PV: Thưa giáo sư, tim mạch đang thực sự trở thành nỗi lo ngại của nhiều người, kể cả người trẻ. Ông có thể cho biết thực tế căn bệnh này ở Việt Nam hiện diễn biến như thế nào?
GS.TS Đỗ Doãn Lợi, Viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam |
GS.TS Đỗ Doãn Lợi: Theo Tổ chức Y tế Thế giới, bệnh tim mạch hiện là nguyên nhân gây bệnh tật và tử vong hàng đầu trên phạm vi toàn cầu và đang có xu hướng gia tăng nhanh chóng tại các nước đang phát triển. Những số liệu gần đây cho thấy, số người mắc bệnh tim mạch tại các nước đang phát triển thậm chí còn cao hơn tại các nước phát triển.
Đáng chú ý khi bệnh tim mạch đang có chiều hướng gia tăng ở người trẻ tuổi. Trước đây, nếu 50 tuổi trở lên mới mắc tăng huyết áp, bệnh mạch vành, tai biến mạch máu não… thì bây giờ bệnh tim mạch đã xuất hiện ở những người 30-40 tuổi và không ít bệnh nhân trẻ tuổi hơn.
Ở Việt Nam, theo điều tra mới nhất của Viện Tim mạch Việt Nam thì tỷ lệ mắc bệnh tim mạch đang tăng lên với tốc độ khủng khiếp và nguy cơ tử vong rất cao, như bệnh nặng nhồi máu cơ tim, bệnh phình vỡ động mạch chủ. Nhiều bệnh nhân suy tim do tăng huyết áp. Tăng huyết áp vừa là bệnh lý, vừa là yếu tố nguy cơ của các bệnh tim mạch.
Lâu nay, chúng ta sợ bệnh ung thư, sợ tai nạn giao thông, nhưng số tử vong do ung thư chỉ chiếm 18%, còn tử vong do tim mạch chiếm 33% tổng số tử vong. Mỗi năm, số người chết do tai nạn giao thông là 9.000-10.000 người, nhưng tử vong do bệnh tim mạch khoảng 200.000 người/năm. Minh chứng tại Viện Tim mạch Việt Nam, mỗi ngày có 700-800 người đến khám, trong đó số phải vào điều trị nội trú chiếm 8-10%. Chưa kể, hằng ngày tại Viện Tim mạch có khoảng 500 bệnh nhân điều trị nội trú. Theo Bộ Y tế, bệnh tim mạch nằm trong top 10 bệnh có số mắc và tử vong cao nhất hằng năm.
PV: Vì sao lại có sự “tăng tốc” khủng khiếp đối với bệnh nhân tim mạch, đặc biệt là ở giới trẻ như vậy, thưa giáo sư?
GS.TS Đỗ Doãn Lợi: Tôi cho rằng, đây là việc cần phải cảnh báo, bởi như đã nói ở trên, bệnh nhân mắc bệnh tim mạch thường ở độ tuổi 50-90, nhưng hiện nay nhiều bệnh nhân trẻ ở độ tuổi thanh niên 30-35 cũng tử vong do nhồi máu cơ tim. Riêng tại Viện Tim mạch Việt Nam, số lượng bệnh nhân trẻ 25-40 tuổi đến khám và điều trị ngày càng tăng, chiếm tỷ lệ cao ở nam giới. Đã có con số thống kê là 47,3% là ở người trên 25 tuổi.
Nguyên nhân số bệnh nhân tim mạch tăng là do thói quen sử dụng thuốc lá, bia rượu, áp lực cuộc sống, ăn uống, nghỉ ngơi, sinh hoạt không điều độ, thiếu vận động, béo phì, nhất là ở những người trẻ tuổi, dẫn tới béo phì, tăng huyết áp. Trong các bệnh tim mạch, nhồi máu cơ tim có tỷ lệ tử vong cao nhất, tiếp đó là biến chứng mạch máu do mỡ đóng trong thành mạch máu. Bệnh này thường gặp ở người cao tuổi, khi thành mạch lão hóa, mỡ đóng trong thành mạch, gây ra xơ vữa nên khi huyết áp cao khiến mạch máu giãn dần và vỡ ra. Dự báo trong vòng 20 năm tới, bệnh tim mạch vẫn là một trong những căn bệnh gây tử vong hàng đầu.
