Với sự phát triển của công nghệ và sự thay đổi trong tư duy, xu hướng tiêu dùng, làng nghề truyền thống Việt Nam đang đứng trước những thách thức

Một góc chợ lụa Vạn Phúc (Hà Đông, Hà Nội). Ảnh minh họa: INT

Một góc chợ lụa Vạn Phúc (Hà Đông, Hà Nội). Ảnh minh họa: INT

Trong đó, việc thu hút người trẻ gìn giữ và phát huy nghề truyền thống vẫn là một bài toán nan giải.

Khó khăn thu hút lao động trẻ

Trải qua lịch sử hàng trăm năm, các làng nghề truyền thống không chỉ hội tụ tinh hoa văn hóa dân tộc, mà còn chứa đựng những giá trị về cảnh quan thiên nhiên, kiến trúc hay di tích lịch sử. Nhiều sản phẩm rất gần gũi, thiết yếu cho cuộc sống ở các làng nghề đã đạt đến trình độ tinh xảo qua quá trình hoàn thiện, chọn lọc gắt gao của thời gian và con người.

Theo thống kê của Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, hiện cả nước có 5.400 làng nghề, trong đó có khoảng 2.000 làng nghề truyền thống. Tiêu biểu có thể kể tới như làng nghề lụa Vạn Phúc (Hà Đông), làng đúc đồng Phường Đúc, làng tranh Đông Hồ, làng cói Kim Sơn, làng gạch Bát Tràng, làng gỗ Kiêu Kỵ,….

Trong xu thế hội nhập quốc tế, các làng nghề không chỉ đóng vai trò bảo tồn văn hóa truyền thống, mà còn góp phần chuyển dịch cơ cấu phát triển kinh tế nông thôn, tạo công ăn việc làm cho nhiều người tại các địa phương.

Những năm qua, công tác bảo vệ và phát triển làng nghề đã được Hà Nội và các tỉnh, thành chú trọng. Các hoạt động tuyên truyền, quảng bá diễn ra thường xuyên lại chưa có nhiều nổi bật để tiếp cận người mới. Không chỉ thế, nhiều làng nghề còn gặp phải vấn đề thiếu hụt nhân lực trẻ, không có người tiếp nối. Tuy nhiên nhiều chuyên gia đánh giá, kết quả đạt được vẫn chưa đạt mức mong đợi do còn nhiều khó khăn. Một trong số những nguyên nhân là thiếu đội ngũ lao động, nhiều người trẻ không còn mặn mà, không muốn “nối nghiệp” truyền thống của gia đình.

Chia sẻ về những trăn trở của việc giữ nghề, bà Nguyễn Thị Tâm (50 tuổi, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, bún Phú Đô làng bà từ lâu đã trở thành thương hiệu, được người dân tin dùng và đón nhận. Thế nhưng đằng sau những sợi bún thơm ngon đó là cả một quá trình vất vả của người làm.

Muốn làm ra bún có chất lượng tốt phải trải qua nhiều công đoạn cầu kì. Trước hết, người làm phải biết chọn gạo tẻ loại ngon, không ẩm mốc hay sâu mọt và chọn nước ngâm cần trắng, sạch sẽ và vệ sinh bởi đây là hai yếu tố quan trọng, quyết định chất lượng của thành phẩm làm ra. Sau đó, người làm bún sẽ đem bún đi ngâm trong khoảng 3 giờ đồng hồ để hạt gạo được mềm hơn và khi xay sẽ có được mẻ bột mịn, dẻo. Tiếp theo là công đoạn nghiền gạo bằng cối xay đá, tuy nhiên hiện nay, nhiều người nghiền bằng máy cho nhanh và đỡ tốn sức. Cuối cùng là đem vào khuôn ép và nấu bún.

“Trung bình tôi mất khoảng 2 ngày để làm ra được một mẻ bún ngon. Và thông thường, người làm bún phải dậy từ sáng sớm tinh mơ để kịp làm ra những mẻ bún chất lượng nhất giao cho khách hàng”, bà Tâm cho biết.

