1/ Năm 2012, BS là người tiên phong ghi dấu ấn lớn trong lịch sử ngành y nước ta khi cùng một nhóm bác sỹ BV Nguyễn Tri Phương, đã áp dụng phương pháp kích thích não sâu (DBS) cho người bệnh mắc bệnh Parkinson lâu năm, giúp làm giảm đến 70 – 80% những rối loạn vận động, đưa họ trở lại cuộc sống đời thường gần như tới 80%. BS có thể nói thêm về ý nghĩa khi thực hiện phương pháp này vào thời điểm đó?

Vào thời điểm đó, áp dụng kỹ thuật kích thích não sâu cho các bệnh nhân Parkinson giai đoạn nặng, theo đánh giá của PGS. TS Võ Văn Nho – Chủ tịch Hội Phẫu thuật Thần kinh Việt Nam là bước đột phá. Từ trước đến giờ, người ta vẫn nghĩ điều trị Parkinson chỉ là dùng thuốc. Thậm chí, người ta chấp nhận rằng 5 – 7 năm sau, khi tác dụng của thuốc giảm đi, thì người bệnh sẽ phải chấp nhận.

Do đó việc ứng dụng kỹ thuật này đem lại hiệu quả rất nhiều cho các bệnh nhân Parkinson giai đoạn tiến triển. Đây là một kỹ thuật tinh tế, chính xác đến từng milimet, đòi hỏi tay nghề cũng như trình độ của các bác sĩ nội thần kinh và bác sĩ phẫu thuật thần kinh cùng với ekip điều dưỡng, gây mê phải rất thuần thục. Trước khi có phương pháp này, bệnh nhân rất khổ sở vì các biến chứng của việc không còn đáp ứng với việc điều trị bằng thuốc như là hiệu quả của thuốc chóng hết, hay là các dấu hiệu loạn động do thuốc. Những vấn đề này rất khó điều trị.

Phương pháp kích thích não sâu (DBS)

Kỹ thuật này không những giải quyết được cho bệnh nhân Parkinson giai đoạn tiến triển mà còn điều trị các bệnh lý khác như run tay chân, loạn trương lực cơ toàn thân, rối loạn TIC, các chứng đau mạn tính rất khó điều trị.

Bước đầu, chúng tôi có nhờ bác sĩ người Pháp là ông J. Paul Nguyễn hỗ trợ, nhưng sau đó hai năm, chúng tôi đã bắt đầu tự làm được. Đây là điều đáng mừng cho đội ngũ phẫu thuật viên cũng như các bác sĩ thần kinh của Việt Nam. Phương pháp này mở ra triển vọng mới trong điều trị là kỹ thuật điều chỉnh thần kinh (neuro modulation). Thay vì chúng ta dùng những kỹ thuật can thiệp dễ chảy máu, có thể làm tổn hại tế bào thần kinh, thì phương pháp này dung một dòng điện cực thấp được phát ra từ một vi điện cực đặt vào trong não với độ chính xác đến từng milimet để điều chỉnh các hoạt động bất thường ở một số vùng trong não.

Cấy điện cực vào não bệnh nhân Parkinson

Đây cũng là một xu hướng mới của ngành Phẫu thuật thần kinh, áp dụng phương pháp xâm lấn tối thiểu mà lại đạt hiệu quả cao nhất cho người bệnh.

Tôi rất vui vì kỹ thuật này đã được áp dụng tại Việt Nam khi còn là GĐ bệnh viện Nguyễn Tri Phương. Nói chung, định hướng phát triển của bệnh viện thường có nhiều cách: phát triển xây dựng bệnh viện khang trang hơn, xây dựng phong trào từ thiện và chăm sóc sức khỏe cộng đồng hay phát triển chuyên môn kỹ thuật. Tất cả đều có những mặt tích cực nhưng tôi lại chọn định hướng khó khăn nhất là phát triển chuyên môn kỹ thuật, vì có lẽ tôi xuất thân từ người làm chuyên môn.

2/ Trước đó, BS cũng là người tiên phong áp dụng kỹ thuật Botuli-num Toxin tại Việt Nam để điều trị rối loạn vận động. Kỹ thuật này có ý nghĩa như thế nào đối với bệnh nhân?

