“Tưởng nhớ người đi – Vì người ở lại” là khẩu hiệu của Đại lễ cầu siêu cho nạn nhân tử vong vì tai nạn giao thông vừa qua tại chùa Vĩnh Nghiêm, do GHPGVN, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia và Ban Trị sự GHPGVN TP.Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức.

Anh BT (7)

Phật tử dự lễ cầu siêu tại chùa Vĩnh Nghiêm, ngày 9-11 vừa qua – Ảnh: Bảo Toàn

Tai nạn giao thông là một trong những nỗi ám ảnh lớn đối với mỗi người. Mỗi ngày, trung bình có 25 người ở đâu đó trên đất nước của chúng ta chết bất đắc kỳ tử do tai nạn giao thông, đó là chưa kể đến hàng trăm người bị thương tật, tàn phế suốt đời, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống do những bất trắc khó có thể lường trước được khi tham gia giao thông.

Một thống kê mới nhất cho biết chỉ trong 10 tháng đầu năm 2014 này, cả nước xảy ra hơn 20 ngàn vụ tai nạn giao thông, làm cho gần 7.500 người chết, gần 20 ngàn người bị thương tật suốt đời. Những tổn thất về nhân mạng, gây ra những nỗi đau, ảnh hưởng đến đời sống tinh thần cũng như kinh tế của hàng chục ngàn gia đình liên quan đến tai nạn giao thông là rất lớn, không thể thống kê được bằng con số.

Với mục đích chia sẻ những đau thương đối với thân nhân của nạn nhân tử vong vì tai nạn giao thông, đồng thời trực tiếp vì vong linh của người tử nạn trong khi tham gia giao thông, cũng như những dịp trước đây, GHPGVN Trung ương và cấp tỉnh thành đã phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức nhiều lễ cầu siêu ở chùa Bái Đính (Ninh Bình), Trung tâm Văn hóa Đầm Sen (TP.HCM)…, và nay tại chùa Vĩnh Nghiêm. Việc làm đó là rất cần thiết, nhưng cần thiết hơn nữa là làm thế nào hạn chế được số vụ tai nạn giao thông, để số vụ tai nạn giao thông cũng như mức độ khốc liệt của nó giảm đi, không còn là nỗi ám ảnh “kinh hoàng” đối với mọi người dân, cũng như du khách nước ngoài đến Việt Nam như hiện nay.

Điều đó nhất định không chỉ qua các nghi lễ cầu nguyện, không chỉ bằng sự cầu nguyện, hay qua những đợt tuyên truyền hời hợt, những mệnh lệnh suông mà phải bằng sự giáo dục một cách thực tế cùng với các biện pháp răn đe nghiêm khắc khác. Khi nhận thức thay đổi, hành vi mới có sự thay đổi một cách căn bản.

Mấy năm trở lại đây, các cơ quan chức năng đã có nhiều cố gắng trong việc giáo dục về an toàn giao thông, số vụ tai nạn giao thông có giảm nhưng tính khốc liệt và số người tử vong, tàn phế vì tai nạn giao thông thì không giảm được là bao. Cách đây chưa lâu, chúng ta phải chứng kiến nhiều vụ tai nạn thương tâm làm hàng chục người thương vong cùng một lúc như ở Ea H’Leo (Đắk Lắk) ngay đầu tháng 10, các vụ xe khách đối đầu xe container ở địa bàn Kỳ Anh (Hà Tĩnh), ở Diên Khánh (Khánh Hòa) giữa tháng 2, v.v…

Trước đây, trên tuần báo và nguyệt san Giác Ngộ đã có đăng tải nhiều ý kiến, bài viết về giải pháp giảm thiểu tai nạn giao thông, đó là giáo dục nhận thức duyên sinh và thực tập chánh niệm, cùng với các biện pháp răn đe khác phải được thực hiện nghiêm túc. Nếu làm được như vậy, chúng ta mới thực sự “vì người ở lại”, đem đến sự an toàn – một trong những nhu cầu căn bản và chính đáng của con người trong xã hội.

Diệu Nghiêm

Theo: Giác Ngộ online

Bệnh viện Hạnh Phúc
Bệnh viện Hạnh Phúc