Hơn hai mươi năm trồng sứ, nghệ nhân Nguyễn Phúc Ánh (Út Ánh) được giới chơi kiểng xưng tụng với cái danh “Vua sứ”. Chính niềm đam mê quá lớn với loài hoa quanh năm rực rỡ này đã đưa ông đi khắp mọi nơi để sưu tầm mà không hề biết đến “mỏi gối chùn chân”.
Không chỉ sưu tầm các giống sứ thuần chủng, cấy ghép và lai tạo thành công hàng trăm loài sứ mới, Út Ánh còn là người thầy của rất nhiều thế hệ kinh doanh cây kiểng tại Sài Gòn.
Chúng tôi có dịp gặp nghệ nhân Út Ánh tại vườn sứ ngập sắc màu ngay dưới chân cầu Bình Điền (Ấp 1, xã An Phú Tây, huyện Bình Chánh, TP. Hồ Chí Minh). Dưới cái nắng oi ả của buổi trưa tháng sáu, chúng tôi hết sức ngạc nhiên bởi những cây sứ nơi đây vẫn thi nhau đua nở mặc sự khắc nghiệt của thời tiết.
Nghệ nhân Út Ánh giới thiệu với PV những cây sứ có dáng thế đẹp.
Nghệ nhân Út Ánh chia sẻ, ngay từ khi còn nhỏ ông đã yêu thích thú chơi chim, lớn lên ông mê chơi đá phong thủy, mê sưu tầm đồ cổ… Thế nhưng thứ làm ông mê mẩn nhất vẫn là cây hoa sứ. Thuở ấy, ông lặn lội khắp Bình Thuận, Bù Đăng, Bù Đốp… để bẫy chim, không rừng nào không đi qua, không núi nào không đặt chân tới. Sự mê chim đó tưởng như không có gì hoán đổi được nhưng rồi trong những lần đi bẫy chim ngang qua vườn sứ đầy hoa, Út Ánh lại không tài nào cầm lòng nổi. Ông đứng trân trân nhìn vườn hoa sứ của người ta mà trong lòng thầm ao ước “giá mình cũng có được một vườn sứ đẹp như thế”. Nói là làm, sau những ngày làm việc, nghệ nhân Út Ánh lại tìm mua sứ về trồng ở mảnh sân trước nhà, và có lẽ cái duyên với sứ của ông cũng từ đó mà bắt đầu.
“Nghe đâu có sứ đẹp là xách xe đi”
Đứng bên cây sứ có tên Huyết Long, nghệ nhân hồi tưởng lại cả quãng thời gian trồng sứ của mình: Bắt đầu từ năm 1991, ông đã đi tìm mua ở khắp các tỉnh miền Trung và đồng bằng Sông Cửu Long những cây sứ có nguồn gốc từ Thái Lan. Hồi đó, mỗi cây sứ có giá từ 1-2 triệu đồng, gấp đôi số tiền mà ông kiếm được từ việc kinh doanh nhưng ông vẫn mua nó. Lúc ấy, gia đình một mực phản đối khi ông đến với nghề chơi hoa sứ cảnh này, nhưng ông vẫn tìm mọi cách để thỏa mãn niềm đam mê mãnh liệt của mình.
Bà Đỗ Ngọc Quyên, vợ ông, nhớ lại: “Cách đây hơn 15 năm, khi nghe tin ở Tiền Giang có một gốc sứ đẹp, ông nhất quyết đi xem. Hôm đó ông dậy sớm, nôn nóng để đi Tiền Giang. Đến nơi, thấy sứ đẹp ông ngỏ ý muốn mua. Người chủ vườn đòi bán cây với giá 12 triệu đồng, tương đương 3 cây vàng lúc bấy giờ. Thấy mắc quá, tôi bàn ra, thế mà vài hôm sau đã thấy cây sứ ấy trong vườn. Thì ra, ông đã mượn tiền của bạn bè để mua bằng được cây sứ đem về”. Đáp lại câu chuyện của vợ, nghệ nhân Út Ánh nở một nụ cười rất tươi: “Hồi đó, hễ nghe đâu có sứ đẹp là tôi phải xách xe máy đi kiếm cho bằng được dù là xa đến mấy, cũng bởi vậy mà sứ, kiểng ở đâu tôi cũng biết giá, biết gốc”.
Cứ như thế suốt bấy nhiêu năm, dần dần khu vườn rộng gần 6000m2 của vợ chồng ông được bao phủ bởi hàng trăm loài sứ từ khắp mọi miền đất nước, trong đó không ít cây có tuổi bằng chính tuổi đời 60 của ông. Trong khu vườn đó, chúng tôi còn bắt gặp những giống sứ mới như Thần Tài, Kỳ Duyên, Bạch Tiên Nữ, Long Thành… đang nở hoa khoe sắc. Đặc biệt, nhiều gốc sứ to có hình thù kỳ lạ mà phải mất nhiều thời gian, công sức, nghệ nhân Út Ánh mới tạo được dáng đẹp như thế.
Giới thiệu với tôi cây sứ đang trổ bông mà trên bông có nhiều tầng nối nhau rất đẹp, ông tự hào: “Đây là giống sứ mới tôi vừa sưu tầm được. Tôi đặt tên cho nó là Phúc Ngọc trùng với tên của vườn nhà. Với tên gọi này, tôi muốn tri ân vợ mình, người có chung niềm đam mê yêu loài hoa sứ với tôi trong suốt nhiều năm qua”.