PV: Đối với những bệnh nhân tim mạch được coi là bệnh “nhà giàu” do những nguyên nhân mắc bệnh, nhiều người cho rằng rất khó chữa, chỉ “chờ chết” chẳng khác gì bệnh ung thư. Là người trong ngành, ông nhận định như thế nào về điều này?
GS.TS Đỗ Doãn Lợi: Là đơn vị đầu ngành trong lĩnh vực tim mạch, hiện Viện Tim mạch đã ứng dụng thành công nhiều kỹ thuật cao về chẩn đoán và điều trị bệnh tim mạch mà các nước đang làm: các kỹ thuật cao về xử lý tắc động mạch vành, nhồi máu cơ tim, nong động mạch vành, đặt stent động mạch vành, khoan phá mảng xơ vữa, siêu âm trong lòng mạch đánh giá tổn thương mạch để nong và đặt stent cho đúng. Viện đã triển khai kỹ thuật khoan phá các mảng xơ vữa cho bệnh nhân bị thành mạch vôi hóa nhiều, hay kỹ thuật can thiệp tim bẩm sinh, chữa các loại rối loạn nhịp tim bằng tim mạch can thiệp với ống thông, điện cực, chữa bệnh phình động mạch chủ… thay vì phải mổ hoặc chấp nhận vì không điều trị được như trước.
Đặc biệt, chúng tôi cũng đã bắt kịp tốc độ của thế giới trong việc ứng dụng tế bào gốc trong điều trị tim mạch, điều trị tăng huyết áp kháng trị bằng đốt thần kinh giao cảm ở động mạch thận, thay van động mạch chủ không cần mổ; thay van hai lá qua mổ nội soi… Với các kỹ thuật phẫu thuật để làm cầu nối qua chỗ hẹp, điều trị bệnh van tim ở người lớn tuổi chúng tôi cũng đã có nhiều kinh nghiệm. Các bác sĩ ở viện hoàn toàn làm chủ kỹ thuật thay van bằng ống thông vào mạch máu cho những bệnh nhân bị suy các chức năng tim mạch…
PV: Như vậy là bệnh tim mạch có thể phòng và điều trị được phải không thưa giáo sư?
GS.TS Đỗ Doãn Lợi: Cho dù nguy cơ tử vong do tim mạch là rất lớn, nhưng tôi có thể khẳng định đây lại là căn bệnh hoàn toàn phòng ngừa được bằng việc không hút thuốc lá, hạn chế sử dụng rượu, bia, chế độ ăn hợp lý, hạn chế tình trạng béo phì và tăng cường hoạt động thể lực như tập thể dục, tập yoga, giảm mỡ và muối… Kiểm soát được các yếu tố nguy cơ này là có thể giảm tới 70-80% bệnh tim mạch.
Một điều nữa mà tôi muốn lưu ý, nếu bệnh tim mạch được chẩn đoán sớm, điều trị đúng cách thì hoàn toàn có thể chữa được. Bởi vì hiện nay, bệnh huyết áp cao, rối loạn mỡ máu đều đã có thuốc chữa. Ngay cả với bệnh nhồi máu cơ tim cũng có thể dự phòng bằng việc điều trị sớm bệnh thiếu máu cơ tim, hoặc phát hiện và điều trị sớm với bệnh nhân đã bị nhồi máu cơ tim. Bởi vậy, song song với việc loại trừ các yếu tố nguy cơ, mọi người nên chú ý đến việc tầm soát để phát hiện sớm bệnh tim mạch, tránh để khi bệnh đã muộn mới đưa đến bệnh viện.
PV: Cảm ơn giáo sư!
Một nghiên cứu tiến hành trên 65.000 phụ nữ tại Trung Quốc đã cho thấy việc sử dụng ít nhất 7,4g đạm đậu nành mỗi ngày giúp giảm 75% các nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Nghiên cứu mới đây tại Nhật Bản cũng chỉ ra rằng, sử dụng 400ml sữa đậu nành mỗi ngày có tác động tích cực trong việc giảm cholesterol. Người Nhật Bản có thói quen sử dụng đa dạng các loại thực phẩm từ đậu nành (như sữa đậu nành, đậu phụ, súp miso, đậu nành tươi…) trong chế độ ăn hằng ngày. |
Nguyễn Thanh
Theo Petrotimes.vn