Khi lấy chồng, ba mẹ cháu đã cảnh cáo: mẹ chồng cháu là người sống bằng cho vay nặng lãi. Nhưng cháu đã cãi lại, chồng khù khờ, vợ quán xuyến hết mà không có nghề gì thì đó cũng là một việc của giai đoạn mà thôi. 

Cô Dạ Hương kính!

Ở xứ trũng văn hóa như mọi người phong cho vùng đất nầy thì làm chủ hụi, chơi hụi, bể hụi là chuyện cơm bữa mà cô. Mẹ chồng cháu cũng là một trong số đó. Vấn đề là nhờ mẹ bươn chải mà ba người con được học hành, được nhà cửa, không nghèo khổ như con nhà người ta.

Cháu phục mẹ chồng cháu. Miệng nói tay làm. Nhiều năm trôi qua. Từ một gia đình ở rìa thị trấn, bà đã mở xưởng, thâu tóm đất đai trong nội ô và nổi tiếng cả một vùng. Chồng cháu một xưởng nhỏ, em chồng gái một nhà vựa, em trai út làm ăn lớn hơn bọn cháu và em gái, vì nó phải sống chung và nữa sẽ phụng dưỡng ba mẹ. Lần lượt 6 đứa cháu nội cháu ngoại lớn lên, muốn gì được nấy. Ba đứa con của mẹ đứa nào cũng nhà cao cửa rộng, có cả ô tô.

Nhưng bây giờ thì dư luận ganh ghét nói trời có mắt. Mọi chuyện suy sụp nhanh dễ sợ cô ơi. Mẹ bị ung thư may mà phát hiện kịp, không còn tâm trí với sức khỏe để kinh doanh nữa. Ba lờ quờ, tự dưng bị bệnh lão hóa, chậm chạp, run tay run chân đi phải có người dìu. Đứa con trai út phải làm tay vịn cho ông, vợ nó chỉ bếp núc quen rồi, không cáng đáng được gì. Cháu thì đi nuôi mẹ ở thành phố hết đợt nầy tới đợt khác. Đứa con gái của bà đáng lý phải nuôi mẹ nhưng con nó mê tắm sông chết một đứa con trai nhỏ, nó như điên dại luôn. Nhà cháu tương đối lành lặn nhưng xem ra, tai họa như vầy, khó gánh vác cho cả gia tộc.

Một điều khiến cháu tìm tới cô là tự dưng sao mẹ chồng cháu không nói chuyện được. Cái bệnh kia sau mấy lần xạ trị coi như đỡ lo rồi nhưng bệnh nầy tây y không phát hiện được gì. Cháu đi xem thầy bói, nói nghiệp nặng lắm. Cháu không dám nói thật với chồng, huống chi nói với mẹ. Bà uy quyền, hét ra lửa quen rồi, ai dám nói! Thầy nói phải đi tu tập, đi chùa, làm phúc, đi trị đông y, lâu dài, của đi thay người, của ra hết thì mới hết bệnh. Có nên tin không cô, chúng cháu được mẹ gây dựng cho nhưng tự làm tự ăn, có nhà xưởng còn nuôi thợ, là làm phúc đó chớ. Mẹ thì cứ vậy, há miệng được ăn uống bình thường mà không nói được, quá kỳ lạ cô ơi.

Cháu thân mến!

Bây giờ mình nói chuyện làm ăn trước. Cô công nhận dân miền Tây mình và nói rộng ra, dân Nam bộ nói chung có thói quen làm ăn lớn, buông dầm cầm chèo. Cũng do nền kinh tế thị trường tạo ra nết đó, kinh tế ấy có thời thuộc Pháp, sang tới thời can thiệp của Mỹ cho dù nó có đứt nối bởi bao cấp sau 1975 một lúc. Làm ăn vậy nên cần vốn nhiều, mà đã thì tìm đến hụi hè, vay nóng. Hụi hè cũng là hình thức tín dụng dân sự ngoài ngân hàng mà thôi. Mà dân đã tự thỏa thuận với nhau thì dễ sinh lãi nặng, vỡ đường dây, thưa kiện nhau, tự xử với nhau, vi phạm pháp luật và tiền của mất sạch.

Biết bao cảnh đau lòng đã diễn ra. Chủ hụi bỏ trốn với một đống tiền, hoặc một số người trong đường dây mất khả năng đóng hụi chết đã lẩn trốn để chủ hụi chịu hậu quả phải tan cửa nát nhà hoặc đi tù. Chắc chắn mẹ chồng cháu dựng nghiệp bằng hụi hè và khi đã mạnh vốn thì cho vay nóng, gọi là cho vay cắt cổ. Độc hại ở chỗ này đây, thường những người tìm đến để hạ mình vay với mức lãi không tưởng tượng nổi thì người cho vay ngồi rung đùi bởi tiền vô ào ào nhưng đối tượng hỏi vay luôn ở trong tình trạng bất an, khốn khổ, bờ vực.

Ông bà mình sợ nhất hai cái nghề, cho vay nặng lãi và đồ tể. Nếu không có người đập đầu trâu bò và đâm họng heo hay cắt tiết gà thì chúng ta không có thịt để ăn. (Ở các nước văn minh người ta giết gia súc bằng gí điện chứ không dùng búa như mổ giết thủ công). Vậy đó, đồ tể và cho vay. Xã hội cần họ chứ nhưng xã hội cũng lên án, vì xét cho cùng nó tàn bạo thật. Làm sao không chọn việc khác mà lại chọn lấy cái công việc nói như thầy bói nói, nghiệp nặng quá. Đó là nhân quả, phúc đức mỏng mà khi đã vậy thì sớm muộn gì cũng nhận lãnh hậu quả.

Cô không tin việc ta làm thì ta vô can. Sao vô can được. Vì vậy mà Phật khuyên con người chớ sát sinh, chớ vun vén cho mình một cách bất chấp (nghĩa là cắt cổ người ta để cho vay khi người ta gặp khó, người ta cầu cạnh mình). Ba mẹ của cháu từng trải hơn hoặc là biết sống hơn nên cứ phập phồng cho nhà chồng cháu. Cô tin vào quả báo dù cô không nghiên cứu sâu phật pháp. Bởi cô cũng thấy nhãn tiền ở nhiều gia đình, thấy cảnh tan nát những gia đình sung túc chung quanh mình.

Đã đến lúc các cháu thu vén chuyện làm ăn của mình. Có nuôi thợ thì phải nghĩ đến lương của họ, cảnh thắt ngặt của họ khi vầy khi khác mà nương tay và giúp đỡ. Và tránh xa việc cho vay nặng lãi như mẹ chồng cháu từng làm. Với gia tộc, có lên thì có xuống, ông bà dạy, khi lên có nghĩa là đang xuống đó, ai cũng vậy hết, không chừa ai. Vì vậy mà phụng dưỡng ba mẹ, tìm cách cho bà đi thiền viện tu tập, uống thuốc, chữa bệnh. Tiền đã vào thì tiền tìm cách ra đó mà. An tâm với đông y, vật lý trị liệu, cháu là dâu, mẹ chồng không tâm sự nhiều nhưng cô biết, chắc chắn bà ta biết, thậm chí có tìm đến thầy bà. Vấn đề là phải biết sợ và trị bệnh bằng lòng tin. Nhớ nhé, làm gì cũng phải luôn nhớ đến phúc đức, hậu quả.

DẠ HƯƠNG
Theo Nông Nghiệp/ nongnghiep.vn 
Bệnh viện Hạnh Phúc