Cô Nguyễn Thị Sinh luôn nỗ lực, có nhiều sáng tạo trong giảng dạy môn Tiếng Anh, giúp học trò tiến bộ từng ngày. Ảnh: NVCC. Cô Nguyễn Thị Sinh luôn nỗ lực, có nhiều sáng tạo trong giảng dạy môn Tiếng Anh, giúp học trò tiến bộ từng ngày. Ảnh: NVCC.

Giúp học sinh trải nghiệm qua từng hoạt động

Cô Nguyễn Thị Sinh (SN 1990) là một trong số các nhà giáo vừa được Sở GD&ĐT Hà Nội tặng danh hiệu “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo năm 2021”.

Chia sẻ với Báo Giáo dục & Thời đại, cô cảm thấy rất may mắn, tự hào và biết ơn sự hỗ trợ từ các thầy cô, đồng nghiệp và các em học sinh.

Công tác tại Trường THCS & THPT M.V.Lômônôxốp (Nam Từ Liêm, Hà Nội) từ năm 2018 đến nay, cô Sinh đã có nhiều đổi mới sáng tạo trong việc dạy và học. Đặc biệt là môn Tiếng Anh như học tập qua dự án, ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học, kết nối các cơ hội du học cho học sinh hay cố vấn và hướng dẫn học sinh tham gia các cuộc thi về sáng tạo và sáng chế trên thế giới.

Cô giáo trẻ này cũng dành nhiều tâm huyết để chia sẻ kiến thức với đồng nghiệp trong và ngoài trường với mục tiêu xây dựng một cộng đồng giáo viên sáng tạo. Điều này thể hiện một tinh thần trách nhiệm cao trong các hoạt động có yếu tố ngoại ngữ mà cô phụ trách, ngoài chuyên môn chính của mình.

Trong công tác giáo dục học sinh, với vai trò là giáo viên chủ nhiệm lớp đầu ra IELTS, cô Sinh đặc biệt chú ý rèn nếp học và nếp sống cho học trò. Các tiết sinh hoạt lớp được tổ chức sáng tạo, trọng tâm và thiết thực.

Đặc biệt, đối với học sinh lớp 12A1 của cô, “Dự án Human Library” đã được ra đời nhằm tận dụng nguồn lực từ phụ huynh trong lớp. Đó là nơi học sinh được kết nối và tư vấn nghề nghiệp 1-1 với những cô/bác trong nghề, mỗi lần kéo dài khoảng 30 phút.

Cô Nguyễn Thị Sinh (thứ 2 từ trái sang) chụp cùng ngài Marcus Winsley – Đại sứ Anh tại Việt Nam trong buổi trao học bổng của Oxford Sixth Form College vào tháng 11/2020. Ảnh: NVCC.

Dự án đã nhận được sự quan tâm của rất nhiều phụ huynh và phản hồi tích cực từ chính học sinh. Ngoài ra, cô cũng rất khéo léo trong việc trao quyền cho học sinh, đặc biệt là đội ngũ cán bộ lớp, giúp việc quản lí lớp hiệu quả. Từ đó tạo sự tự tin, hình thành thói quen làm việc khoa học và giao tiếp hiệu quả cho học sinh thông qua những phần báo cáo, tổng kết tuần/tháng/kỳ hay các dự án học tập.

“Với tư cách là chủ tịch CLB Du học Lômônôxốp chắp cánh bay xa, tôi đã hỗ trợ, kết nối và tổ chức thành công các buổi thi cũng như phỏng vấn du học tại trường đến từ các nước Anh, Úc, Mỹ. Từ đó đã mang lại những cơ hội đạt học bổng du học cho học sinh trong 2 năm vừa qua”, cô giáo 9X tâm sự.

Là một giáo viên Tiếng Anh đạt chứng nhận Microsoft Certified Educator (MCE) của Microsoft, cô Sinh đã mang đến nhiều hứng thú cho học sinh thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình dạy học.

Thông qua các dự án mang tính thực tiễn giúp quá trình học tập của học sinh nên gần gũi và tính ứng dụng cao, thông qua các cuộc thi sáng tạo sáng chế quốc tế, học sinh được trau dồi khả năng tiếng Anh của mình đồng thời xây dựng niềm yêu thích yêu cứu khoa học.

Trong 9 tháng của năm 2021, nhà giáo cùng các thầy cô giáo nhóm MIEE Hanoian đã hỗ trợ đào tạo được gần 1.000 giáo viên chuyển đổi số thành công, làm chủ công nghệ và tiến tới trở thành những chuyên gia giáo dục sáng tạo của Microsoft.

Cô Sinh nhận danh hiệu “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo năm 2021” do Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức. Ảnh: NVCC.

Ngoài ra, vào tháng 8/2021, cô Sinh đồng tổ chức cuộc thi khởi nghiệp bằng tiếng Anh “ERC Start-up Champion” online trên Microsoft Teams với sự tài trợ của học viện ERCI – trường hàng đầu về đào tạo kinh doanh tại Singapore.

Các thí sinh tham gia cuộc thi được trang bị các kiến thức về kinh doanh, khởi nghiệp, viết dự án và xin tài trợ, vv… qua đó, học sinh có được những kĩ năng, kiến thức, kinh nghiệm về tài chính, kinh tế, việc quản trị doanh nghiệp ra sao và đánh giá kết quả dự án như thế nào.

