Catherine luôn quan tâm đến cổ vật Ai Cập cũng như những bản sao cổ vật thời đó. Cô không thể là học giả và cũng chưa bao giờ nghiên cứu về giai đoạn lịch sử này nhưng dường như những vật đó có vẻ quen thuộc với cô.

Khi người hướng dẫn bắt đầu giới thiệu một vài vật triển lãm thì cô thấy mình đang chỉnh sửa cho anh ta và … cô đúng! Người hướng dẫn ngạc nghiên; Catherine kinh ngạc. làm sao cô biết những điều đó? Tại sao cô cảm thấy rất chắc chắn rằng mình đúng, tự tin đến mức chỉnh sửa người hướng dẫn trước đám đông? Có lẽ đây là ký ức từ nhỏ nhưng bị quên mất.

IMG_0077Ở buổi trị liệu tiếp theo, Catherine đã kể cho tôi nghe những gì đã xảy ra. Nhiều tháng trước tôi đã gợi ý thôi miên cho cô nhưng Catherine sợ và từ chối. Với những gì xảy ra ở triển lãm Ai Cập, giờ đây cô miễn cưỡng đồng ý.

Thôi miên là một phương pháp tuyệt vời để giúp bệnh nhân nhớ lại những tai nạn mà họ quên từ lâu. Không có gì bí hiểm ở đây cả. Đó chỉ là trạng thái tập trung cao độ. Với sự hướng dẫn của những nhà thôi miên được đào tạo bài bản, cơ thể của bệnh nhân được thư giãn, nhờ thế trí nhớ trở nên bén nhạy. Tôi đã từng thôi miên hàng trăm bệnh nhân và thấy nó hữu hiệu trong việc giảm bớt căng thẳng, loại trừ chứng sợ hãi, thay đổi những thói quen xấu và giúp nhớ lại những điều bị kìm nén. Thỉnh thoảng tôi cũng thành công trong việc đưa bệnh nhân quay lại thời kỳ trẻ thơ, thậm chí lúc họ chỉ hai hay ba tuổi, nhờ vậy đã tìm lại được ký ức về những sang chấn tâm lý bị lãng quên từ lâu, đang làm cuộc sống của họ bất ổn. Tôi tin rằng thôi miên sẽ giúp cho Catherine.

Tôi hướng dẫn Catherine nằm trên ghế xô pha với đôi mắt khép hờ và tựa đầu lên một chiếc gối nhỏ. Đầu tiên chúng tôi tập trung vào hơi thở của cô ấy. Mỗi hơi thở ra cô ấy lại giải phóng sự căng thẳng và hồi hộp tích tụ lâu nay; mỗi hơi thở vào cô còn giải phóng nhiều hơn nữa. Sau vài phút như thế, tôi bảo cô hình dung những bắp thịt của mình từ từ thư giãn, bắt đầu từ cơ mặt và hàm, sau đó đến cổ và vai, cánh tay, cơ lưng và bụng, cuối cùng là đôi chân. Cô ấy cảm thấy toàn bộ thân mình như ngày càng chìm sâu vào ghế nệm.

Tiếp theo tôi hướng dẫn cô hình dung một nguồn ánh sáng trắng ở đỉnh đầu, bên trong cơ thể của cô. Sau đó, tôi điều khiển nguồn sáng này từ từ tỏa xuống cơ thể cô để giúp thư giãn hoàn toàn từng bắp thịt, từng dây thần kinh, từng cơ quan – tất cả cơ thể của cô – đưa cô ngày càng đi sâu hơn vào trạng thái thư giãn và an bình. Cô cảm thấy càng lúc càng buồn ngủ, càng lúc càng an lành, tĩnh lặng. Cuối cùng, theo hướng dẫn của tôi, ánh sáng tràn ngập cơ thể cũng như bao quanh cô ấy.

Tôi từ từ đếm ngược từ mười đến một. Cứ mỗi số cô lại chìm sâu hơn vào tình trạng thư giãn. Tình trạng xuất thần của cô sâu hơn. Cô ấy có thể tập trung vào giọng nói của tôi và loại trừ mọi tiếng động xung quanh. Lúc đếm đến một, cô đã ở trong trạng thái xuất thần khá sâu của thôi miên. Toàn bộ quá trình này mất khoảng hai mươi phút.

