(Phụ Nữ Hiện Đại) – Trong công việc và cuộc sống, đôi khi ý kiến của bạn không được đánh giá cao. Nếu đó là một ý kiến tồi thì sẽ không có gì phải bàn khi nó không được cấp trên, đồng nghiệp xem trọng. Nhưng nếu đó là những ý kiến tích cực, có tính đóng góp và xây dựng mà vẫn bị “bỏ rơi” thì bạn nên ứng xử thế nào?

Giữ thái độ bình tĩnh

Khi bạn đưa ra ý kiến trong cuộc họp với nhóm, với sếp nhưng thường xuyên bị ngó lơ, điều này có thể khiến bạn mất bình tĩnh, nổi nóng hoặc rơi vào trạng thái bị tổn thương, tự ái. Tuy nhiên, tại thời điểm đó bạn hãy kìm chế cảm xúc cá nhân, giữ thái độ bình tĩnh và không phản ứng ngay lập tức.

Giữ bình tĩnh không có nghĩa là bạn không bao giờ tức giận, hay bạn chấp nhận sự việc và bỏ qua nó mà đó là cách giúp bạn đưa ra những ứng xử phù hợp theo chiều hướng tích cực. Bởi những phát ngôn trong thời điểm bạn bị cảm xúc chi phối có thể dẫn đến một loại các vấn đề về ngôn từ, hành động… làm cho sự việc trở nên trầm trọng. Vì thế bạn nên kiểm soát tốt cảm xúc không chỉ khi bị đánh giá thấp mà còn khi bất đồng ý kiến hay tham gia phỏng vấn tìm việc làm tại Đà Nẵng mới nhất, tại Hà Nội hoặc bất cứ nơi nào khác.

Suy xét lại bản thân

Người xưa có câu “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân”, có nghĩa nếu ý kiến của bạn không được xem trọng với tần xuất thường xuyên, hãy suy xét lại bản thân trước khi trách người khác. Vì vậy, bạn nên xem lại thái độ và cách ứng xử với đồng nghiệp, với sếp của chính bản thân bạn. Liệu có phải bạn đã “vô tình” truyền đi những cảm xúc tiêu cực khiến đồng nghiệp nghĩ bạn không thích họ và ngược lại. Liệu có sự hiểu nhầm nào đó trong mối quan hệ với đồng nghiệp và sếp khiến cho họ thấy khó chịu về bạn?

Hãy tìm cách nói chuyện để tháo gỡ những “hiểu nhầm” nếu có này với thái độ tích cực. Khi hiểu lầm được giải tỏa, mối quan hệ đồng nghiệp được cải thiện, được tin tưởng thì không có lý gì ý kiến của bạn lại không được đánh giá cao, dù đó là ý kiến về công việc chuyên môn hay những ý kiến xã hội khác. Còn nếu không phải là hiểu lầm, bạn cũng có thể tìm thấy nguyên nhân ý kiến của bạn không được coi trọng để bạn tìm ra cách ứng xử phù hợp.

Nâng cao hiệu quả công việc

Khi sếp, đồng nghiệp chưa tin vào năng lực, hiệu quả công việc của bạn, họ có quyền không xem trọng ý kiến của bạn. Khi chưa có lòng tin ở bạn, rất khó để họ tin tưởng, tập trung lắng nghe ý kiến của bạn dù bạn cho rằng ý kiến đó tốt hơn, nổi trội hơn đồng nghiệp. Bởi vậy, trong trường hợp bạn nghĩ sếp không xem trọng ý kiến của bạn do bạn chưa xây dựng được lòng tin thì nâng cao hiệu quả công việc là điều bạn cần làm. Hãy luôn làm đúng thời hạn công việc được giao và nỗ lực hết mình để đạt thành quả tốt nhất. Năng lực cần phải ổn định qua thời gian để thể hiện bạn là nhân viên đáng tin cậy.

Thẳng thắn đặt câu hỏi

Khi những đề xuất và yêu cầu của bạn vẫn liên tiếp bị bỏ qua với những lý do không thỏa đáng. Bạn không thể làm việc tốt với một tâm trạng nặng nề và sự hoài nghi. Và bạn gặp khó khăn liên tiếp trong công việc thì thẳng thắn đặt câu hỏi với sếp là điều nên làm. Hãy lịch sự hẹn sếp để trao đổi trực tiếp vấn đề và tìm ra nguyên nhân, khi đó bạn sẽ có được cách ứng xử phù hợp nhất. 

Xem xét tìm một môi trường mới

Cải thiện mối quan hệ, nâng cao hiệu suất công việc, xây dựng lòng tin… kể cả khi bạn đã đặt câu hỏi trực tiếp mà vẫn bị “ngó lơ” thì có lẽ bạn nên cân nhắc đến việc tìm một công việc khác, một môi trường khác để làm việc và cống hiến.

Trong trường hợp này, bạn cũng hãy hành động thật khéo léo để không làm mất đi những nỗ lực của bản thân trong suốt thời gian làm việc tại công ty bằng cách không nói xấu sếp, không nói xấu công ty, giữ nguyên tinh thần, tác phong làm việc cho đến ngày cuối cùng theo đúng quy định.

Được sếp, được đồng nghiệp ý kiến và đánh giá cao đồng nghĩa với việc năng lực, phẩm chất của bạn được ghi nhận, điều đó giúp bạn đặt được viên gạch đầu tiên trên con đường thăng tiến của mình trong công ty. Nhưng nếu như không có được điều đó sau tất cả những cố gắng và nỗ lực thì có lẽ đó là môi trường không phù hợp với bạn.

                                                                                 Nguyễn Lý

*Nội dung được thực hiện theo ĐKKD của C.A.M Media

Bệnh viện Hạnh Phúc