Bị tai nạn gãy cột sống, trở thành người “bán thân bất toại”, nhưng nghị lực phi thường và tình yêu nghề đã giúp cô Hoa không cam chịu số phận, tiếp tục thực hiện ước mơ.

17 năm dạy học... trên giường

Cô giáo Trần Thị Hoa đang nằm dạy học và những học sinh của cô

Cô Trần Thị Hoa, 58 tuổi, ở phường Lộc Sơn, TP.Bảo Lộc, Lâm Đồng là một tấm gương sáng cho nhiều người học tập.

ĐAM MÊ VÔ BỜ BẾN

Cô Hoa là người khá nổi tiếng ở thành phố cao nguyên này. Bởi thế, chúng tôi không khó khăn gì khi hỏi thăm nhà cô. Đó là một căn nhà nhỏ trên đường Nguyễn Văn Cừ.

Mẹ cô Hoa, bà Phạm Thị Tin, năm nay đã 89 tuổi, ra đón và dẫn chúng tôi vào “lớp học” của cô Hoa, một căn phòng rộng chừng 40m2, giữa lúc cô đang “đứng lớp” trên giường với chiếc mền mỏng đắp ngang người, khuôn mặt cương nghị, mái tóc tém gọn gàng.

05-41-32_nh-4

Gần chục học trò, lớn nhỏ có đủ, đang ngồi trước mặt, chăm chú nghe cô giảng bài.

Dường như đoán được khách là ai nên sau khi cho học trò nghỉ giải lao và mời chúng tôi ngồi, cô Hoa nói: “Cũng đã có mấy người đến gặp tôi hỏi chuyện rồi. Nhưng tôi thích được nghe kể chuyện ngoài xã hội, ở các nơi, chứ tôi thế này, bao nhiêu năm nay chỉ quanh quẩn trong căn phòng, hay đúng hơn là trên chiếc giường này, với mẹ, các em và những người hàng xóm, có gì đâu mà kể”.

Sau gần nửa giờ đồng hồ hỏi chúng tôi đủ thứ chuyện, cuối cùng, cô Hoa im lặng một lúc lâu trước khi kể về những năm tháng đã qua của đời mình: “Ngày xưa, nhà tôi cũng nghèo như thế này, nhưng thấy tôi ham học và ước mơ trở thành cô giáo có từ nhỏ nên cha mẹ cũng ráng lo cho tôi học hết cấp 3, rồi thi đậu vào trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt.

Học xong, tôi được phân công về dạy tiểu học ở Đạ Pan, một xã vùng sâu của huyện Đạ Huoai, Lâm Đồng. Mấy năm sống ở vùng núi, tôi mắc bệnh sốt rét, phải về quê Bảo Lộc điều trị. Khỏi bệnh, Phòng Giáo dục huyện giữ tôi lại làm công tác quản lý giáo dục ở phường Lộc Sơn, vừa gần nhà lại nhàn hơn đi dạy.

Thế nhưng, tôi vẫn thích đứng lớp, được gắn bó với phấn trắng, bảng đen và quan trọng nhất chính là những gương mặt của các em học sinh nhỏ. Nên cuối cùng, bỏ qua bao lời khuyên can của bạn bè, gia đình, tôi vẫn tình nguyện xin lên xã Lộc Nam, huyện Bảo Lâm, cách nhà hơn 20 cây số để đi dạy lại, dù phải sống xa gia đình.

Hồi đó đi dạy khó khăn lắm chứ không như bây giờ, rừng núi hiểm trở khó đi. Mẹ bảo, lên đó rừng núi heo hút, thân gái một mình, sẽ khổ lắm, rồi chuyện chồng con thì sao? Tôi biết, mẹ và mọi người đều nói đúng. Nhưng đam mê được đứng trên bục giảng đã khiến tôi bỏ ngoài tai tất cả”.

Vừa im lặng ngồi nghe chúng tôi nói chuyện, vừa giúp những đứa trẻ sắp xếp tập vở, một hồi, bà Tin không giấu nét mặt buồn, kể: “Tôi chưa thấy ai mê nghề giáo như nó. Hồi đó, lúc bị sốt rét về nhà, mấy anh chị cấp trên bảo đừng đi dạy xa nữa, ở gần nhà họ giao công việc khác cho mà nó không nghe.

Xin đi dạy lại cách nhà 2 chục cây số, vậy mà cuối tuần nào cũng đạp xe về phụ mẹ làm đủ thứ việc. Chiều Chủ nhật lại lóc cóc đạp xe đi. Đến 30 tuổi mà chưa thấy nó có bạn trai, vừa lo vừa thương, lần nào về tôi cũng nhắc, mà nó cứ ậm ừ. Đâu ngờ số phận nó lại thế này”.

