Việc rau quả Trung Quốc nhiễm độc do lạm dụng chất bảo quản tràn vào thị trường Việt Nam vốn không phải là tin mới. Dù vậy, nó mới chỉ là đồn đại của người tiêu dùng chứ chưa có công bố chính thức nào của cơ quan chức năng. Việc Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ NN&PTNT) vừa qua đã lên tiếng khẳng định sự có mặt của 300 tấn rau quả có dư lượng hóa chất vượt ngưỡng cho phép tại thị trường Việt Nam và cách mà Cục này luận giải về sự kiện này khiến dư luận một lần nữa hoang mang.

An toàn sao phải kiểm tra

Cục Bảo vệ Thực vật vừa phát hiện 17 lô hàng với gần 300 tấn rau quả có dư lượng hóa chất vượt ngưỡng cho phép.

Mới đây nhất, trong Thông báo số 896/QLCL-CL2 của Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy (Bộ NN&PTNT) gửi Tổng cục Giám sát chất lượng, thanh tra và kiểm dịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (AQSIQ), chúng ta đã nêu rõ rằng: Trong thời gian qua, các cơ quan chức năng của Việt Nam đã phát hiện có 17 trường hợp lô hàng thực phẩm (gồm rau, củ, quả) có nguồn gốc thực vật nhập khẩu từ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa xuất khẩu sang Việt Nam bị phát hiện có dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật vượt quá mức quy định của Việt Nam.

Đây là thông tin về chất lượng rau quả Trung Quốc lần đầu tiên phát đi từ cơ quan chức năng Việt Nam nhưng nó không gây sốc. Việc 300 tấn rau quả Trung Quốc bị phát hiện so với 1.000 tấn rau quả Trung Quốc nhập về Việt Nam mỗi ngày có lẽ cũng chỉ là tảng băng nổi.

 Thông báo của Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản cũng nêu rõ, để tránh tái diễn trường hợp tương tự và đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng Việt Nam, đề nghị các cơ quan chức năng phía Trung Quốc điều tra rõ nguyên nhân vụ việc, truy xuất nguồn gốc các lô hàng vi phạm và sớm thông báo kết quả tới Bộ NN&PTNT Việt Nam.

Đồng thời, yêu cầu phía Trung Quốc có kế hoạch thực hiện việc áp dụng biện pháp khắc phục phù hợp đối với những lô hàng nói trên.

Từ nội dung thông báo này, có thể dễ dàng nhận thấy, 300 tấn rau quả trên hoàn toàn không đảm bảo chất lượng vì nhiễm độc. Vì không đảm bảo chất lượng mới phải kiểm tra, truy xuất nguồn gốc và khắc phục!

Thế nhưng ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ NN&PTNT) vẫn ăn rau quả nhiễm độc vì cho rằng, chúng vẫn an toàn.

Xin được nhắc thêm rằng, hằng năm, có hơn 1 triệu tấn rau quả Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam. Theo lời ông Nguyễn Xuân Hồng thì quy trình kiểm tra chất lượng rau quả từ Trung Quốc vào là khi hàng hóa đến cửa khẩu thì chúng ta chỉ lấy mẫu, lưu mẫu và vẫn cho nhập vào, các doanh nghiệp vẫn buôn bán bình thường. Đối với những lô vi phạm lần đầu, lần sau sẽ tăng tần suất kiểm tra, nếu vẫn tiếp tục vi phạm thì sẽ không cho họ xuất khẩu sang Việt Nam các nguồn hàng không an toàn.

Dư luận đang đặt câu hỏi rằng, 300 tấn rau quả vượt quá dư lượng thuốc bảo vệ thực vật kia đang nằm ở đâu? Hay nó đã kịp chui vào bụng người Việt Nam rồi?

Ông Nguyễn Xuân Hồng trấn an dư luận rằng: So với quy định, số rau quả vượt quá dư lượng thuốc bảo vệ thực vật nhiều nhất cũng chỉ cao hơn 2-3 lần. Tuy nhiên, hiện 300 tấn rau quả này đã ra hết thị trường vì theo thông lệ quốc tế, Cục Bảo vệ Thực vật sẽ lấy mẫu kiểm tra sau. Chỉ trong trường hợp đặc biệt là ngay sau khi kiểm tra mức độc hại quá cao và nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng rất lớn thì mới ngay lập tức công bố để người tiêu dùng không sử dụng thực phẩm đó trong một thời gian, đồng thời truy xuất lại và tiêu hủy.

Tiếp tục bảo vệ ý kiến của mình, ông Hồng còn khẳn định rằng, với mức vi phạm như vậy, ông vẫn có thể ăn số rau quả này vì chưa ảnh hưởng đến sức khỏe. Để kiểm tra xem có an toàn cho người tiêu dùng hay không người ta sử dụng chỉ số Daily Intex, một ngày có thể ăn bao nhiêu.

Ví dụ, khi một quả táo có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép, một người ngày nào cũng phải ăn 70 quả táo thì mới mất an toàn. Chúng ta không thể ăn mỗi ngày bằng ấy táo được nên không thể ảnh hưởng đến sức khỏe được. Hay 1 thanh niên 17 tuổi ăn 50kg cà rốt có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép thì mới mất an toàn.