Năm 1996, khi tôi đi học ở Hoa Kỳ về rối loạn vận động, tôi rất ấn tượng về kỹ thuật tiêm Botulinum Toxin. Trước kia những bệnh nhân bị rối loạn vận động như loạn trương lực cơ cổ, hay còn gọi là vẹo cổ, co thắt nửa mặt, loạn động miệng thường được điều trị bằng thuốc Tây y hay Đông y nhưng hiệu quả rất thấp. Khi ở Mỹ, tôi thấy các bác sĩ thần kinh Mỹ sử dụng phương pháp này và đạt hiệu quả rất cao do đó tôi nghĩ cần phải học và áp dụng được phương pháp này ở Việt Nam với sự trợ giúp rất quý của các bác sĩ Mỹ là BS Daniel Trương, GS Daniel Tarsy. Vào thời điểm những năm 90 thì đây cũng là một bước tiến lớn trong việc điều trị các rối loạn vận động. Các báo cáo đầu tiên của tôi tại Hội Thần kinh Việt Nam vào những năm 90 cũng mang lại nhiều ấn tượng cho các bạn đồng nghiệp.

Tôi cũng đã chuyển giao kỹ thuật này cho các bệnh viện ở thành phố và ở tỉnh.

Hiện nay kỹ thuật này đã được áp dụng rộng rãi và chỉ định điều trị cũng được mở rộng hơn, không chỉ có bệnh lý thần kinh mà còn chữa các nếp nhăn, giảm tiết mồ hôi tay, đau đầu Migraine.

3/ Chuyên khoa Điều trị Đau là một chuyên ngành mới trong y khoa. Đến nay, nhiều người vẫn chưa biết có một chuyên khoa như vậy. BS có thể giải thích thêm về chuyên khoa mới mẻ này?

Đối với Việt Nam, chuyên khoa Đau đúng là rất mới vì thế giới đã phát triển chuyên khoa này vào những năm 60 của thế kỷ trước. Bản tuyên ngôn năm 2012 của hội Nghiên cứu Đau thế giới đã nhấn mạnh cần phải coi Đau là dấu hiệu sinh tồn thứ 5 sau mạch, nhịp thở, huyết áp và nhịp tim. Và điều trị đau cũng là một quyền lợi của người bệnh.

Như vậy, tầm quan trọng của Đau rất lớn vì đau kéo dài có ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, tâm sinh lý người bệnh. Thí dụ: Một người bệnh nhân bị đau trong ung thư nếu không được điều trị đau tốt sẽ gây ra những tổn hại về tinh thần và cả vật chất cho họ như: trầm cảm, không có khả năng lao động, không có hoạt động xã hội. Một sản phụ đau trong khi sanh nếu không được xử trí tốt thì khoa học đã chứng minh ký ức về đau vẫn tồn tại mãi trong một phần của thùy thái dương của não và không thể nào xóa đi được. Do đó chỉ cần trở lại lần sanh thứ hai dù chưa đau cũng có thể đã mang nặng tâm lý hoảng sợ và tăng sự nhạy cảm với cơn đau.

Ngoài ra tính chất của Đau cũng khác nhau ở người già, phụ nữ, trẻ em và cũng liên quan đến các thủ thuật. Ví dụ: người ta đã chứng minh các phẫu thuật chấn thương chỉnh hình, sản phụ cũng như phẫu thuật lớn vùng bụng gây đau cho người bệnh rất nhiều.

Tôi nghĩ chúng ta cần có một chính sách quản lý Đau thích hợp, điều này cần có sự phối hợp của các bệnh viện cũng như các đơn vị quản lý Nhà nước.

4/ Thưa BS, tại VN, chuyên khoa này đã giải quyết được những vấn đề gì cho bệnh nhân? Mô hình này có khác so với nước ngoài?

Hiện nay, chúng tôi cố gắng xây dựng một số đơn vị kiểu mẫu về đau sau khi tập huấn ở nước ngoài như ở BV Trưng Vương, BV ĐHYD và một số BV tư cũng có triển khai chính sách Đau rất tốt như BV FV. Khi có một chính sách xử lý về Đau và có hội đồng về Đau chúng ta sẽ có một chương trình chăm sóc bệnh nhân tốt hơn. Hội Đau TP.HCM cũng đã mở các lớp tập huấn về Đau, cử các bác sĩ đi nước ngoài học, quan hệ tốt với hội nghiên cứu Đau thế giới (IASP) với các chương trình nâng cao mạng lưới, chăm sóc và quản lý đau dành cho các nước đang phát triển. Chúng tôi đang có dự định hợp tác với ĐH Y Khoa để mở các chương trình đào tạo dài hạn về chuyên khoa Đau. Nâng cao ý thức của cộng đồng về Đau cũng là một trách nhiệm của Hội.

5/ Thưa BS, là người có nhiều năm tu nghiệp và làm việc ở các trường đại học ở nước ngoài, BS đánh giá như thế nào về khả năng làm chủ công nghệ khi áp dụng những phương pháp mới của BS Việt Nam? Theo BS, việc chuẩn bị về mặt đội ngũ con người, về trang thiết bị kỹ thuật, đâu là bước khó nhất?

