Nếu ví nhu cầu tiếp nhận thông tin hằng ngày của công chúng như những bữa ăn, giờ đây, có một câu hỏi đăng đặt ra: Báo chí là món ăn hay nguyên liệu cho món ăn tinh thần ấy?

 

Xin được bắt đầu từ một câu chuyện vẫn còn thời sự: 15g chiều ngày 11/5/2013, TTXVN đưa tin BCH TW đã bầu bổ sung vào Bộ Chính trị khóa XI Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân và Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Thông tin này hoàn toàn không mới với cư dân mạng, bởi vì trước đó, từ đêm 4.5, những nguồn tin của một số blogger trên mạng đã liên tục cập nhật kết quả bầu bổ sung Bộ Chính trị và Ban bí thư, thậm chí còn chi tiết đến từng vòng bỏ phiếu, đến số lượng phiếu cho từng ứng viên.
Tất nhiên khi mạng xã hội đưa những thông tin “cung đình” như thế, không phải ai cũng tin, nhưng khi báo chí chính thống được quyền phát đi thông điệp chính thức, nhiều người trong giới báo chí mới giật mình nói với nhau: Tin đồn mà chính xác như thế rồi đây công chúng có mất dần thói quen tìm kiếm thông tin trên báo chí nhà nước không?
Tại nước Mỹ – quê hương của internet, blog, mạng xã hội – những năm gần đây, người ta chứng kiến nhiều tờ báo in tên tuổi lẫy lừng, có bề dày hoạt động hơn 100 năm đã phải đóng cửa vĩnh viễn.
Cũng tại nước Mỹ, trong kỷ nguyên internet, người ta chứng kiến sự thành công của Tổng thống B. Obama trong tranh cử nhờ tận dụng mạng xã hội Twitter và Facebook. Và, cũng là chuyện tranh cử, có một người Mỹ khá nổi tiếng đã trở thành nạn nhân của truyền thông xã hội trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2004: ứng cử viên đảng Dân chủ John Kerry. Câu chuyện bắt đầu từ trang facebook của một nhóm cựu chiến binh Việt Nam tố cáo ông Kerry thêm mắm muối hồ sơ thời đi lính ở Việt Nam để chi phối cuộc đua vào Nhà Trắng, tố cao ông Kerry “gian dối để được trao 2/5 tấm huy chương”. Đòn trí mạng bắt đầu được tung ra trên mạng và một cuộc tranh cãi nảy lửa đã bùng nổ trên truyền thông Mỹ. Tuy nhiên, cựu chiến binh Mỹ chiếm đến 27 triệu người, tức 1/5 số phiếu của cử tri Mỹ, đa phần cũng tham gia các mạng xã hội nên bị chi phối bởi các lời bình bầy đàn trên mạng. Cuối cùng những lời dối trá của nhóm cựu chiến binh này đã được phát hiện, nhưng danh tiếng của Kerry đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng, và – như chúng ta đều biết – ông đã thất bại trong tranh cử.
Trong cuốn sách “Sự thật đầy đủ” viết năm 2008, Farhad Manjoo, khi phân tích trường hợp này, đã cho rằng các cựu chiến binh thành công vì sự phân mảnh của các nguồn tin tức trong thời đại kỹ thuật số, sự gieo rắc thông điệp sai trái trên mạng lan nhanh và rộng bằng cơ chế trực tuyến. Những lời lời nói dối khi được số đông vô tình ủng hộ đã tạo ra một cảm giác… thật và cấp bách.
Internet và công nghệ kỹ thuật số đang làm thay đổi nguồn tin truyền thống. Bây giờ người đọc báo, nghe đài, người tiêu dùng báo chí cũng trở thành người đưa tin, người cung cấp tin. Vì thế, mỗi tờ báo giờ đây không chỉ cạnh tranh với các báo bạn mà phải “cạnh tranh“ với cả “báo chí công dân”, truyền thông xã hội với quy mô ngày càng hùng hậu, đa dạng, phức tạp và cực kỳ nhanh nhạy.
Kể từ khi Internet xuất hiện ở Việt Nam, những bữa tiệc thông tin của công chúng ngày càng trở nên đa dạng, phong phú, phức tạp, xô bồ các món ăn. Những màn hình tương tác giờ đây đã thành công cụ vô cùng đơn giản, thông minh và lợi hại để mỗi giây, những công dân net toàn cầu có thể tải lên hàng tỷ byte thông tin. Ai cũng có thể trở thành nhà báo. Những nhà báo công dân ấy đi thẳng từ kỷ nguyên dùng cung nỏ chuyển sang máy bay, tàu lửa không thông qua giai đoạn tiểu liên, súng ngắn. Bình đẳng, rất bình đẳng trong làng truyền thông. Chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh, một người dân bình thường hôm nay cũng có thể chụp ảnh, quay phim, đưa tin một sự kiện. Với báo chí, họ không chỉ là thực khách, mà có khi còn sắm vai trò đầu bếp. Thông tin báo chí giờ đây không chỉ là món ăn, mà đôi lúc trở thành nguyên liệu để những đầu – bếp – công – dân này tiếp tục chế biến!
Thế giới thông tin ngày càng phân mảnh do sự xuất hiện và lớn mạnh của truyền thông xã hội. Các dịch vụ blog, các mạng xã hội như YouTube, Facebook, Twitter… giờ đây thành một kênh thông tin có biên độ, cường độ lớn. Truyền thông xã hội – dù không chủ định – vẫn đang cạnh tranh trực diện và mạnh mẽ với báo chí chính thống. Nhà báo chuyên nghiệp giờ đây không còn là người duy nhất và đầu tiên đưa tin. Sức mạnh của truyền thông xã hội ngày càng lớn hơn, tầm ảnh hưởng rộng hơn và những tác hại do thông tin sai sự thật trên môi trường mạng xã hội cũng sẽ lớn hơn. Nhìn trên bình diện thế giới, đã có một cuộc khủng hoảng, va chạm giữa phương tiện truyền thông cũ và mới mà dấu hiệu của sự va chạm ấy vấn đề niềm tin. Ai và những gì đáng tin cậy hơn: chuyên nghiệp hay nghiệp dư, các nhà báo hay blogger?

