Có thể nói, bây giờ internet len vào từng ngóc ngách gia đình, không chỉ “nhà có điều kiện” mà gia đình thu nhập trung bình cũng có thể nối mạng, để con cái tiện học hành, giao lưu bạn bè… Ngay cả ra ngoài chợ cũng dễ dàng thấy chiếc điện thoại di động có nối mạng 3G hiện diện trên tay từng người bán hàng những lúc vắng khách. Từ đó các kênh thông tin cũng phải chạy theo tốc độ của net, “bỏ hoang” không cập nhật một giờ coi chừng “mất khách”. Dẫn đến tính cạnh tranh thông tin (nhanh và chính xác) giữa các nguồn cung cấp. Thông tin trên internet nhiều lúc gây nhiễu, phiền toái cho cả xã hội và gia đình.
Thế nhưng, internet đôi khi cũng giúp các thành viên trong gia đình “gần” nhau hơn, giải quyết được những vấn đề mà chưa chắc nói chuyện trực tiếp đã giải quyết được.
Bữa nọ, cô vợ bỗng dưng nhận được email của chồng. Một văn bản đính kèm dài ba trang. Vợ ngạc nhiên lắm vì tính chồng lâu nay thâm trầm, ít nói, sao bây giờ lại thế này!
Đầu thư chồng thổ lộ, muốn bàn bạc với vợ một việc quan trọng, nhưng biết tính vợ nóng nảy, chưa suy nghĩ thấu đáo đã vội có ý kiến, sợ sẽ làm hỏng việc. Chồng mong vợ hãy đọc chậm và kỹ thư chồng và trả lời lại cho chồng qua email. Thời gian không vội, chỉ mong vợ cho ý kiến sau khi suy nghĩ kỹ.
Đọc đoạn đầu chồng viết, vợ rất bực mình vì ý chồng nói là không ai đoán trước được tương lai của mình. Tuy bây giờ chồng mạnh khỏe, nhưng làm sao biết được có một bệnh nan y nào đó tiềm ẩn hay đột nhiên tai họa ập đến. Vốn là người lạc quan nên vợ rất khó chịu và đâm suy nghĩ mông lung.
Thế nhưng, đọc tiếp vợ thấy chồng trình bày khá hợp lý. Ý là chồng đã lớn tuổi, con lại còn nhỏ. Bây giờ chồng còn làm ra tiền, nhưng mai mốt biết thế nào, nhất là thời buổi cạnh tranh khốc liệt, thương trường chứa nhiều yếu tố rủi may.
Và sau đó là một kế hoạch rất chi tiết của chồng về việc vay tiền ngân hàng để xây một khu nhà cho thuê trên khu đất chồng mua từ lâu. Với kế hoạch này gia đình sẽ phải thế chấp nhà, vay ngân hàng và trả dần trong thời hạn bao nhiêu năm. Sau đó, thu nhập hằng tháng sẽ đủ trang trải cho con đi học nước ngoài, nếu muốn.
Vợ đọc xong mà choáng váng vì những con số vợ không ngờ đến. Vợ hiểu ra, lý do chồng gửi thư này. Chồng biết tính vợ và vợ cũng chắc chắn rằng, nếu hai vợ chồng cùng ngồi bàn bạc với nhau thể nào vợ cũng sẽ bác ngay lập tức vì nhiều tiền quá. Đọc lại lần thứ hai vợ càng hiểu ra sự thâm trầm của chồng và càng nể phục chồng hơn. Anh làm một kế hoạch rất kỹ càng, phân tích thuận lợi và khó khăn kể cả yếu tố rủi ro nếu vấp phải cũng sẽ có phương án giải quyết. Vợ càng thấy chồng mình bản lĩnh và nghĩ xa hơn cho tương lai các con. Thậm chí, chồng còn dự phòng trường hợp, nếu trong hai vợ chồng có mệnh hệ gì thì người ở lại vẫn chu toàn được cho con.
Tuy nhiên, sau khi đọc lại lần thứ ba, vợ mới bắt tay vào viết “phản biện”. Vợ phân tích thuận lợi và khó khăn. Vợ “ngả bài” cho chồng biết hiện tài khoản vợ có bao nhiêu, chồng có bao nhiêu. Nếu thực hiện sẽ vay ngân hàng bao nhiêu… Để tránh rủi ro, vợ đưa ra con số vay thấp hơn của chồng nhằm rút ngắn thời gian trả nợ mà vẫn đảm bảo sinh hoạt cho gia đình và nuôi các con ăn học…
Cũng phải mất hai đêm vợ mới xong bài “phản biện” và email phản hồi cho chồng.
Email qua lại, cuối cùng một kế hoạch được cả hai thống nhất và dự định triển khai. Vợ nói: “Vợ chồng không một lời tranh cãi, giận hờn, hơn thua, được mất. Tất cả nhờ email. Nếu không có email, chắc chắn còn lâu mới thống nhất được việc lớn”.
Mới hiểu ra nhiều cặp vợ chồng thường sử dụng tin nhắn cho nhau dù gặp nhau hằng ngày. Là bởi, đôi khi sự hiện diện một phương tiện trung gian nhanh chóng giúp người ta dễ giãi bày hơn. Kể cả việc xin lỗi, làm lành với nhau cũng dễ bày tỏ mà không sợ “quê” với đối phương, hiệu quả hơn so với trực diện và nói thẳng với nhau bởi con người đôi lúc khó kiềm chế cảm xúc, mà cảm xúc thì luôn đa dạng dễ khiến “xôi hỏng bỏng không”.
Theo Kim Duy (DNSGCT)