Buổi học của cơ sở Lớp mẫu giáo Sao Biển (Quận 12, TPHCM) trước ngày 27/4/2021. Ảnh tư liệuBuổi học của cơ sở Lớp mẫu giáo Sao Biển (Quận 12, TPHCM) trước ngày 27/4/2021. Ảnh tư liệu

Hơn 150 cơ sở ngưng hoạt động

Theo số liệu thống kê của Sở GD&ĐT TPHCM, đến nay, TP có hơn 12 nghìn nhân viên ngành Giáo dục bị mất việc, trong đó ảnh hưởng nhiều nhất là bậc mầm non với trên 10 nghìn nhân sự, chiếm hơn 82%. Năm học 2021 – 2022, TPHCM có 920 trường mầm non ngoài công lập với 16.260 giáo viên cùng 183.458 trẻ. Trong đó, có khoảng 151 cơ sở giáo dục mầm non tư thục giải thể bởi tác động của dịch Covid-19.

Chị Hồng Hạnh – chủ cơ sở Lớp mẫu giáo Sao Biển (Quận 12, TPHCM) – cho biết: Cơ sở thành lập tháng 8/2019 với quy mô 45 trẻ, 7 giáo viên và 2 nhân viên. Từ khi thành lập đến nay cơ sở bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 liên tục.

“Cơ sở vẫn duy trì kết nối giáo viên với phụ huynh, học sinh theo khả năng và tình hình thực tế. Hằng tháng, chúng tôi hỗ trợ một ít chi phí cho giáo viên để duy trì hợp tác trong các hoạt động phát sinh trong dịch. Mặt khác, giáo viên hằng tuần đều có sự kết nối với phụ huynh và học sinh của mình qua hoạt động Zoom online như trò chuyện với trẻ, phụ huynh, có các tiết học phù hợp…”, chị Hồng Hạnh chia sẻ.

Trong khi đó, trường hợp của chị Hoàng Hợp – chủ cơ sở mầm non ở quận Bình Thạnh (TPHCM) không may mắn như chị Hạnh. Sau gần mười năm là giáo viên mầm non, tích lũy và vay mượn được một ít vốn, chị Hợp khai trương ngôi trường riêng của mình vào tháng 10/2019. Nhưng chị Hợp không thể lường trước được, chỉ sau vài tháng hoạt động thì dịch Covid-19 xuất hiện.

Chị Hợp chia sẻ: “Trường là đứa con tinh thần mà tôi bỏ nhiều thời gian, tiền bạc và tâm huyết để gây dựng. Từ năm 2020 tới nay, trường liên tục phải đóng cửa vì dịch. Khi phải buông tay, bỏ trường, bản thân rất đau lòng. Trước khi đưa ra quyết định giải thể trường, tôi có liên lạc với phụ huynh và các bé để chia sẻ tình hình và hoàn tất các thủ tục cần thiết. Khi nghe nói đóng cửa trường học, một em nhỏ vô tư hỏi: “Cô ơi do con virus ăn mất trường rồi hả cô?” và tôi đã khóc…”.

Theo bà Lương Thị Hồng Điệp – Trưởng phòng Giáo dục Mầm non Sở GD&ĐT TPHCM, nhiều trường mầm non tư thục giải thể vì dịch bệnh Covid-19 là câu chuyện các quận, huyện và sở đều nắm được và cũng chia sẻ tinh thần với các trường về điều này. Việc giải thể, đóng cửa sẽ dẫn đến giảm phòng học. Giáo viên mầm non trường tư về quê rất nhiều, phụ huynh cũng đưa con nhỏ về quê không ít. Hiện, sở đang thống kê lại số liệu để xác định chính xác mới nhất có bao nhiêu cơ sở giải thể, giáo viên, cán bộ quản lý mất việc hay về quê.

Một buổi kết nối online giữa giáo viên, phụ huynh và học sinh của cơ sở mầm non tư thục trong thời gian giãn cách xã hội tại TPHCM.

Dồn áp lực lên trường công

Theo Sở GD&ĐT tỉnh Tiền Giang, toàn tỉnh có 132 cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập (17 trường dân lập, tư thục và 115 cơ sở giáo dục mầm non độc lập). Trong đó có 272 nhóm trẻ và lớp mẫu giáo với 785 cán bộ quản lý, giáo viên mầm non và nhân viên. Các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập đã huy động được 4.328 trẻ (chiếm tỷ lệ 10,9%) trong tổng số trẻ em mầm non đến trường và nhóm trẻ.

Gần 6 tháng ngưng hoạt động, nhiều cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập đã giải thể hoặc không đảm bảo các điều kiện hoạt động do không có kinh phí để duy trì, cơ sở vật chất xuống cấp, không đủ các trang thiết bị… Điều này dự báo tỷ lệ huy động trẻ đến trường trong thời gian tới sẽ bị giảm. Chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ cũng bị ảnh hưởng theo. Cha mẹ trẻ không yên tâm công tác, cống hiến cho xã hội…

Đối với trẻ có trường bị giải thể, địa phương, ngành Giáo dục đang nỗ lực hỗ trợ nơi học tập mới cho các cháu. Theo bà Nguyễn Kiều Phương, Trưởng phòng GD&ĐT quận Bình Thủy (TP Cần Thơ), phòng chủ động liên hệ chủ nhóm trẻ để kịp thời nắm bắt thông tin. Từ đó phối hợp, hỗ trợ, tạo điều kiện tối đa cho các cháu đang theo học ở nhóm trẻ bị giải thể có nhu cầu đăng ký về trường công lập trên địa bàn. Phòng chỉ đạo các cơ sở giáo dục mầm non trong và ngoài công lập trên địa bàn quận tạo điều kiện và hỗ trợ tối đa việc tiếp nhận các trẻ tại cơ sở giáo dục bị giải thể.

Trao đổi giải pháp hỗ trợ phụ huynh và học sinh, bà Huỳnh Thị Phượng, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Tiền Giang, cho biết: Sở chỉ đạo Phòng GD&ĐT kết hợp chặt chẽ với huyện, thị xã rà soát, bám sát tình hình. Nơi nào có trường giải thể thì tiến hành tìm hiểu, hỗ trợ. Đối với trẻ, tạo điều kiện cho các em học tập tại các trường nơi cư trú hoặc lân cận.

“Dịch bệnh khó khăn, trường giải thể, các em càng thiệt thòi nên phải cố gắng chăm lo. Trước mắt cần nắm bắt thông tin càng sớm càng tốt để kịp thời hỗ trợ học sinh. Ngành Giáo dục địa phương hỗ trợ, bố trí, sắp xếp nơi học mới thuận tiện, không để em nào phải bỏ học”, bà Phượng nhấn mạnh.

Theo chị Hồng Hạnh, chủ cơ sở Lớp mẫu giáo Sao Biển, giãn cách xã hội kéo dài, có thể thêm 1 – 2 tháng hoặc qua Tết Nguyên đán (2022), chắc chắn thêm nhiều cơ sở mầm non tư thục giải thể do không trụ nổi. Giáo viên, nhân viên về quê, tìm công việc khác. Do vậy, sau khi dịch đi qua sẽ khó khăn đủ thứ trong việc tìm nhân sự, kinh phí sửa chữa lại cơ sở vật chất, tuyển sinh…
Nguồn: Giáo Dục Thời Đại 
https://giaoducthoidai.vn/giao-duc/truong-mam-non-tu-thuc-nhom-tre-sau-dich-benh-truong-dong-cua-giao-vien-chuyen-nghe-sZKLVEc7R.html
Bệnh viện Hạnh Phúc