Với ưu điểm tiết kiệm thời gian, chi phí cho cả nhà tuyển dụng và bạn, phỏng vấn qua Skype hiện đang được ứng dụng phổ biến, nhất là trong thời kỳ dịch bệnh. Vậy khi phỏng vấn qua hình thức này, bạn cần chú ý điều gì để đạt được hiệu quả cao?

Dưới đây là câu trả lời dành cho bạn từ các chuyên gia nhân sự của CareerLink.

Xác nhận thông tin

Sau khi nhận được email thông báo về thời gian, tài liệu cần chuẩn bị và ứng dụng sẽ dùng để phỏng vấn từ nhà tuyển dụng, bạn nên lịch sự xác nhận rằng mình sẽ tham gia buổi phỏng vấn vào ngày giờ ghi trong email. Nếu điều gì đó chưa rõ, hãy chủ động hỏi lại nhà tuyển dụng để tránh những nhầm lẫn đáng tiếc, đồng thời thể hiện rằng bạn rất quan tâm đến vị trí này.

Kiểm tra ứng dụng và thiết bị

Bạn nên cài đặt sẵn ứng dụng Skype trên máy tính, laptop, điện thoại của mình và tìm hiểu cách sử dụng. Trên thực tế, bạn nên ưu tiên sử dụng máy tính, laptop thay vì điện thoại. Bên cạnh đó, cần kiểm tra webcam, microphone, đường truyền internet có ổn định hay không. Trong trường hợp mất kết nối giữa chừng, bạn nên nhanh chóng thông báo với nhà tuyển dụng qua số điện thoại hoặc email của họ đính kèm trong thư mời phỏng vấn.

Đặt tên hiển thị bằng tên thật và thay ảnh đại diện nghiêm túc

Trước khi bước vào cuộc phỏng vấn, hãy chú ý đổi tên thật của mình và chọn  ảnh đại diện đẹp, rõ mặt và chỉn chu (tuyệt đối không dùng ảnh selfie, ảnh động vật hay ảnh chụp nhóm). Tốt nhất là nên sử dụng giống ảnh trên CV để nhà tuyển dụng dễ nhận ra.

Chủ động chọn vị trí ngồi thể hiện tính chuyên nghiệp

Phỏng vấn qua Skype tức là bạn phải mở cả camera và micro để trao đổi với nhà tuyển dụng. Hẳn là các bạn sẽ không muốn họ thấy góc giường chưa dọn dẹp hoặc bất chợt bị người thân gọi tên lúc đang phỏng vấn. Điều này sẽ thể hiện bạn là một người thiếu chuyên nghiệp. Vậy nên hãy chủ động chọn không gian không có nhiều đồ dùng phía sau, lưu ý nơi có ánh sáng tự nhiên để nhà tuyển dụng có thể nhìn rõ mặt bạn vì có thể họ muốn đánh giá sự tự tin của bạn.

Dành thời gian để tập luyện

Sự tập luyện, chuẩn bị đầy đủ sẽ giúp cho bạn thoải mái hơn trong buổi phỏng vấn qua Skype. Bạn có thể thực hành trả lời thử một số câu hỏi cơ bản như giới thiệu bản thân, kinh nghiệm trong lĩnh vực ứng tuyển, lý do tại sao bạn muốn ứng tuyển công việc này,… Đồng thời cũng nên tìm hiểu một số thông tin liên quan đến công ty và vị trí ứng tuyển. Chú ý về giọng nói, ngữ điệu, ngôn ngữ cơ thể, biểu cảm khuôn mặt thể hiện sự tự tin và tràn đầy năng lượng.

Cân nhắc lựa chọn trang phục và kiểu trang điểm phù hợp

Bạn nên chọn mặc những bộ quần áo lịch sự như đi phỏng vấn trực tiếp và thậm chí mang giày dù nhà tuyển dụng sẽ không thể nhìn thấy. Tuy nhiên, sự tươm tất, gọn gàng này sẽ tạo tâm lý tốt nhất cho bạn khi giao tiếp với người đối diện.

Về trang điểm, bạn cần lưu ý kiểu gọn gàng, không che đi mặt quá nhiều nếu chọn thả tóc. Kiểu trang điểm chỉ cần đơn giản, không đánh màu son quá chói hoặc kẻ mặt quá đậm vì nó sẽ không phù hợp với hoàn cảnh phỏng vấn xin việc.

Đăng nhập đúng giờ

Sự đúng giờ luôn là một trong những ưu tiên hàng đầu mà bạn luôn phải tuân thủ, ngay cả khi đây là một buổi phỏng vấn online. Tốt nhất là hãy đăng nhập vào tài khoản trước 10-15 phút để chắc chắn rằng không có vấn đề xảy ra với các thiết bị của mình. Nếu lỗi do kết nối hoặc một số lý do bất khả kháng nào đó mà bạn vào trễ giờ, hãy xin lỗi chân thành và thể hiện kỹ năng xử lý tình huống.

Thể hiện khả năng khi có cơ hội

Có 3 điều sẽ giúp bạn ghi điểm với nhà tuyển dụng khi phỏng vấn online qua Zoom là kỹ năng tương tác qua màn hình, thái độ khi làm việc từ xa và cách bạn cân bằng công việc và cuộc sống trong khi làm việc tại nhà. Nếu bạn có tham gia những khóa học online hoặc làm những công việc freelance liên quan đến chuyên ngành thì có thể chia sẻ cho nhà tuyển dụng vì có thể điều này sẽ làm họ ấn tượng!

Gửi email cảm ơn

Tương tự khi phỏng vấn trực tiếp, kết thúc buổi phỏng vấn qua Skype thì bạn nên gửi email cảm ơn tuyển dụng vì đã dành thời gian cho bạn. Những nhà tuyển dụng hàng đầu trên thế giới chia sẻ rằng hãy đề cập những điểm bạn đã được truyền cảm hứng, điều học được từ công ty cũng như buổi phỏng vấn vừa trải qua.

Pha Lê

 

 

*Nội dung được thực hiện theo ĐKKD của C.A.M Media

Bệnh viện Hạnh Phúc
Bệnh viện Hạnh Phúc