Theo kết quả nghiên cứu khoa học của Viện nghiên cứu Xã hội, Kinh tế, Môi trường (ISEE) và một số cơ quan khác, hiện tại Việt Nam có khoảng 1,65 triệu người đồng tính trong độ tuổi từ 15 – 59.

Sáng nay 26/3, ISEE tổ chức hội thảo về “Hôn nhân đồng giới” tại khách sạn Pulman, Hà Nội. Hội thảo đã nêu rõ cộng đồng người đồng tính ở Việt Nam khá đa dạng như một xã hội thu nhỏ. Việc công khai xu hướng tính dục thực đang trở nên phổ biến và việc các cặp đôi cùng giới sống chung như vợ chồng là hiện tượng xã hội đang diễn ra ở nước ta hiện nay. Vì chưa được pháp luật công nhận hôn nhân đồng tính nên tình trạng sống chung như vợ chồng của những cặp cùng giới rất khó kiểm soát.

Trước thực tế này, tháng 5/2012, Chính phủ đã tiến hành tham vấn việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hôn nhân và Gia đình và quyết định đưa nội dung hôn nhân cùng giới vào xem xét trong dự thảo. Và cho đến nay, việc cho phép hay không cho phép kết hôn cùng giới về mặt pháp luật đang là vấn đề gây tranh cãi với nhiều quan điểm khác nhau.

 p2

Quang cảnh buổi hội thảo

Từ thực tế đó, ISEE đã thực hiện một cuộc khảo sát với quy mô lớn nhất từ trước đến nay nhằm trưng cầu ý kiến của người dân về việc sửa Luật Hôn nhân và Gia đình liên quan đến công nhận hôn nhân cùng giới (HNCG) từ tháng 4 – 10/2013.

Theo đó, tổng số người được hỏi, có 72% người cho rằng việc hợp pháp hóa HNCG không ảnh hưởng đến gia đình họ. 33,7 % ủng hộ việc hợp pháp hóa HNCG.

Về việc công nhận quyền chung sống như vợ chồng của những người cùng giới tính, số người ủng hộ và không ủng hộ tương đương nhau. Số còn lại đang lưỡng lự, không quan tâm hoặc không cho ý kiến. Và trong những trường hợp có quen biết người đồng tính, xác suất ủng hộ hợp pháp hóa HNCG lớn gấp đôi so với các trường hợp không quen biết. Điều này cho thấy việc xuất hiện công khai, sống thật của người đồng tính có tác động tốt đến thái độ ủng hộ của xã hội.

Từ những kết quả nghiên cứu trên, ISEE đưa ra một số kiến nghị: Luật Hôn nhân và Gia đình nên bỏ điều cấm HNCG trong điều khoản liên quan đến việc kết hôn. Xét về lâu về dài, hợp pháp hóa hôn nhân bình đẳng, không phân biệt giới tính vẫn là cách giải quyết bình đẳng, tiến bộ và triệt để nhất. Nếu chưa thể hợp pháp hóa HNCG, Luật nên hợp pháp hóa hình thức sống chung như vợ chồng của những người cùng giới tính, có thể kết hợp ở hình thức dân sự hoặc đăng ký chung sống như vợ chồng…

Nguồn: Ngọc Diệp/Petrotimes.vn

Bệnh viện Hạnh Phúc