Ngày 1/4/2025, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế đã có thông báo về việc đề nghị tạm ngưng lưu thông hàng hóa đối với sản phẩm bột ngọt KJMOTO và HAN’EI SURU của công ty TNHH Liên Sen do vi phạm quy định về ghi nhãn.
Danh sách các sản phẩm vi phạm bao gồm: Monosodium L – Glutamate Han’ei Suru với số lô D2502060-13X, ngày sản xuất 26/2/2025 và hạn sử dụng đến 25/2/2028, số lượng 839 bao (25kg/bao); Monosodium L – Glutamate Han’ei Suru với ngày sản xuất 26/2/2025 và hạn sử dụng 25/2/2027 (loại 1kg/túi); Monosodium L – Glutamate Han’ei Suru với ngày sản xuất 26/2/2025 và hạn sử dụng 25/2/2027 (loại 300g/túi); và Monosodium L – Glutamate Kjmoto với ngày sản xuất 26/2/2025 và hạn sử dụng 25/2/2027 (loại 350g/túi).
Cục An toàn thực phẩm đã chỉ rõ rằng các sản phẩm này vi phạm quy định về ghi nhãn, bao gồm các thông tin không đầy đủ hoặc không chính xác về nguồn gốc, xuất xứ và các thông tin cần thiết khác để đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng.
Bột ngọt HAN’EI SURU bị dừng lưu thông do vi phạm quy định về ghi nhãn.
Cụ thể, bao bì của các sản phẩm này không có thông tin xuất xứ sản phẩm là từ Trung Quốc, tên công ty Trung Quốc sản xuất ra bột ngọt trước khi đóng gói cũng được ghi bằng tiếng Anh, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng.
Sản phẩm bột ngọt KJMOTO và HAN’EI SURU do Công ty TNHH Liên Sen, địa chỉ tại số 19 đường 44, khu phố 1, tổ 6, phường 16, quận 8, TPHCM nhập khẩu từ Trung Quốc, san chia, đóng gói và phân phối ra thị trường. Cụ thể, Công ty TNHH Liên Sen nhập khẩu bột ngọt từ các công ty Trung Quốc là Hulunbeier NorthEast Fufeng Boitechnologies Co.LTD., sau đó san chia, đóng gói lại và bán ra thị trường.
![]() |
![]() |
Mặt sau bao bì sản phẩm bột ngọt KJMOTO và HAN’EI SURU không ghi xuất xứ của sản phẩm.
Do đó, các hộ kinh doanh, người tiêu dùng cần nắm rõ thông tin này và tạm ngưng việc kinh doanh, mua bán, sử dụng hai sản phẩm bột ngọt có nguồn gốc từ Trung Quốc được san chia, đóng gói lại mang nhãn hiệu KJMOTO và HAN’EI SURU kể từ ngày 28/3/2025, theo thông báo số 606/TB-ATTP.
Các nhãn bột ngọt đã bị cơ quan chức năng xác định vi phạm
Đây không phải là lần đầu tiên các nhãn hiệu bột ngọt đóng gói lại bị cơ quan chức năng kiểm tra và xử lí. Trước đó, bột ngọt Sela của Công ty TNHH MTV Sela Tím (Tỉnh An Giang), bột ngọt Uma999 của Công ty Cổ phần Thực phẩm Nhất Việt (Tỉnh Bình Dương) và bột ngọt AWIN của Công ty TNHH MTV thương mại xuất nhập khẩu Minh Đức (Tỉnh Quảng Trị) cũng đã bị các đội Quản lí thị trường địa phương xử phạt do vi phạm quy định về ghi nhãn, không chứng minh được nguồn gốc hợp pháp của sản phẩm.
Có hơn 30 nhãn hiệu bột ngọt san chia, đóng gói lại từ bột ngọt Trung Quốc hoặc không rõ nguồn gốc, xuất xứ đang lưu thông trên thị trường.