Là người con trong gia đình có nghề truyền thống làm bún tại làng Phú Đô, song anh Hoàng Ngọc Thái (24 tuổi, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) không lựa chọn theo nghề. Anh Thái chia sẻ, gia đình có 3 anh em, nhưng hiện nay chỉ còn mẹ anh giữ nghề.

“Để làm ra thành phẩm là những sợi bún ngon, người làm rất vất vả, thức khuya dậy sớm nhưng thật sự nghề này thu nhập không cao. Giá cả thì ai cũng biết rồi, ra chợ mua 1kg bún chỉ khoảng 10.000 đồng. Chưa kể bây giờ bún làm công nghiệp cũng nhiều, nhanh và tiện. Nhà ai sản xuất quy mô lớn thì còn ổn định, chứ những hộ làm bún nhỏ lẻ thì ít ai coi đây là nguồn kinh tế chính.

Vì vậy ngay trong làng tôi, không ít người bỏ làm bún chuyển sang những công việc kinh doanh khác. Những người trẻ như chúng tôi thì rất ít người theo nghề”, anh Thái cho biết.

vi-sao-nguoi-tre-khong-man-ma-voi-nghe-truyen-thong2.jpg
Ảnh minh họa ITN.

Làm gì để phù hợp với xu thế?

Theo PGS.TS Nguyễn Trường Giang – Phó Trưởng khoa Nhân học tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQGHN), xu thế không thể đảo ngược của quá trình đô thị hóa đã làm biến mất nhiều làng nghề.

Cùng với sự phát triển của công nghệ, các sản phẩm công nghiệp hiện đại thường có thiết kế sáng tạo, độc đáo và theo kịp xu hướng thời trang. Trái lại, các sản phẩm làng nghề truyền thống thường mang đậm nét truyền thống, không chạy theo những xu hướng mới của xã hội nên có phần thiếu mới mẻ và không hợp thị hiếu giới trẻ. Như vậy, việc giải quyết đầu ra của sản phẩm là một thách thức không hề nhỏ đối với các làng nghề.

Tiếp theo, đó là việc người trẻ hiện nay thường không muốn tiếp nối nghề cha ông, một trong số đó là thiếu sự hấp dẫn và độc đáo của các sản phẩm làng nghề truyền thống. Các sản phẩm làng nghề truyền thống thường không thay đổi theo thời gian.

Mặc dù góp phần gìn giữ nét truyền thống nhưng đồng nghĩa những sản phẩm này không đáp ứng được những nhu cầu sáng tạo và đổi mới của người trẻ. Một lý do nữa khó thu hút lao động trẻ có lẽ là thu nhập. Lĩnh vực nghề truyền thống thường mang lại thu nhập không cao và thiếu ổn định, còn người trẻ thì khát khao đi tìm công việc đem lại nguồn tài chính tốt hơn.

Theo PGS.TS Nguyễn Trường Giang, cần đổi mới tư duy, tạo ra các sản phẩm sáng tạo, độc đáo và đáp ứng nhu cầu của thị trường để giải quyết vấn đề tiêu thụ sản phẩm nhằm giải quyết bài toán kinh tế cho lao động tại làng nghề.

Ngoài ra, sử dụng công nghệ để quảng bá và tiếp thị là một bước đi quan trọng, có thể truyền tải thông điệp của mình tới đông đảo khách hàng trong nước lẫn quốc tế. Bên cạnh đó, việc tổ chức các hoạt động trải nghiệm, giáo dục nhằm khám phá và hiểu sâu hơn về làng nghề cũng góp phần thu hút sự quan tâm của người trẻ.

Thực tế, nhiều làng nghề đã áp dụng mô hình để khách du lịch trải nghiệm với nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống và thành công như: Làng nghề gốm Bát Tràng (Gia Lâm, Hà Nội), làng lụa Vạn Phúc (Hà Đông, Hà Nội)… Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp còn phát triển được những buổi workshop trải nghiệm làm gốm, dệt vải… thu hút được sự quan tâm của nhiều bạn trẻ.

Tác Giả : Hà Trang

Đăng ngày : 02/11/2024

Link Nguồn: https://giaoducthoidai.vn/vi-sao-nguoi-tre-khong-man-ma-voi-nghe-truyen-thong-post706733.html

Bệnh viện Hạnh Phúc