Công bố của Viện Dinh dưỡng Quốc gia (Bộ Y tế) ngày 2-3-2013 làm các bà mẹ lo ngại: Hơn 50% trẻ em Việt Nam thiếu hụt các vi chất như vitamin A, B1, C, D và sắt trong khẩu phần ăn hằng ngày(*). TGGĐ đã trao đổi với bác sĩ Đào Thị Yến Thủy (Trung tâm Dinh dưỡng TP. HCM) về câu chuyện bữa ăn gia đình từ hiểu biết của một chuyên gia dinh dưỡng và cũng là một người mẹ.

Bác sĩ nghĩ thế nào về thông tin trên từ Viện Dinh dưỡng Quốc gia? Thực tế này ở Trung tâm Dinh dưỡng TP. HCM thì sao?

Thiếu vi chất như vitamin A, sắt, I-ốt đã là những vấn đề sức khỏe cộng đồng của nước ta từ nhiều năm nay. Một điều bất ngờ là dân xứ nhiệt đới nhiều ánh nắng như Việt Nam hoặc các nước lân cận như Thái Lan, Indonesia, Malaysia lại có tỷ lệ bị thiếu vitamin D khá cao.

Hiểu biết điều đó nên các chương trình phòng chống thiếu vi chất tại Việt Nam đã được triển khai trên toàn quốc với nhiều biện pháp như bổ sung viên thuốc, tuyên truyền về đa dạng thực phẩm… Tại Trung tâm Dinh dưỡng TP. HCM chưa có thống kê về tình trạng thiếu vi chất ở trẻ em đến khám. Tuy nhiên, cũng có thể nhận thấy rõ tình trạng thiếu máu do thiếu sắt, thiếu vitamin D còn khá phổ biến. Tình trạng thiếu vitamin A và thiếu I-ốt trên lâm sàng thì ít gặp hơn.

Theo bác sĩ, nguyên nhân sự thiếu thốn này do đâu?

Tình trạng thiếu vi chất là một tình trạng phổ biến xảy ra ở nhiều nước trên thế giới, kể cả những nước đã phát triển. Có tình trạng này là do bữa ăn gia đình chưa được hợp lý, đa dạng, chế độ sinh hoạt của trẻ em chưa khoa học, tình trạng ô nhiễm môi trường cũng dẫn đến bệnh lý nhiễm trùng, nhiễm ký sinh trùng làm trẻ bị thiếu vi chất.

Tác hại của việc thiếu vi chất có nghiêm trọng không, thưa bác sĩ?

Thiếu vitamin A sẽ làm trẻ chậm tăng trưởng, giảm sức đề kháng, dễ bị bệnh nhiễm trùng hô hấp, sởi, viêm da, tiêu chảy, khô da, khô mắt dẫn đến mù mắt… Thiếu sắt sẽ gây thiếu máu, dẫn đến giảm phát triển thể chất, trí lực và sức đề kháng ở trẻ. Việc thiếu vitamin D gây ra sự khó hấp thu can-xi, trẻ bị còi xương, đổ mồ hôi trộm, giật mình khóc đêm, rụng tóc, thấp lùn…

Hệ thống cửa hàng ăn uống, các hãng thực phẩm dinh dưỡng quảng cáo rất nhiều, vậy mà trẻ Việt Nam vẫn thiếu chất, điều này thể hiện điều gì trong lối sống, lối chăm sóc sức khỏe trẻ em ở ta, thưa bác sĩ?

Việc trẻ ăn không đủ chất có thể do kinh tế gia đình, cha mẹ chưa có điều kiện chăm lo đầy đủ về dinh dưỡng cho con. Nhưng cũng có những gia đình dư dả mà lại thiếu kiến thức, thiếu kỹ năng chăm sóc sức khỏe trong cách chế biến thực phẩm, chế độ sinh hoạt, quan niệm về dinh dưỡng… Trong đó, nguồn sữa, thức ăn thiên nhiên, vẫn là nguồn cung cấp dinh dưỡng và vi chất hàng đầu.

Có ý kiến cho rằng một số phụ huynh hiện nay quá bận rộn, không đủ thời gian ăn cơm cùng con, đừng nói tới chuyện quan tâm con thiếu chất gì. Bác sĩ nghĩ sao về điều này?

Đó là trách nhiệm của bố mẹ, không thể đổ thừa cho ai được.

Bác sĩ có thể chia sẻ câu chuyện thực tế về cách chăm sóc bữa ăn cho con mình? Một người mẹ là chuyên gia dinh dưỡng sẽ có cách chăm con về mặt ăn uống khác so với các bà mẹ còn lại?

Tôi nghĩ, là bác sĩ hay không, trước hết đều phải chăm sóc con bằng tình yêu thương của người mẹ. Vì ngoài kiến thức và kỹ năng chăm sóc, người mẹ còn cần dành nhiều thời gian để quan tâm đến con, làm gì có cái tâm thì mới đạt hiệu quả. Ai cũng bận rộn nhưng phải biết linh hoạt, không được cách này thì phải xoay cách khác…

Phần mình, tôi luôn cố gắng quan tâm đến từng bữa ăn của gia đình, cố gắng bảo đảm đa dạng thức ăn, bảo đảm đủ chất. Một bữa ăn đủ chất là đủ 4 nhóm thực phẩm: bột đường (60%), đạm (15%), béo (25%) và rau… Thỉnh thoảng, tôi cho con uống bổ sung viên sắt, kẽm, vitamin A dự phòng. Vào những ngày cuối tuần, cả gia đình cùng đi vận động ngoài trời như đánh tennis, đá banh, đi bộ…

(*): Khảo sát tình trạng dinh dưỡng khu vực Đông Nam Á do Viện Dinh dưỡng Quốc gia thực hiện trên gần 2.900 trẻ từ 6 tháng đến 12 tuổi tại Việt Nam. 

Theo Thegioigiadinh.com.vn

Bệnh viện Hạnh Phúc
Bệnh viện Hạnh Phúc