Dù một số thương hiệu đã bị xử lý, hiện vẫn có hơn 30 nhãn hiệu bột ngọt đóng gói lại không rõ nguồn gốc tràn lan trên thị trường, từ chợ, tạp hóa đến siêu thị. Phần lớn sản phẩm này nhập từ Trung Quốc hoặc từ những nguồn không minh bạch về xuất xứ, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm.
Nhiều doanh nghiệp còn cố tình che giấu nguồn gốc nhằm trục lợi, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng nhằm mục đích thu lợi. Sản phẩm bột ngọt san chia, đóng gói lại tiềm ẩn nguy cơ cho sức khỏe người tiêu dùng do xuất xứ không rõ ràng, không đảm bảo an toàn thực phẩm và không đảm bảo đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng để sử dụng trực tiếp.
Do đó, người tiêu dùng cần hết sức cẩn trọng khi lựa chọn sản phẩm, ưu tiên những thương hiệu uy tín và được sản xuất trực tiếp tại Việt Nam kiểm tra kỹ thông tin trước khi mua để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình.
Cách phân biệt bột ngọt san chia, đóng gói lại có không có nguồn gốc rõ ràng
Đặc điểm của bột ngọt san chia, đóng gói lại từ bột ngọt Trung Quốc hoặc các loại bột ngọt không rõ nguồn gốc, xuất xứ như sau:
Khi xem mặt sau của bao bì, nếu trên mặt sau của bao bì ghi các nội dung như: Đóng gói tại, hoặc Phối trộn tại, hoặc Hoàn tất tại, hoặc Cơ sở đóng gói, … thì hầu như là loại bột ngọt san chia, sang chiết để đóng gói lại, được nhập phần lớn từ Trung Quốc, do các tổ chức, cá nhân tự trộn lẫn, san chia, đóng bao vào nhãn hiệu tự tạo ra, sau đó bán cho người tiêu dùng.
Người tiêu dùng có thể lựa chọn các sản phẩm bột ngọt sản xuất trực tiếp tại Việt Nam mang các đặc điểm trên bao bì: Mặt sau của bao bì các nội dung như Xuất xứ: Việt Nam, hoặc Sản xuất tại: Tên và địa chỉ công ty tại Việt Nam, thì đây là những sản phẩm bột ngọt sản xuất trực tiếp tại Việt Nam từ nguyên liệu tự nhiên như mía, khoai mì… thông qua quá trình lên men.
Theo khuyến cáo từ Cục An toàn thực phẩm, người tiêu dùng nên cẩn trọng khi mua các sản phẩm có nguồn gốc không rõ ràng và kiểm tra kỹ lưỡng thông tin trên nhãn mác của sản phẩm, bao gồm tên nhà sản xuất, hạn sử dụng và các thông tin cần thiết khác.
Việc này giúp bảo vệ sức khỏe của người tiêu dùng và tránh nguy cơ gặp phải các sản phẩm không đảm bảo chất lượng. Đồng thời, người tiêu dùng nên lựa chọn những thương hiệu bột ngọt uy tín được sản xuất trực tiếp tại Việt Nam để tránh những ảnh hưởng không đáng có cho sức khỏe.
Những tác động kinh tế khó lường từ bột ngọt đóng gói lại
Việc các nhãn hiệu bột ngọt đóng gói lại bùng nổ nhanh chóng, với hơn 30 nhãn sản phẩm xuất hiện tràn lan trên thị trường, không chỉ gây thiệt hại cho người tiêu dùng mà còn kéo theo nhiều hệ lụy nghiêm trọng đối với nền kinh tế trong nước. Do đó, các cơ quan chức năng cần tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý, giám sát chất lượng sản phẩm lưu hành trên thị trường, đồng thời có biện pháp xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm nhằm bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng.
T.H
*Nội dung được thực hiện theo ĐKKD của C.A.M Media