Khi con họ đánh nhau với trẻ khác ở sân chơi, điều đầu tiên họ làm là gọi cha mẹ đứa trẻ đó để mắng. 

 

Hãy cắt sợi dây xích để con bạn tự tin hơn. Hãy cắt sợi dây xích để con bạn tự tin hơn.

Họ luôn chăm chăm vào thành tích học tập của con và sẵn sàng giúp chúng viết tiểu luận, làm dự án ngay cả khi chúng là sinh viên đại học. Họ là những bố mẹ bảo vệ con quá mức cần thiết, lúc nào cũng lượn quanh con như những chiếc trực thăng, kiểm soát mọi hành vi, việc làm của chúng.

Dấu hiệu nhận biết

Thuật ngữ “bố mẹ trực thăng” được đưa ra đầu tiên bởi TS Haim Ginott, một nhà giáo người Israel, vào năm 1969, để chỉ những bậc cha mẹ bảo vệ con cái quá mức cần thiết, luôn kiểm soát mọi khía cạnh trong đời sống của trẻ, giống như chiếc trực thăng lúc nào cũng lởn vởn trên đầu chúng.

Theo các chuyên gia, bố mẹ trực thăng là dạng bố mẹ phổ biến hiện nay, những người muốn loại bỏ tất cả những nguồn gốc có thể gây ra sự thất bại trong cuộc sống của con cái họ.

Những bậc cha mẹ này quá tích cực trong việc bảo vệ con cái khỏi mọi mối đe dọa để rồi giới hạn tự do của con mình, tự mình hành động, tự đưa ra quyết định và tự rút kinh nghiệm từ những sai lầm của chính mình.

Dưới đây là một số dấu hiệu giúp bạn nhận ra mình có phải là cha mẹ trực thăng hay không:

– Giữ con bằng “sợi dây xích”. Bạn trở thành một cái bóng của con cái bạn, theo chúng khắp mọi nơi, từ trường học đến các buổi tiệc sinh nhật của bạn bè chúng. Khi một người nào đó hỏi con bạn một câu hỏi, bạn thường là người giành trả lời.

– Đi bộ trong đôi giày của con. Thay vì để cho con bạn tự giải quyết vấn đề của chúng (với sự trợ giúp nào đó của bạn khi cần thiết), bạn lại vội vàng làm tự mình làm mọi việc. Nếu con bạn xung đột với bạn cùng lớp, bạn liền gọi ngay cho giáo viên hoặc cha mẹ của trẻ đó, thay vì dạy cho con bạn cách xử lý những tình huống này.

– Không thể để con thất bại. Muốn con thành công nên bạn tham gia quá mức vào đời sống học đường của chúng. Bạn không tự hạn chế trong việc gọi cho giáo viên của con.

Bạn còn đi xa hơn: Viết tiểu luận của chúng, làm các dự án cho chúng và lúc nào cũng đòi hỏi con bạn có giáo viên, huấn luyện viên giỏi hoặc lớp học tiên tiến nhất để yên tâm rằng con bạn thành công trong học tập.

– Làm cho cuộc sống quá an toàn với con cái. Bạn cho rằng con của bạn phải có bánh xe phụ ở chiếc xe đạp của chúng, bất kể chúng đã bao nhiêu tuổi.

Bạn gần như bị đau tim khi con bạn chuẩn bị đi chơi với lớp của chúng. Những bố mẹ này không lúc nào yên tâm và luôn nhìn thấy mọi đe dọa mà con cái họ gặp phải ở khắp mọi nơi.

Những tác hại

“Cha mẹ trực thăng” lo lắng cho con quá mức cần thiết. 

Nếu hỏi những bậc cha mẹ bảo vệ con quá mức vì sao họ chọn cách “trực thăng” để nuôi dạy con cái, hầu hết sẽ nói rằng, họ làm điều này là vì yêu con cái và muốn làm cho cuộc sống của chúng hạnh phúc hơn.

Nhưng thực tế, phương pháp nuôi dạy trẻ này gây ra những tình huống bất lợi, trẻ hoàn toàn không biết cách đương đầu với những thất bại và thất vọng trong cuộc sống sau này khi lớn lên.

Những nghiên cứu cho thấy, nuôi dưỡng con cái kiểu “cha mẹ trực thăng” có thể đưa đến tình trạng kiệt sức liên quan đến việc học ở sinh viên đại học. Một nghiên cứu khác đã liên kết việc được nuôi nấng bởi cha mẹ cứ lởn vởn quanh với mức độ trầm cảm cao và sự hài lòng thấp trong cuộc sống của trẻ sau này.

Trẻ có cha mẹ bảo vệ quá mức không có cơ hội rút ra học từ những lỗi lầm của chúng và không thể đưa ra những quyết định quan trọng trong cuộc sống sau này. Ngoài ra, dạy con kiểu “cha mẹ trực thăng” mang lại cho những đứa trẻ ý nghĩ rằng, cha mẹ của chúng không tin chúng có thể tự làm những điều cho chính chúng, dẫn đến trẻ thiếu tự tin sau này khi lớn lên.

Phải thay đổi như thế nào?

Nếu nhận ra bạn “phạm” vào các dấu hiệu nuôi dạy con kiểu “bố mẹ trực thăng” như ở trên, có một số giải pháp hiệu quả mà bạn có thể làm để thay đổi phương pháp dạy con:

– Xem xét lại thời gian biểu của con và đảm bảo có đủ thời gian, không gian để con bạn thư giãn và làm bất cứ điều gì chúng muốn. Vào thời gian rảnh mà không có việc phải làm theo thời gian biểu sẽ thúc đẩy trí tưởng tượng của con bạn và giúp chúng quyết định những gì chúng thực sự muốn làm.

– Tin tưởng con bạn nhiều hơn và giao cho chúng những việc vặt hằng ngày để làm, phù hợp lứa tuổi của chúng.

– Hãy để con cái bạn nhận lấy thất bại và học được từ những lỗi lầm của chúng. Đây là một phần quan trọng của việc phát triển và học hỏi, giúp con bạn đương đầu với thất bại và thất vọng trong cuộc sống sau này.

– Học cách đứng sang một bên và hãy để con bạn chấp nhận các rủi ro. Bằng cách này sẽ nuôi dưỡng sự tự tin ở con của bạn. Hãy để chúng biết bạn luôn luôn có mặt để giúp chúng khi cần thiết nhưng không nên can thiệp vào các quyết định của chúng.

– Hỏi ý kiến chuyên gia về nuôi dạy con hoặc một nhà tâm lý học gia đình nếu bạn cảm thấy tự mình không tìm ra được cách nuôi dạy con tốt.

Nguồn: giaoducthoidai.vn

https://giaoducthoidai.vn/gia-dinh/vi-sao-khong-nen-lam-bo-me-truc-thang-4067552-b.html

 

Bệnh viện Hạnh Phúc