Dự án “2 phút Tiếng Anh mỗi ngày”

Trong năm 2020, cô Sinh đã tiến hành dự án mang tên “Speak Up – 2 phút Tiếng Anh mỗi ngày” trên Flipgrid. Với hoạt động này, học sinh được thoải mái chia sẻ suy nghĩ bằng tiếng Anh, mỗi ngày đều đặn các em sẽ nói 2 phút, dần dần tạo thành một thói quen và luyện khả năng nói tiếng Anh cũng như phản xạ ngôn ngữ.

Sau một năm phát động với 70 học sinh lớp 6, dự án đã có gần 3.000 video. Các em cũng nhận ra những sự khác biệt rõ rệt giữa clip đầu tiên và clip sau 6 tháng hoặc 9 tháng. Hiện tại, một số học sinh vẫn tiếp tục dự án này đều đặn hàng ngày như việc viết nhật ký bằng lời.

 Những học sinh tích cực nhất trong Dự án “2 phút tiếng Anh mỗi ngày” được cô Sinh trao thưởng theo từng tháng. Ảnh: NVCC. 

Ngoài ra, nhằm giúp học sinh có thêm nhiều trải nghiệm với ngoại ngữ (tiếng Anh), cô Sinh cũng không ngừng tìm tòi và mang đến nhiều cơ hội qua các trò chơi, cuộc thi và các hoạt động nghiên cứu khoa học.

Có thể kể đến như cuộc thi hùng biện tiếng Anh TEDxLomo, một phiên bản mô phỏng từ TEDTALK giúp học sinh có cơ hội được thể hiện quan điểm, khả năng diễn thuyết, thuyết trình trước đám đông.

Ứng dụng nhiều công cụ, trò chơi trong việc dạy và học tiếng Anh, gia tăng tương tác và duy trì hứng thú cho học sinh: Ngoài các công cụ phổ biến như Quizizz, Baamboozle, Wordwall, cô Sinh ứng dụng Gimkit với phiên bản cờ tỷ phú và Blooket phiên bản Hacker giúp học sinh vừa học vừa chơi. Gimkit và Blooket được hơn 180 em tại cả 5 lớp cô Sinh đang giảng dạy trong năm học này đặc biệt yêu thích.

Bên cạnh đó, trong hai năm 2020 và 2021, cô Sinh đã hướng dẫn 6 nhóm học sinh tham gia 5 cuộc thi về sáng tạo và sáng chế tại Canada, Anh, Ba Lan, Indonesia và Romania mang về 9 HCV, 6HCB và 3 HCĐ và 1 giải đặc biệt của Canada. Thông qua các cuộc thi, các em được học thêm rất nhiều kiến thức về nghiên cứu khoa học bài bản, thể hiện khả năng thuyết phục hội đồng thẩm định và trao dồi vốn tiếng Anh của mình.

Mới đây nhất, trong năm học 2021 – 2022, cô Sinh đã ứng dụng phầm mềm “Reading progress” (tiến trình đọc) sử dụng công nghệ AI giúp học sinh nâng cao khả năng phát âm và nói Tiếng Anh của mình. Bài của học sinh được chấm tự động và nhận diện lỗi sai, giúp các em tiến bộ qua mỗi bài đọc.

Những kỷ niệm bên học trò là điều cô Nguyễn Thị Sinh luôn trân trọng. Ảnh: NVCC. 

Bên cạnh đó, cô giáo trẻ này còn sở hữu một kênh Youtube cá nhân mang tên “Cô Sinh Tiếng Anh”. Có những video đạt trên 10.000 lượt xem. Trên kênh này, cô giáo trẻ đã chia sẻ những kiến thức, kỹ năng và trải nghiệm khi học Tiếng Anh hay những công nghệ, ứng dụng trong quá trình giảng dạy để lan toả cho học sinh, đồng nghiệp. Đây cũng là nơi để cô Sinh tự học hỏi, hoàn thiện bản thân hơn.

Thầy Nguyễn Quang Tùng – Hiệu trưởng Trường THCS & THPT Lômônôxốp (Nam Từ Liêm, Hà Nội) nhớ lại, năm 2012, khi là sinh viên về thực tập tại trường, cô Sinh đã thể hiện mình có những tố chất sáng tạo và tâm huyết, nhanh chóng nắm bắt được công tác giảng dạy. Năm 2018, cô Sinh chính thức về giảng dạy tại Trường Lômônôxốp và từng bước làm quen với công việc giảng dạy cũng như thể hiện tốt khả năng của mình.
“Cô Nguyễn Thị Sinh luôn đi đầu trong việc chuyển đổi số, dạy học trực tuyến, là người đứng ra tập huấn cho giáo viên nhà trường cũng như nhiều giáo viên trên toàn quốc để trở thành giáo viên sáng tạo của Micosoft. Cô Sinh là hình mẫu về người giáo viên thời đại 4.0, tâm huyết và đầy sáng tạo, là niềm tự hào của trường chúng tôi”,  thầy Tùng nhấn mạnh.

 

Nguồn: https://giaoducthoidai.vn/ket-noi/bi-quyet-giup-hoc-sinh-tien-bo-tung-ngay-cua-co-giao-tieng-anh-tai-nang-2w87uZp7R.html

Bệnh viện Hạnh Phúc
Bệnh viện Hạnh Phúc