Đối với ông, vườn sứ chính là tài sản lớn nhất, biết bao công sức, tâm huyết cả đời ông đặt hết vào đó. Trồng sứ để thỏa mãn đam mê nên nghệ nhân Út Ánh không đặt nặng vấn đề kinh doanh, với ông, mỗi gốc sứ là một đứa con tinh thần, gặp người có tấm lòng với sứ ông mới tin tưởng trao cho “đứa con” của mình. Mỗi khi trong lòng có ưu tư phiền muộn hay ốm đau bệnh tật là ông lại ra vườn: “Lạ lắm, hễ cứ nhìn thấy sứ, được cầm dao uốn tỉa và chăm bón cây là mọi ưu phiền trong lòng tôi tan biến hết, sức khỏe cũng dần được hồi phục”.
Từ những cây sứ lớn đến những cây nhỏ xíu đều được nghệ nhân Út Ánh chăm chút tạo hình tỉ mỉ.
Người thầy của giới chơi kiểng
Suốt hơn hai mươi năm trồng sứ, những kinh nghiệm mà nghệ nhân Út Ánh đúc kết được đã trở thành tài liệu vô giá cho ngành hoa kiểng nước nhà, là từ điển sống cho thế hệ trẻ khởi nghiệp. Nhớ lại những ngày mới vào nghề, nghệ nhân Út Ánh kể: “Lúc mới trồng tưởng chăm bón kỹ là tốt, ai ngờ mình bón phân tưới nước nhiều làm cây thối rồi chết làm tôi tiếc đứt ruột, kể từ đó tôi quyết tâm học cách chăm bón cho cây”.
Theo ông, cây sứ nguyên liệu cần có rễ đều, thân một cốt, tàng phân chia đồng bộ theo hình tháp và bộ củ phải cân xứng thì mới dễ dàng tạo dáng, tạo củ. Sứ thích hợp với vùng nhiệt đới, chỉ cần tưới nước vừa đủ để rễ thở và hấp thụ là cây có thể phát triển bình thường. Khi cây sứ bị thối trong rễ thì chỉ cần dùng dao nhỏ cắt phần rễ bị đen đi. Nếu cây bị thối ngoài thân và củ thì chỉ cần nạo cho hết vết đen rồi dùng xi măng khô trát lên chỗ vừa cạo, cây sẽ từ từ liền lại. Khi ghép, sứ cần được giữ khô, tránh ẩm ướt. Ghép xong, phải dùng bao nhựa hay giấy báo phủ gốc lại để nhanh ra rễ. Sứ nên ghép vào mùa khô, hoặc khoảng tháng 8, tháng 9. Ghép xong khoảng 2-3 tháng sau, sứ sẽ ra hoa đúng vào dịp tết.
Sau nhiều năm trồng và ghép hoa sứ, ngoài những tác phẩm hoa sứ quanh vườn, nghệ nhân Út Ánh còn vinh dự được nhận nhiều bằng khen qua các hội thi, năm 1994 ông đạt huy chương vàng của Hội hoa xuân thành phố Hồ Chí Minh. Dù sớm thành công nhưng ông không ham cuộc sống vật chất mà ngược lại, ông thường dành thời gian thư giãn bên mảnh vườn xanh của mình. Ngồi bên ly trà, nghệ nhân Út Ánh trầm ngâm về cuộc đời, vợ chồng ông lấy nhau đã hơn 30 năm nhưng rủi đường con cái, giờ tuổi đã cao cộng thêm cơn bạo bệnh 5 năm trước khiến cho sức khỏe ông yếu dần. Có lẽ cũng vì thế mà ông luôn muốn truyền lửa cho thế hệ trẻ và tận tình giúp đỡ cho những người có tâm với sứ. Ông tâm sự: “Mình già rồi, cũng sẽ đến lúc không còn đủ sức để theo mãi với cái nghiệp này, rồi sau, lớp trẻ sẽ thay mình nối tiếp cho đam mê đó”.
Từ năm 1990 nghệ nhân Út Ánh bắt đầu đam mê chơi kiểng và dần dần tham gia các câu lạc bộ, hội nông dân, Hội Sinh vật cảnh nhằm truyền đạt kiến thức, kinh nghiệm của mình cho những hộ kinh doanh sứ, kiểng, hiện tại ông là Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh. Ngoài ra, nghệ nhân Út Ánh còn tham gia nhiều năm trong Câu lạc bộ Bonsai của trường Đại học Khoa học -Tự nhiên, hàng năm ông đều mang sứ đi trưng bày tại Hội hoa xuân thành phố để người dân cùng chiêm ngưỡng và học hỏi.Vườn kiểng của nghệ nhân Út Ánh đã mở đường cho những mô hình kinh tế hiệu quả tại Bình Chánh. Nhờ sứ, nhiều hộ dân tại Bình Chánh đã vươn lên thoát nghèo, từng xã hình thành Câu lạc bộ hoa sứ giúp nhau cùng phát triển.
Một số loài hoa sứ tuyệt đẹp trong vườn nhà nghệ nhân Út Ánh.
Nghệ nhân Út Ánh tâm niệm: “Muốn thành công trong bất kỳ việc gì cũng phải có đủ bốn yếu tố: cái tầm, cái duyên, niềm đam mê và đồng tiền”. Ông đến với sứ bắt đầu từ đam mê, trồng sứ rồi mới biết mình có duyên với sứ, bao nhiêu giống sứ dưới bàn tay chăm sóc, uốn tỉa của ông đều trở thành tuyệt tác. Trước biết bao biến động của thời gian và kinh tế thị trường, nghệ nhân Nguyễn Phúc Ánh vẫn hàng ngày hàng giờ miệt mài với sứ, không màng tới tiền tài danh vọng. Những bon chen, hối hả của đất Sài thành cũng không thể cuốn con người ông vào vòng xoáy khôn lường của nó, chính điều đó đã làm nên tên tuổi một Nguyễn Phúc Ánh tài hoa, một “Đệ nhất hoa sứ” Sài Gòn.