sau:

Khi sẩy thai, nạo, hút thai hoặc thai chết lưu thì lao động nữ được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản 10 ngày nếu thai dưới 1 tháng; 20 ngày nếu thai từ 1 tháng đến dưới 3 tháng; 40 ngày nếu thai từ 3 tháng đến dưới 6 háng; 50 ngày nếu thai từ 6 tháng trở lên.

Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản quy định tại Điều này tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần.

Như vậy căn cứ vào quy định nêu trên thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản của bạn bao gồm cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày thứ Bảy và Chủ nhật hằng tuần.

Do thư bạn không nêu rõ là thai được bao nhiêu tuần nên chúng tôi không có cơ sở để trả lời chính xác là bạn được nghỉ bao nhiêu ngày. Do đó bạn có thể căn cứ vào quy định nêu trên để xác định số ngày mình được nghỉ.

Trong thời gian bạn nghỉ chế độ thai sản bạn sẽ được hưởng chế độ theo quy định tại Điều 35 Luật Bảo hiểm xã hội. Cụ thể như sau:

Người lao động hưởng chế độ thai sản theo quy định tại các điều 29, 30, 31, 32 và 33 của Luật này thì mức hưởng bằng 100% mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng bảo hiểm xã hội của sáu tháng liền kề trước khi nghỉ việc.

Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản được tính là thời gian đóng bảo hiểm xã hội. Thời gian này người lao động và người sử dụng lao động không phải đóng bảo hiểm xã hội.

Sau khi hưởng chế độ thai sản theo quy định, bạn vẫn sức khỏe của mình yếu chưa thể đi làm được thì bạn sẽ được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản. Cụ thể theo Điều 37 Luật Bảo hiểm xã hội quy định như sau:

Lao động nữ sau thời gian hưởng chế độ thai sản theo quy định tại Điều 30, khoản 1 hoặc khoản 2 Điều 31 của Luật này mà sức khoẻ còn yếu thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ từ năm ngày đến mười ngày trong một năm.

Mức hưởng một ngày bằng 25% mức lương tối thiểu chung nếu nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ tại gia đình; bằng 40% mức lương tối thiểu chung nếu nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ tại cơ sở tập trung.

 

Nguồn: Báo Giáo Dục & Thời Đại

Bệnh viện Hạnh Phúc
Bệnh viện Hạnh Phúc