Sở thích và tình yêu quá lớn dành cho tranh của gia chủ đã tạo cho ngôi nhà một cá tính không thể tìm thấy ở đâu khác. Ngôi nhà là một “gallery” tranh, và bên trong phòng trưng bày đó vừa gói trọn mà cũng vừa diễn ra thật tự nhiên cuộc sống, sinh hoạt thường nhật của họ.
Hầu hết mọi không gian của căn biệt thự đều có sự xuất hiện của tranh. Ngay từ hàng hiên, vào đến sảnh đón rồi khu vực tiếp khách, phòng ăn, bếp, qua khoảng thông tầng lên các phòng ngủ và thư viện ở tầng trên cùng. Những bức tranh hiện diện trang trọng như chính bản thân ngôi nhà.
Tuy nhiên, sự xuất hiện đó, dẫu chiếm trọn cả mảng tường hay chỉ làm điểm nhấn ở một số khu vực đều không gây nên cảm giác “ngợp” trong màu sắc và hình khối. Bù lại, sự sắp xếp và phân bố có chủ ý đã tạo thành những kết nối độc đáo cho các mảng tường của không gian sống.
Một bức tượng đồng được bố trí ở hồ nước bên dưới khoảng thông tầng, ngăn cách giữa khu vực tiếp khách với cầu thang dẫn lên các tầng trên. Góc trang trí này không chỉ tăng nên phần trang trọng cho sảnh đón và tạo đối trọng với chiếc đèn trần được nhập về theo đơn đặt hàng riêng.
Sự xuất hiện của hồ nước và mảng tường cao vút theo đó còn đóng vai trò như lõi thông tầng cho không gian kiến trúc của ngôi nhà. Liên kết các tầng lại với nhau một cách tự nhiên.
Ý tưởng xem việc thưởng thức tranh như một nhu cầu hàng ngày đã đòi hỏi nhiều về kỹ thuật trong thi công. Đầu tiên là hệ thống khung và thiết bị treo tranh qua dây cáp được chính gia chủ mang về từ Ý.
Thiết kế ánh sáng cho không gian nội thất được nâng lên tầm đặc biệt quan trọng cho riêng không gian sống này. Theo đó, hệ thống đèn được tăng cường và bố trí tạo điểm nhấn để việc thưởng ngoạm tranh được thuận lợi.
Các cân nhắc về công năng chiếu sáng trong điều kiện ban ngày và ban đêm cũng được tính toán cho phù hợp.
Vị gia chủ có thời gian rất dài làm việc ở châu Âu và hai lần được Chính phủ Ý phong tước Hiệp sỹ. Như một lẽ mặc nhiên, cuộc sống của họ cũng đậm chất Ý trong phong cách.
Chính cá tính và sự am hiểu của gia chủ đã tạo nên hơi thở rất riêng cho ngôi nhà. Những gợi ý và mô tả cụ thể về không gian bằng chính nhu cầu của mình, cũng như sự tôn trọng đối với bản thiết kế của kiến trúc sư đã mang lại kết hợp hiệu quả.
Sự tinh ý trong chọn lựa màu sắc của nội thất cùng yêu cầu cao về vật liệu hoàn thiện là nền tảng thuyết phục của sự cân bằng cho không gian chung sống với quá nhiều sắc màu của hội họa.
Bộ sofa xám, nền đá cẩm thạch vân xanh nhạt hay tông mau trung tính cho đá lát ở cầu thang. Đó không chỉ là “phông nền” để treo tranh, mà những sự lựa chọn này còn tạo nên một tổng thể không gian giàu mỹ cảm.
Căn biệt thự được thiết kế như một nơi dành cho tranh, một tổ ấm mà trong đó gia chủ có thể cảm nhận rõ nét hơi thở của hội họa trong cuộc sống thường nhật.
Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là các khu vực chức năng đều hoàn toàn hướng nội. Hàng hiên rộng và chạy suốt chiều dài khu đất là một bổ trợ tuyệt vời cho yêu cầu về chức năng của công trình. Một gạch nối trong – ngoài đắt giá của ngôi nhà.
Đó là nơi để gia chủ thảnh thơi với sự dễ chịu từ gió trời mà màu xanh của thảm cỏ, đặc biệt cho những buổi trưa nóng bức của khí hậu miền nhiệt đới.
Ý TƯỞNG THIẾT KẾ: KTS NGUYỄN VĂN TẤT
PHÁT TRIỂN THIẾT KẾ: ĐỊA ĐIỂM CÔNG TRÌNH: MỸ GIA 1, PHÚ MỸ HƯNG, Q.7, TP.HCM
Bài: QUY NHƠN
Ảnh: NAM BÙI
THEO TẠP CHÍ KIẾN TRÚC NHÀ ĐẸP – SỐ THÁNG 4.2015