Cứ ngỡ cuộc sống của cô Hoa sẽ mãi yên bình với niềm đam mê cháy bỏng như thế. Nhưng một tai nạn nhỏ, không ai ngờ đã khiến cô tan biến mọi ước mơ. Đó là năm 1996, trong một lần đi dạy về, thấy một tốp em nhỏ trong ấp trèo cây hái ổi, sợ các em té ngã nên cô Hoa dừng xe, kêu các em xuống để cô hái cho.

Dù trèo lên cây chỉ cách mặt đất chừng 3 m, nhưng do dẫm lên cành cây sâu, khiến nó gãy, cô trượt chân ngã xuống đất, gãy cột sống. Từ đó, cô vĩnh viễn không thể ngồi dậy.

MẸ VÀ BÀI BÁO

Cô Hoa kể: “Sau mấy lần phẫu thuật, bác sĩ bảo tôi không còn hy vọng đi lại. Lúc đó, nếu không nghĩ đến mẹ, chắc tôi không sống nổi. Mẹ cứ âm thầm chăm sóc tôi và đêm đến lại âm thầm khóc. Nhưng dù thương mẹ đến đâu, cố gắng đến đâu, thì sự tuyệt vọng vẫn không buông tha tôi. Tôi không biết có thể chịu đựng như thế được bao lâu.

Hiện nay, mọi sinh hoạt hằng ngày của cô Hoa đều trông vào mẹ. Chính vì thế, ước mong lớn nhất của cô bây giờ là mong mẹ mãi khỏe mạnh để ở bên cô. Và sau đó là được gắn bó với các em nhỏ, được hằng ngày truyền cho các em chút kiến thức và tình người.

Đến một ngày, mẹ cầm ở đâu về cho tôi tờ báo, trong đó có bài viết về tấm gương vượt khó của một cô gái tật nguyền vì nhiễm chất độc da cam. Hình ảnh cô gái ấy cứ ám ảnh tôi mãi. Và, chính bài báo này đã giúp tôi đứng dậy, vượt qua mặc cảm. Tôi nghĩ, mình không thể chết, nhưng nếu cứ sống như thế này, sẽ làm mẹ khổ hơn. Tôi dần bình tâm lại và quyết tâm…”.

Khoảng một năm sau ngày định mệnh ấy, cô Hoa bắt đầu trở lại với nghề cô đam mê từ nhỏ. Học trò đầu tiên được cô dạy dỗ, uốn nắn là cậu bé Trịnh Anh Tú, hàng xóm của cô. Trước đó, Tú không thể học tiếp vì mấy năm liền cứ “dậm chân” ở lớp một, trong khi gia đình Tú rất nghèo, cha mẹ không biết chữ.

Sau khi tìm hiểu, cô Hoa đề nghị cha mẹ em để cô kèm thử một thời gian xem sao. Và, thật bất ngờ, chỉ hơn một năm sau, bằng những nỗ lực, tình yêu thương, sự chỉ dạy tận tình, Tú tiến bộ vượt bậc, đã có thể đọc và viết tương đương các bạn đang theo học ở trường.

Sau 3 năm được cô Hoa kèm cặp, Tú đã đọc thông, viết thạo. Khi đó, cha mẹ định đưa Tú đến trường trở lại nhưng em bảo tuổi không còn nhỏ nên sẽ học cô Hoa thêm một thời gian nữa, rồi ở nhà kiếm việc phụ giúp cha mẹ.

Tiếng lành đồn xa, chẳng bao lâu sau, những đứa trẻ khác ở quanh xóm được gia đình đưa đến gửi gắm cô Hoa dạy học. Đến nay, lớp học của cô Hoa thường xuyên có 15 – 20 em. Tất cả đều là con em những gia đình nghèo, những em nhỏ tật nguyền, không có điều kiện đến trường. Và đều được cô Hoa dạy mà không đòi trả công.

“Vậy chắc cuộc sống của cô khó khăn lắm?”, tôi hỏi. Cô Hoa cười đáp: “Cũng không đến nỗi nào. Lúc trước tôi có góp tiền với người anh họ mua được một rẫy đất trồng cà phê ở Đơn Dương. Ảnh vẫn chia cho tôi một phần thu nhập từ rẫy cà phê này. Với lại, cha mẹ các em học trò biết hoàn cảnh của tôi, họ cũng hỗ trợ một phần”.

Riêng với các em học sinh khuyết tật, dù cha mẹ có tự nguyện, có năn nỉ được đóng góp, cô cũng kiên quyết từ chối. Đến nay, đã có cả trăm đứa trẻ được cô Hoa dạy dỗ. Trong số đó, nhiều em tự tin học tiếp lên lớp trên, nhiều em do lớn tuổi, chỉ biết đọc, biết viết rồi nghỉ, nhưng tất cả đều nên người.

Ấy là do cô Hoa không chỉ dạy các em kiến thức, mà còn dạy các em làm người.

Nguồn: nongnghiep.vn
Bệnh viện Hạnh Phúc