Học văn không hẳn là để viết hay như văn mẫu, học văn là để học cách yêu thương và ngắm nhìn cuộc sống.
Trẻ con tò mò về thế giới xung quanh còn người lớn thì lại tò mò về trẻ con. Người lớn lúc nào cũng muốn tỏ tường trẻ con biết điều gì, nghĩ ra sao, cảm thấy thế nào. Và mặc dù đã từng trải qua giai đoạn là một đứa trẻ, nhưng người lớn cũng không thể hiểu nổi tại sao trẻ con lại thế này, trẻ con lại thế kia, những ý tưởng, những câu hỏi và thậm chí những suy nghĩ của trẻ con sao lại ngô nghê và vớ vẩn đến vậy. Điều đó làm cho người lớn đôi khi cảm thấy bực bội, phiền hà và cũng có khi “bất lực” với những cảm xúc của trẻ con.
Phải làm thế nào để nhớ lại và để hiểu hơn về thế giới của trẻ con?
Khi trẻ con đến tuổi đi học, một trong những lo ngại lớn nhất của đa phần người lớn đó là con không chịu học, con học dốt, phải dạy con thế nào?…. Những bài văn miêu tả với người lớn thì thật đơn giản, ấy vậy mà với trẻ con sao khó đến vậy. Trẻ thường cắn bút hàng giờ cũng không thể viết được một bài văn. Là do trẻ con “dốt” hay do người lớn chưa biết cách khơi gợi cho trẻ con?
Phải làm sao bây giờ nhỉ?
Khi người lớn hiểu được trẻ con, thì việc hướng dẫn trẻ học tiếng Việt sẽ không hề khó:
- Trẻ con thích tưởng tượng nên hãy tận dụng tối đa điều này để khích lệ trẻ viết: Tưởng tượng và kể chuyện về một con mèo biết nói, về một con cá biết đi…
- Trẻ con cũng rất thích “thay đổi thế giới”, hãy cho chúng được thực hiện điều này nhờ việc viết ra: Nếu con làm bộ trưởng/ làm phi hành gia/ làm người máy… con sẽ làm những gì.
- Trẻ cũng cực kỳ thích những điều kỳ lạ, thú vị, hấp dẫn: Hãy tìm hiểu và viết lại về cái cây ăn thịt người/ động vật sống lâu nhất/ loài cây phát sáng.
- Và một điều đặc biệt, đừng ép buộc trẻ, hãy để trẻ học viết văn một cách tự nhiên nhất.
Sơ đồ tư duy học viết văn miêu tả cho trẻ
Hãy cùng trẻ từ bỏ những bài văn mẫu như hai mẹ con cậu bé Mắt Nhắm Tịt trong cuốn sách 10 ngày ngắm thế giới của Mắt Nhắm Tịt
Cậu bạn Mắt Nhắm Tịt giống như bao bạn nhỏ khác, cũng vướng phải một rắc rối với người lớn và với môn tiếng Việt. Cậu từng phải giận dữ xì khói vì không thể làm văn, chán ghét tiếng Việt và chỉ muốn nghỉ học ở nhà. Nhưng may quá, cậu đã không rơi vào ngõ cụt. Chuyện này dẫn tới chuyện kia, cuối cùng cậu và mẹ đồng ý ký kết một giao kèo, ở đó cậu sẽ có 10 ngày để mở “đôi mắt nhắm tịt” (vì ngao ngán và bế tắc) của mình ra nhìn ngắm thế giới và ghi lại những gì mình nhìn ngắm được. Cuộc hành trình 10 ngày sẽ dẫn cậu và mẹ tới đâu? Mời bạn cùng khám phá.
Hãy chuẩn bị tinh thần, nếu bạn là người lớn, có thể bạn sẽ nhớ ra rằng mình từng là trẻ con và ghen tị vì mình không còn là trẻ con nữa. Nếu bạn là trẻ con, bạn sẽ được làm quen với một cậu bạn vô cùng thú vị.
Quà tặng từ Mắt Nhắm Tịt nhân dịp ra mắt
Thế giới này to đùng và có biết bao điều kỳ thú chúng mình có thể ngắm nhìn và khám phá. Nhưng nếu chỉ ngắm nhìn và lãng quên thì thật là đáng tiếc, cậu hãy cùng chúng mình ghi chép chúng lại vào cuốn sổ tay này. Đến cuối hãy đọc lại xem cậu đã “thám hiểm” được những gì suốt hành trình khám phá của mình nhé.
Tiết lộ cho cậu hay: trong cuốn sổ này, Mắt Nhắm Tịt sẽ gửi tới cậu một vài thử thách để cậu trổ tài. Vượt qua được các thử thách là cậu đã rèn luyện được cho mình những phương pháp viết văn miêu tả đơn giản và hiệu nghiệm. Cuốn sổ tay này có thể trở thành bí kíp viết văn miêu tả của riêng cậu đấy!
Còn chần chờ gì nữa. Này “nhà thám hiểm”, hãy cầm bút lên và cùng học viết văn miêu tả với Mắt Nhắm Tịt nào!
(Nguồn: Thaihabooks)