 

Ảnh minh họa

Đã có ý kiến bi quan cho rằng công chúng đang mất dần niềm tin vào độ tin cậy, chính xác, công bằng và cân bằng của báo chí; công chúng đang quay lưng với báo chí. Nhận định ấy xuất phát từ một số hiện tượng kỹ thuật, hiện tượng kinh tế trong nền công nghiệp báo chí ở một số nước tư bản hoặc một số hiện tượng truyền thông cá biệt ở Việt Nam. Nhưng thực tế cho thấy, ngay cả những người đang lớn tiếng chỉ trích báo chí trong nước vẫn hằng ngày đọc báo, những blogger chê bai thông tin báo chí vẫn phải lấy tin bài trên báo làm nguyên liệu xào nấu trong chính các bài chỉ trích của mình.


Thông tin báo chí vẫn là món ăn tinh thần quan trọng của công chúng.

Mỗi quốc gia có những cách riêng để quản lý, kiểm soát báo chí. Nền báo chí của từng nước có những đặc trưng khác nhau và khoảng cách về khả năng tiếp cận công nghệ thông tin và truyền thông của từng nước cũng khác nhau dù toàn cầu hóa là xu thế không cưỡng lại được. Nhưng không một nhà nước nào lại bỏ quên vai trò quyết định trong việc đảm bảo cho người dân tiếp cận được với thông tin, tin tức qua đủ các phương tiện truyền thông chính thống.
Thời đại số đã tạo ra những thế hệ công chúng báo chí mới, tích cực hơn, năng động hơn và thời đại số buộc báo chí phải thay đổi cách nói với công chúng truyền thông của mình. Sự thay đổi ấy không chỉ ở phương pháp tác nghiệp mà còn ở thiên chức phục vụ.
Hàng trăm cơ quan báo chí cùng đưa tin bài giống nhau thì chỉ cần một là đủ. “Công nghệ” copy – paste ( sao chép) đang là vấn nạn khủng khiếp trong làng báo mà nếu không biết chế ước thì đó thật sự sẽ giết dần giết mòn các cơ quan báo đang trả lương cho người viết, giết chết niềm tin của công chúng báo chí. Tồn tại hay không tồn tại ở từng tờ báo hôm nay là chuyện bản sắc, tạo ra sự khác biệt -khác biệt hơn nhưng vẫn phải chính xác, nhanh nhạy, khách quan. Bản sắc tờ báo là vẻ đẹp riêng, phong cách riêng… chứ không phải sự khác biệt vô lối, lập dị. Bản sắc tờ báo là tay nghề, là bản lĩnh: Nếu không đủ bản lĩnh thì có thể dám nghĩ, dám nói mà không dám thể hiện trên báo, trên đài. Giữa cái biển thông tin phức tạp, xô bồ thực hư, thật giả lẫn lộn, công chúng cần những cơ quan báo chí tin cậy, tuyển chọn và cung cấp cho họ những thông tin chủ lưu trong đời sống xã hội, cách lựa chọn để đưa ra thực đơn riêng có thể đã là một bản sắc nhưng cao hơn nữa, cần hơn nữa là cách phân tích, bình luận sao cho có góc nhìn riêng biệt.
Công chúng trong dòng chảy thông tin xô bồ, đa dạng khó có thể đưa ra những quyết định thông minh để chọn lựa nhưng điều đó không đồng nghĩa rằng họ dễ dàng chấp nhận những sự áp đặt. Để giữ vững trận địa thông tin, người làm báo hôm nay cần tận dụng sức mạnh công nghệ để thực sự tạo cơ hội tương tác với công chúng. Có như vậy, báo chí mới làm tốt chức năng “diễn đàn của nhân dân”. Thói quen tư duy của một thời làm báo bao cấp làm chúng ta quên mất chuyện mời khán giả, thính giả, độc giả cùng làm báo, là đồng chủ thể sáng tạo trong bữa tiệc thông tin chung.
Truyền thông xã hội là phát minh của nhân loại, đừng cố chống lại nó và cũng không thể chống lại nó, báo chí phải biến nó thành cánh tay nối dài của mình để giành giật khách hàng, để mời công chúng “cùng làm báo”.
Giữa dòng chảy xô bồ của bức tranh truyền thông hôm nay, hơn lúc nào hết, báo chí chính thống, cần được phát huy nhiều hơn nữa thiên chức của mình, bảo vệ những nguyên tắc kinh điển về độ tin cậy, sự trung thực và đạo đức trước yêu cầu sàng lọc và định hướng thông tin cho công chúng.

 

Theo: Phan Văn Tú 

(Khoa Báo chí – Truyền thông – Đại học KHXH-NV TP.HCM) / Tạp chí Nghề Báo

Bệnh viện Hạnh Phúc
Bệnh viện Hạnh Phúc