Như vậy, 300 tấn rau quả kia dù nhiễm độc những vẫn… an toàn và ăn được. Và người ta đang tự hỏi rằng, nếu an toàn thì tại sao phía Việt Nam phải có thông báo đề nghị phía Trung Quốc kiểm tra, truy xuất nguồn gốc và khắc phục tình trang này? Đồng ý rằng, nếu ăn ít thì chưa đến nỗi trúng độc mà đi viện nhưng có người ăn đã ăn hằng ngày, hằng năm thì lượng độc tố tích tụ trong cơ thể sẽ như thế nào?

Ưu tiên hàng Việt!

Rõ ràng, đây mới chỉ là một phần sự thật mà cơ quan chức năng mới công bố trong khi tình trạng rau quả Trung Quốc kém chất lượng tràn vào Việt Nam nhiều năm qua. Thực tế, sau một thời gian, rau quả Trung Quốc gây hỗn loạn thị trường với thông tin có tẩm chất bảo quản, chất chống mối mọt, chất gây ung thư, thậm chí là tin đồn phá hủy nội tạng… người tiêu dùng Việt Nam đã dần tẩy chay rau quả có nguồn gốc từ Trung Quốc.

Rau_qua_TQ

Người dân Việt Nam cũng đã bắt đầu nhận ra và đang tìm cách tự bảo vệ sức khỏe của mình.

Theo ghi nhận của phóng viên, hàng loạt chủ mối hàng rau quả tươi tại các chợ trên địa bàn TP Hà Nội đã kiên quyết từ chối nhập rau quả có nguồn gốc Trung Quốc. Khách mua rau quả gần đây khi mua hàng đều đều “soi” rất kỹ nguồn gốc. Chỉ cần nhìn những loại rau quả bóng đẹp một cách lạ thường là khách hàng lập tức đề cao cảnh giác. Nhiều người nhất định chuyển hẳn sang các loại rau quả “bình dân” mùa nào thức ấy của Việt Nam như: Na, nhãn, chuối, mít, vải, chôm chôm… Đặc biệt, chuối, đu đủ, những mặt hàng “made in Việt Nam” đã lên ngôi. Đây có thể nói là một biến chuyển rất đáng mừng.

Có một thực tế là, lâu nay hầu hết các loại rau, củ, quả Việt Nam vẫn bị lép vế trước hàng Trung Quốc. Đáng buồn là rau quả nội lại gian nan khi tìm đường vào siêu thị, bếp ăn. Hiện nay, nhiều siêu thị đã đưa rau quả Việt Nam vào bày bán song cũng không ít người tiêu dùng lo ngại tiểu thương vì lợi nhuận mà tìm mọi cách “đột lốt” rau quả Trung Quốc gắn mác Việt.

Tuy nhiên, hiện nay lại xuất hiện thêm một vấn đề mới là người dân có thái độ dè dặt với các loại rau quả gắn mác Trung Quốc thì tại chợ Long Biên được coi là chợ đầu mối lớn nhất Hà Nội, cung cấp các loại nông sản cho người dân thủ đô, đặt biệt là rau quả lại bắt đầu thực hiện những chiêu bài mới: Tất cả các mặt hàng đều gắn mác xuất xứ tại Việt Nam.

Đương nhiên, trong ma trận rau quả hỗn loạn như hiện nay, muốn bảo vệ mình, người tiêu dùng cần tỉnh táo. Nhiều bà nội trợ “tinh ranh” đã truyền tai nhau phương pháp phân biệt rau quả Trung Quốc – Việt Nam như: Đối với quýt thì quýt Trung Quốc thường có vỏ dày, bóng và khi bóc ra 2 đầu múi thường bị khô. Quýt Việt Nam vỏ mỏng, thường bị nám. Với lựu thì lựu Việt Nam trái nhỏ, hột nhiều, dày, màu da xanh còn lựu Trung Quốc to, tròn, vỏ mỏng, màu trắng hồng. Với nho thì nho Trung Quốc to tròn, có lớp vỏ màu nhạt, ăn vị chua, mềm, bở và nhiều hạt. Nho Mỹ vỏ sậm hơn, thuôn dài, vị ngọt, giòn, rất ít hoặc không có hạt. Nho Phan Rang (Ninh Thuận) quả nhỏ, chùm ngắn, màu xanh tươi.

Có lời khuyên rất đơn giản rằng, để hạn chế hóa chất tồn dư, người tiêu dùng nên ngâm trái cây trong nước muối loãng 30 phút và gọt, bóc vỏ trước khi ăn. Tuyệt đối không ăn trái cây có ruột bị nhũn, màu khác thường và có mùi lạ. Như vậy, người dân cần tự bảo vệ mình một cách “thô sơ” trước khi hàng rào kiểm soát hàng kém chất lượng phải siết chặt hơn.

Nguồn: Hải Hậu/ Petrotimes.vn

 

Bệnh viện Hạnh Phúc