Cho đến này tôi đã học và theo đuổi ngành Y hơn 45 năm, người Việt Nam mình hoàn toàn có đủ khả năng để tiếp cận và áp dụng được những kỹ thuật mới. Vấn đề chính hiện nay là sự đào tạo và phát triển của ngành Y không đồng đều ở các tỉnh thành dấn đến việc một số tỉnh thành không đủ tự tin để giữ bệnh điều trị, gây quá tải cho tuyến trên một cách vô lý. Tại sao một bệnh viện ở vùng sâu vùng xa của Mỹ như Nebraska cũng chẳng thua kém về kỹ thuật và con người với một bệnh viện ở New York.

Sự đào tạo ở trường Y cũng chưa đạt chuẩn khu vực như Thái Lan, Singapore, Malaysia nên vấn đề hội nhập thực sự chưa đạt kết quả cao, chưa kể đến khả năng ngoại ngữ, nghiên cứu khoa học.

Do đó dù chúng ta có thể có những bước đột phá như áp dụng nhiều kỹ thuật mới nhưng mặt bằng chung của nền Y tế còn nhiều điều phải cải thiện vì Y học của thế kỷ 21 là Y học của chính xác, Y học cá thể hóa và Y học thay đổi diễn tiến của bệnh tật.

6/ Hội thần kinh học TP.HCM là nơi thường xuyên cập nhật các tiến bộ trong thực hành lâm sàng cho đội ngũ BS, những vấn đề nào đang được quan tâm nhiều nhất hiện nay trong điều trị, thưa BS?

Hội Thần kinh là một Hội nghề nghiệp để giúp cho các đồng nghiệp trao đổi kiến thức về chuyên môn, các phương pháp điều trị mới, kỹ năng chẩn đoán bệnh, qua các chương trình đào tạo liên tục, các hội thảo và các tài liệu cập nhật. Các chủ đề của Hội đều quan trọng như: tai biến mạch máu não, động kinh, bệnh Parkinson, nhức đầu, sa sút trí tuệ, các bệnh tự miễn thần kinh. Hội đã có nhiều hoạt động tích cực và quy tụ nhiều đồng nghiệp trẻ đồng thời nâng cao hiểu biết của cộng đồng về bệnh lý thần kinh để có các biện pháp phòng ngừa hữu hiệu. Như chúng ta đã thấy, kiến thức của cộng đồng về xử trí và phòng ngừa tai biến mạch máu não đã được nâng cao rõ ràng. Và đó cũng là sự góp sức của Báo đài, các đơn vị Y tế và Hội Thần Kinh.

7/ Là người có truyền thống gia đình theo ngành y (4 anh chị em, vợ, con là BS), từng là giám đốc BV Nguyễn Tri Phương, theo BS, yếu tố quan trọng nhất ở người BS, đó là gì?

Theo tôi, với bất cứ ngành nào cũng phải vừa có duyên vừa có nợ. Nếu có duyên, chúng ta sẽ cảm thấy thích và theo đuổi nghề. Và nếu có nợ thì mình mới quyết tâm luôn luôn kiên trì học hỏi từ bệnh nhân và đồng nghiệp để nâng cao tay nghề.

Người bác sĩ dù kiến thức giỏi đến mấy nhưng không thấu hiểu được người bệnh và bệnh tật của họ, không có một phương pháp điều trị cho bệnh nhân hài lòng và hiệu quả nhất thì cũng kể như là không thành công. Cần phải có một phương án điều trị toàn diện cho bệnh nhân. Ví dụ: Để điều trị bệnh nhân đột quỵ thì cần có một chương trình điều trị rõ ràng: giai đoạn dùng thuốc, giai đoạn vật lý trị liệu… xử trí các biến chứng khác: rối loạn thần kinh, biến chứng tim mạch… Và quan trọng hơn cả là phải giải thích cho người bệnh hiểu được vấn đề, đáp ứng đúng kỳ vọng của người bệnh nhưng cũng phải cho người ta hiểu những giới hạn của kỳ vọng đó (ảnh hưởng của tai biến mạch máu não lên đời sống và việc làm, hiệu quả của một phương pháp điều trị).

Chúng ta cần phải thấu hiểu nỗi đau của người bệnh và đặt người bệnh làm trung tâm với tất cả tấm lòng của một người Thầy thuốc có trí tuệ.

Xin cám ơn PGS. TS. BS Nguyễn Thi Hùng – Chủ tịch Hội Đau TP.HCM – nguyên GĐ bệnh viện Nguyễn Tri Phương – PGĐ Y Khoa bệnh viện FV!

Theo Tạp chí Sức Khỏe – khoe24h.vn

Trò chuyện cùng PGS TS BS Nguyễn Thi Hùng: Ngành Y – Thấu hiểu nỗi đau của người bệnh

Bệnh viện Hạnh Phúc