Nguyên nhân dẫn đến ung thư vú làm giới khoa học nhức đầu: tuổi tác, chủng tộc, giới tính, di truyền,… Nhưng có điều lạ, các nước kém phát triển lại có tỉ lệ ung thư vú thấp hơn nhiều so với các nước phát triển. Điều này làm người ta nghĩ đến chế độ ăn uống có thể ảnh hưởng đến rủi ro cao ở bệnh ung thư phổ biến này.
Còn tranh cãi nhưng vẫn sợ chất béo
Ăn nhiều chất béo gây ung thư vú gây tranh cãi nhiều trong giới khoa học. Nhiều nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, cũng như dịch tễ học cho thấy điều này đúng. Nhưng nhiều nghiên cứu khác không kém độ tin cậy, lại cho rằng điều này trật. Dù chứng cớ khoa học còn chõi nhau lia lịa, nhưng không ai dám khuyên ăn dầu mỡ thoải mái, mà đành phải chọn giải pháp chắc ăn nhất: giảm dầu mỡ để giảm rủi ro ung thư vú.
Một công trình nghiên cứu kéo dài 20 năm, kết hợp giữa đại học Cornell, Oxford (Anh), và viện Y tế dự phòng Trung Quốc do giáo sư Campbell chủ trì, đã khảo sát 65 quận huyện khắp Trung Quốc, để tìm hiểu mối liên hệ giữa thói quen ăn uống (thịt, rau quả,…) và các bệnh thời đại (ung thư, tim mạch, tiểu đường,…). Các đối tượng có đặc điểm gen tương tự nhau, trải qua các thế hệ, cách sống, cách ăn uống cũng gần giống nhau ở từng khu vực khảo cứu. Nghiên cứu này có tên là “The China Study”, và được xem là công trình sáng giá nhất về mặt dịch tễ học.
Giáo sư Campbell cho rằng lời khuyên giảm ăn chất béo là chưa đủ. Mức ung thư vú thấp đáng kể ở Trung Quốc không đơn giản chỉ là họ ăn chất béo ít.
Trăm sự chỉ vì dậy thì sớm
Về ung thư vú, giáo sư Campbell đưa ra các nhận xét sau: thiếu nữ Trung Hoa bắt đầu có kinh nguyệt ở độ tuổi 15-19, trong khi thiếu nữ ở Mỹ sớm hơn, độ 10-14. Mức hormon nữ estrogen trong máu của phụ nữ Trung Hoa cũng thấp đáng kể so với phụ nữ Mỹ.
Mức hormone nữ cao được cho là có liên quan đến rủi ro cao về ung thư vú.
Campbell cũng nhận thấy, thiếu nữ ăn nhiều thịt và ít rau quả củ thì chóng lớn (trưởng thành), và tuổi có kinh cũng đến sớm hơn. Điều này dẫn đến mức các hormone nữ như estrogen cũng cao bất thường. Mức hormone này vẫn tiếp tục cao chừng nào thói quen ăn uống của họ chưa thay đổi.
Nghiên cứu của Campbell cho thấy tỉ lệ ung thư vú ở Trung Hoa rất thấp, mặc dù mức chênh lệch ở các vùng khảo sát (đô thị hoặc nông thôn) có thể hơn kém nhau gấp 13 lần. Phụ nữ ở vùng nông thôn tiêu thụ chất béo rất ít, chỉ từ 6-24% mức đóng góp calo cho cơ thể, và thay vào đó là rau quả củ. Trong khi với phụ nữ Mỹ, mức chất béo tới 45%.
Giáo sư Campbell đi đến kết luận: giảm thịt/chất béo chưa đủ để giảm rủi ro ung thư vú, mà còn phải ăn thêm nhiều thêm rau củ quả.
Đau hơn cái chết
Ung thư vú là bệnh phổ biến ở phái nữ, tỉ lệ mắc bệnh rất cao ở các nước phát triển, nhưng lại thấp ở các nước kém phát triển. Theo tường trình về ung thư thế giới năm 2003 của WHO, cứ 100.000 phụ nữ, thì số người bị ung thư vú ở Đông Á là 18, Đông Nam Á 26, Đông Âu 49, Bắc Âu 73, Tây Âu 78 và Bắc Mỹ 90. Ở Việt Nam, theo Hội Ung thư, thì tỉ lệ này ở Sài gòn là 20, nhưng ở Hà Nội là 30 (cao nhất nước).
Nhu cầu chất béo đóng góp vào calo hàng ngày tuỳ thuộc vào lứa tuổi (trẻ em nhiều hơn), khí hậu, và thói quen ăn uống. Ở xứ lạnh khoảng 35%. Còn ở vùng nhiệt đới khoảng 15-25%. Đây cũng là con số mà Bộ Y tế VN khuyến cáo.
Giáo sư Campbell và cộng sự có lẽ chưa hài lòng với con số này. Họ muốn chất béo phải thấp hơn nữa, và ăn thêm rau củ quả.
Đàn ông cũng bị ung thư vú, khoảng 1% so với phụ nữ, như ở Mỹ, khoảng trên 2.000 nam giới mắc bệnh, và hàng năm 450 ông phải lên…bàn thờ vì căn bệnh này. Giới khoa học chẳng ai ngó ngàng gì tới ung thư vú ở đàn ông. Mắc bệnh, đau đớn thì chữa, mà toàn là chuyện lỡ làng. Hội Ung thư Việt Nam cho biết, hơn 70% quý ông khi phát hiện thì bệnh đã ở giai đoạn 2 hoặc tệ hơn.
Chẳng có nghiên cứu nào, và cũng chẳng có khuyến cáo nào cho đàn ông về ung thư vú. Ai muốn thọ, thì copy/paste lời khuyên dành cho quý bà: ăn giảm béo và nhiều rau quả củ. Hai cái của nợ tí tẹo đó chẳng được cái tích sự gì cho đàn ông, mà lại mắc vạ chết. Tới chết vẫn còn ấm ức.
Theo Vũ Thế Thành/ Thế giới tiếp thị