Nghiên cứu tiến hành trên 150 người, tuổi từ 18-80 tham gia các thử nghiệm về hệ thống tiền đình (vestibular system). Đây là hệ thống giúp chúng ta duy trì sự thăng bằng và định hướng bản thân. Hệ thống này gồm nhiều cấu trúc trong tai trong, điều khiển các cử động của đầu, phát hiện trọng lực và gửi tín hiệu đến não bộ.
Trong các thử nghiệm, người tham gia ngồi trên một chiếc ghế đặt trên một cái bệ sao cho họ có thể có những cử động nhẹ theo nhiều hướng khác nhau. Họ được yêu cầu tường thuật lại thời điểm mà họ nhận được một cử động từ một hướng nào đó. Các chuyên gia đo “ngưỡng tiền đình”, cử động nhỏ nhất mà người tham gia tri nhận được. Nhìn chung, ngưỡng tiền đình càng nhỏ thì hệ thống tiền đình hoạt động càng tốt hơn.
Té ngã do không giữ được thăng bằng – Ảnh minh họa
Các nhà nghiên cứu phát hiện rằng ngưỡng tiền đình ở người tham gia nghiên cứu tăng dần lên sau độ tuổi 40. “Ngưỡng này tăng đến 83% mỗi 10 năm sau tuổi 40”, các chuyên gia khẳng định.
Người tham gia nghiên cứu cũng được thử nghiệm về sự thăng bằng, họ đứng trên một miếng mút hoạt tính (memory foam) có độ đàn hồi và co giãn trong vòng 30 giây với hai chân chụm lại và nhắm mắt. Kết quả cho thấy người nào có ngưỡng tiền đình cao hơn có khả năng thất bại cao hơn trong bài kiểm tra. Vì họ luôn cần phải mở mắt ra hoặc cần phải bước để giữ thăng bằng so với người có ngưỡng tiền đình thấp hơn.
Việc thất bại trong bài kiểm tra sự thăng bằng có liên quan đến nguy cơ té ngã cao, phát hiện từ nghiên cứu gợi ý rằng chức năng tiền đình của một người về căn bản tác động đến nguy cơ người này té ngã.
Sử dụng số liệu từ thống kê tử vong do té ngã hàng năm tại Hoa Kỳ, các nhà nghiên cứu dự đoán rằng các bất ổn có liên quan đến hệ thống tiền đình sau tuổi 40 có “đóng góp” đến hơn 57.000 ca tử vong mỗi năm.
Kết quả nghiên cứu này là lời cảnh báo rằng với tình trạng lão hóa nhanh như hiện nay thì bất ổn này càng nghiêm trọng hơn và cho thấy vai trò của việc nỗ lực cải thiện chẩn đoán và điều trị các bất ổn có liên quan đến tiền đình để ngăn ngừa té ngã và tử vong và té ngã.
Nguồn: Đức Hòa / Giác Ngộ
(theo Live Science)