Vợ cháu kiên quyết không “phây phiếc” gì, chỉ chấp nhận cháu “lả lướt” trên đó thôi. Sao là lả lướt được hở cô? Đẳng cấp người, công việc và mọi thứ quan hệ đều ở trên đó kia mà?… 

Cô Dạ Hương kính! Cháu là đàn ông “đi cày” để nuôi gia đình, nhiều áp lực mỗi ngày. Cháu chủ trương mô hình chồng cày cục, vợ ở nhà chăm con, nội tướng gia đình. Vợ cháu là người có bằng cấp nhưng khi cưới xong, cô ấy có bầu và ở nhà nuôi con nhỏ. Đẻ đứa đầu, ba năm sau đẻ nốt đứa thứ hai cho đủ cơ số, con nhỏ đi mẫu giáo thì vợ cháu cũng thấy mình tụt hậu.

Cháu không tuyên ngôn gì sớm, để vợ tự nguyện thì mới không có hậu quả. Đúng như cháu mong đợi, cô ấy quyết định, thôi, ở nhà, cơm ngon canh ngọt, một người lao ra đường là đủ. Ban đầu ba mẹ vợ rất phản đối. Lúc sau lưng, lúc nói thẳng với cháu. Bạn bè cũng trách cứ rồi họ tách dần, vợ cháu có bạn bè mới là hàng xóm, là phụ huynh của hai đứa con nhà cháu. Dần cháu đã chứng minh được, nếu vợ đi làm mà thu nhập chỉ để mua mỹ phẩm và thuê người giúp việc thì cháu cố tí vẫn hơn. Giờ thì ổn cả nhưng Tết này có một việc bắt đầu khiến cháu thấy không ổn cô ạ. Số là con gái nhỏ của cháu năm nay học lớp 7, dậy thì từ năm ngoái.

Nó lớn nhanh như bầu bí, cháu đi công tác vắng một tuần thì về lại thấy ngỡ ngàng như trong nhà có cô bé khác. Cháu phó thác mọi thứ cho vợ. Nhưng không nghĩ thời của facebook đã làm cho các thế hệ trong gia đình đã thay đổi, thậm chí chồng mở “phây” mà vợ vẫn cứ e-mail như trước thì không thể bắt kịp chồng. Hai con của cháu đều say mê thế giới phẳng, vợ cháu thì phản đối vì thời gian của những người thân cho mình ít hẳn đi. Hôm đưa các cháu về nhà ngoại, ở đó có một nhóm chị em họ hàng của con gái cháu đều lập facebook và chúng nó chụp ảnh cho nhau, lên “phây”. Con gái cháu đặt tên bức ảnh buồn của nó “Hết chịu nổi rồi đây”.

Thế là bà con bên nhà cháu phát hiện, một phen dậy sóng hết cả. Ai cũng sợ bởi những cơn buồn của thiếu nữ rất dễ mất kiểm soát. Truy ra liền biết đó là một trò đùa. Quá tai hại đúng không cô? Cháu dập con một trận te tua. Nhưng thâm tâm cháu trách vợ đã không theo sát con như cháu nghĩ. Vợ chồng cháu bắt đầu mâu thuẫn về lối sống, cháu khăng khăng giống mọi người trẻ hiện đại, thằng con trai đang học lớp 10 của cháu đã có “phây” từ hồi cấp 2 mà có sao đâu? Cô ấy thì kiên quyết không phây phiếc gì, chỉ chấp nhận cháu “lả lướt” trên đó thôi. Sao là lả lướt được hở cô? Đẳng cấp người, công việc và mọi thứ quan hệ đều ở trên đó kia mà? Cháu không thuyết phục được vợ, cháu cậy đến cô đây, thưa cô.

——————– Cháu thân mến!

Trước hết, nói về mô hình “chồng cày – vợ nội trợ”. Cô không phản đối công thức sống đó, thậm chí nhiều lần cô còn đánh giá nó thỏa đáng với những phụ nữ bằng cấp vừa phải và có khuynh hướng an phận. Thời nay nữ quyền mạnh, phụ nữ hiện đại thích bon chen, thao lược, đánh Nam dẹp Bắc. Đời sống mới là phải vậy, gì đàn ông làm được thì nữ cũng làm không kém. Nhưng tùy vào hoàn cảnh từng nhà, nếu vợ đi làm mà chỉ đủ tiêu vặt và thuê người giúp việc thì cũng nên xem lại vợ có đi làm hay ở nhà.

Một người mẹ nội trợ vẫn tốt cho không khí, sức khỏe và cả tinh thần ổn định cho chồng con, nhất là khi các con còn nhỏ, đang tuổi lớn. Thế nhưng ở nhà không có nghĩa là tụt hậu. Xem ra vợ cháu đã tự phỉnh mình và cô ấy đã dần tụt hậu. Người ngoài nhìn mới biết người đó tụt hậu. Ví như ngại đi siêu thị, ví như ngại ăn mặc đẹp (do lười), ví như không màng tới iPad hay vẫn trung thành với điện thoại “cục gạch” (do tiếc tiền). Dĩ nhiên không có smartphone thì làm sao có thể có phây phiếc được. Rất nên dẻo mềm động viên vợ chấp nhận sống như mọi người của đô thị. Đừng để cảnh chưa già mà con cái nó qua mặt, thậm chí xem mình như một vai hề. Có từ chối được tiện nghi kỹ thuật số không? Không đâu, nhưng phải tiết chế. Cháu phải làm gương, đừng “cắm mặt” vào màn hình điện thoại khi ở bên vợ bên con. Và đừng phó thác con cho vợ, nhất là bây giờ con trẻ dễ bị lôi cuốn vào cuộc sống ảo.

Ỷ mình là trụ cột thu nhập rồi xem vợ như nhà quản lý thì chính mình sẽ mờ nhạt vai trò người cha. Sự kiện con gái của cháu kêu buồn trên “phây” cần được xem như một cột mốc của thông tin với nhau và cuộc đời con gái của nó. Để mắt tới con mỗi giờ còn chưa ăn thua huống chi cháu lo “cày” để quên hẳn con cho cô vợ có biểu hiện dị ứng với thế giới phẳng. Cô tin rồi vợ cháu cũng phải có điện thoại đắt tiền và cũng mê “phây” như mọi phụ nữ trẻ. Vấn đề là thời gian mà thôi. Ai chịu làm cụ khi mới vào trung niên thôi, chắc không ai dại như vậy. Hãy cho cô ấy thấy tình cảm gia đình vẫn như xưa khi ba người trong nhà có “phây” mà không quên vợ và mẹ. Có khi cô ấy âm thầm chầy chống để cho chồng và con “một bài học” chăng?

 Theo DẠ HƯƠNG/ NongNghiep.vn

Bệnh viện Hạnh Phúc