Sau đó tôi bắt đầu hướng dẫn cô ấy đi ngược về quá khứ, yêu cầu cô nhớ lại những ký ức tuổi thơ một cách chậm rãi. Cô có thể nói chuyện và trả lời những câu hỏi của tôi trong khi vẫn ở trong tình trạng thôi miên sâu. Cô nhớ lại một kinh nghiệm tổn thương với nha sỹ xảy ra khi cô sáu tuổi. Cô nhớ lại một cách sống động khi bị xô từ cầu nhảy xuống hồ bơi. Cô bị chẹn họng rồi thấy ngạt thở, bị uống mấy ngụm nước và trong khi đang kể về điều này cô bắt đầu thở gấp vì ngạt trong văn phòng của tôi. Tôi gợi ý cho cô ấy là tình trạng đó đã qua rồi, cô đã ra khỏi nước. Tình trạng nôn ọe chấm dứt và cô thở lại bình thường. cô vẫn ở trong trạng thái xuất thần.

Vào lúc ba tuổi, sự việc tồi tệ nhất đã xảy ra. Cô nhớ lại là bị đánh thức trong phòng ngủ tối đen của mình và biết rằng cha cô đang ở trong phòng. Lúc đó ông nồng nặc mùi rượu mà giờ cô còn ngửi thấy. Ông ấy sờ soạng và vuốt ve cô ngay “dưới chỗ đó”. Cô kinh hãi và bắt đầu khóc, vì thế ông ấy bịt miệng cô bằng bàn tay thô ráp của mình. Cô không thở được. Trong văn phòng tôi, trên ghế sô pha, hai mươi lăm năm sau, Catherine bắt đầu khóc nức nỡ. Tôi cảm thấy là giờ đây chúng tôi đã có được thông tin, tìm được chìa cho ổ khóa. Tôi chắc rằng những triệu chứng của cô sẽ được cải thiện nhanh chóng và khó ngờ. Tôi nhẹ nhàng khuyên cô rằng chuyện đó đã qua rồi, cô không còn ở trong phòng ngủ của mình nữa mà đang yên lặng nghỉ ngơi, vẫn đang ở trong tình trạng xuất thần. Cơn nức nỡ chấm dứt. Tôi hướng dẫn cô tiến về thời gian hiện tại. Tôi đánh thức cô sau khi đã hướng dẫn cô nhớ lại mọi chuyện cô đã kể với tôi bằng những gợi ý sau thôi miên. Chúng tôi dành thời gian còn lại của buổi chữa trị để thảo luận về ký ức sống động bất ngờ trong chấn thương tâm lý với cha cô. Tôi cố giúp cô chấp nhận và thu nhận kiến thức “mới” này. Giờ đây cô đã hiểu được mối quan hệ với cha mình, phản ứng của ông đối với cô, sự xa cách của ông và sự sợ hãi của cô đối với ông. Cô vẫn còn run rẫy khi rời văn phòng nhưng tôi biết rằng những hiểu biết cô vừa nhận được xứng đáng với khoảng thời gian khó chịu kia.

Trong sự kích động của việc phát hiện những ký ức đau đớn và bị chôn chặt trong lòng, tôi quên bẵng việc tìm mối liên quan giữa tuổi thơ với kiến thức của cô về đồ vật của Ai Cập. Nhưng ít ra cô cũng đã hiểu rõ hơn quá khứ của mình. Cô đã nhớ lại một số sự kiện đáng sợ và tôi hy vọng những triệu chứng của cô sẽ thuyên giảm đáng kể.

Mặc cho sự hiểu biết mới, tuần tiếp theo, cô báo cáo rằng những triệu chứng của mình vẫn nguyên vẹn, vẫn trầm trọng như mọi khi. Tôi ngạc nghiên. Tôi không thể hiểu được đã sai ở đâu. Có chuyện gì đã xảy ra trước ba tuổi chăng? Chúng tôi đã tìm ra những nguyên nhân tường tận cho nỗi sợ ngạt thở, sợ nước, sợ bóng tối, sợ bị mắc kẹt, tuy vậy những triệu chứng và nỗi sợ sâu xa vẫn tiếp tục hủy hoại những giây phút tỉnh thức của cô. Những cơn ác mộng vẫn đáng sợ như trước. Tôi quyết định phải dẫn cô về lại xa hơn.

(Còn tiếp)

(Trích Sách mới Ám ảnh từ kiếp trước – Thaihabooks)

 Xem phần 1: Ám ảnh từ kiếp trước: Bí mật của sự sống và cái chết

Phụ Nữ Hiện Đại đồng hành truyền thông cùng Thaihabooks 

Bia_Am anh tu kiep truoc_4.11.2014-01

Bệnh viện Hạnh Phúc
Bệnh viện Hạnh Phúc