[Phụ Nữ Hiện Đại]- Tiếp nhận bệnh nhân đã trong tình trạng hôn mê nguy kịch do suy gan cấp và suy thận cấp, các bác sĩ Vinmec đã chạy đua với thời gian để thực hiện ca đại phẫu ghép gan cấp cứu cho anh Nguyễn Thế Hải (*) (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội).
Để cứu bệnh nhân thoát khỏi lưỡi hái tử thần, toàn bộ quá trình chuẩn bị ghép gan đã nhanh chóng được sắp xếp và “nén” lại chỉ trong 10 tiếng, thay vì mất 3-4 ngày như lẽ thường.
Hội đồng chuyên môn Ghép gan Vinmec với gần 20 chuyên gia “chạy đua” từng giờ từng phút để cứu sống bệnh nhân
Chạy đua từng giờ để giành lại sự sống cho người bệnh
Được chẩn đoán viêm gan B từ năm 2006, anh Nguyễn Thế Hải điều trị bằng thuốc kháng virus thường xuyên nên sức khỏe ổn định. Tuy nhiên, sau khi bỏ thuốc kháng virus 1 tháng, tình trạng bệnh bắt đầu xấu đi. Anh Hải bắt đầu có các cơn sốt bất thường, vàng da – vàng mắt, ăn khó tiêu, được chẩn đoán viêm gan B cấp. Sau 3 tuần điều trị tích cực liên tục tại một số bệnh viện, tình trạng nặng dần lên, anh suy giảm ý thức và dần rơi vào hôn mê. Khi được đưa vào Bệnh viện Đa khoa Quốc tế (ĐKQT) Vinmec Times City, bệnh nhân đã trong tình trạng hôn mê gan ngày thứ 4. Lúc này, ghép gan cấp cứu là cách duy nhất có thể cứu sống người bệnh.
Thầy thuốc Nhân Dân PGS.TS.BS Phạm Đức Huấn (Giám đốc Trung tâm Tiêu hóa – Gan mật – Tiết niệu Vinmec) dành nhiều tâm huyết trong việc tổ chức ghép gan cấp cứu tại Vinmec
Đối với người bệnh đã suy gan cấp như anh Hải cần ghép gan càng sớm càng tốt trong 7 ngày đầu. Đây được coi là thời gian vàng, vô cùng quan trọng để cứu sống người bệnh, giảm biến chứng và tỉ lệ tử vong. Nếu được ghép trong khoảng thời gian này, cơ hội sống đạt trên 90%, còn sau 7 ngày thì ngược lại, nguy cơ tử vong lên tới 90%.
Do đó, thay vì dự kiến ghép gan sau một ngày anh Hải nhập viện, Hội đồng chuyên môn ghép gan Vinmec đã quyết định đẩy thời gian phẫu thuật lên sớm nhất có thể. “Mỗi giờ qua đi, không chỉ gan suy nặng hơn mà nguy cơ nhiễm trùng và suy các tạng khác cũng tăng lên. Nếu không chạy đua với thời gian thì dù cứu được lá gan, cơ hội sống cũng không cao, ca ghép không còn ý nghĩa. Vì thế, phòng mổ đã bật đèn ngay trong đêm đầu tiên”- ThS. BS Đào Đức Dũng, thành viên ekip phẫu thuật cho biết.
Chỉ một ngày sau ca đại phẫu, khi tỉnh lại, anh Hải nhận biết ngay được người thân trong niềm vui của các bác sĩ và gia đình. Tuy nhiên, do mức độ hôn mê trước ghép nặng nên anh phải điều trị tích cực sau mổ suốt 1 tháng và xuất viện trong tình trạng hoàn toàn khỏe mạnh.
Ngoài ca đại phẫu của anh Hải, đội ngũ chuyên gia, bác sĩ Vinmec đã thực hiện thành công và cứu sống rất nhiều ca bệnh tương tự mà ở đó, vấn đề mấu chốt là thời gian. Điển hình như ca ghép gan của anh Phạm Tuấn An (**) (47 tuổi, ở Đông Anh, Hà Nội) cũng nhập viện trong tình trạng hôn mê do suy gan cấp tính, men gan đột ngột tăng cao gấp 10 lần. Ngay lập tức, Vinmec đã tổ chức chuẩn bị và tiến hành phẫu thuật chỉ sau 24h nhập viện. “Từ thập tử nhất sinh mà ngay sau khi ghép gan, tôi đã tỉnh lại và thấy không đau đớn gì, đồng thời sức khỏe cũng hồi phục nhanh chóng. Con trai tôi là người cho tôi một phần gan cũng ra viện chỉ sau 5 ngày”, anh An chia sẻ sau khi được xuất viện vào cuối năm 2023 vừa qua.
Tầm nhìn trở thành trung tâm ghép gan cấp cứu hàng đầu tại Việt Nam
Để thực hiện thành công các ca đại phẫu ghép gan, đội ngũ y bác sĩ tại Vinmec luôn trong trạng thái “sẵn sàng làm nhiệm vụ” để có thể kịp thời thực hiện cấp cứu, có giai đoạn cao điểm thực hiện 3 ca ghép trong chưa đến 7 ngày. Từ năm 2017 đến nay, số ca ghép gan cấp cứu tại Vinmec không ngừng tăng. Trong đó, riêng trong tháng 11/2023, Vinmec đã thực hiện thành công nhiều ca, 3 trong 4 ca ghép gan đều thuộc diện cấp cứu.
Gia đình anh P.T.A – Bệnh nhân được cứu sống ngoạn mục tại Vinmec nhờ ghép gan cấp cứu
Ghép gan cấp cứu được xếp vào loại phẫu thuật phức tạp và khó nhất trong ngoại khoa, không chỉ yêu cầu có các trang thiết bị hiện đại, mà còn đòi hỏi các phẫu thuật viên có chuyên môn cao và chuyên sâu cùng sự khẩn trương cao độ của toàn bộ hệ thống từ Hội đồng y đức, Hội đồng chuyên môn. Nhiều chuyên khoa như Ngoại Tiêu hóa – Gan mật, Ngoại Tim mạch, Gây mê, Hồi sức tích cực, Chẩn đoán hình ảnh, Xét nghiệm, Dinh dưỡng, Huyết học, Dược lâm sàng, Phục hồi chức năng, Chăm sóc sau mổ… phải có sự phối hợp nhuần nhuyễn, nhịp nhàng trong một quy trình ghép được tuân thủ nghiêm ngặt, chuẩn mực.
Thông thường quá trình chuẩn bị ghép gan cấp cứu cần tối thiểu 3 ngày để chuẩn bị người nhận gan (lọc máu, hồi sức) và người hiến gan, thông qua các Hội đồng Y đức và Chuyên môn, sẵn sàng thuốc và vật tư tiêu hao. Nhưng ekip ghép tạng Vinmec có thể “nén” quá trình này lại trong 24h hay ít hơn nữa như trường hợp của anh Hải chỉ mất 10 tiếng để chuẩn bị. Mục tiêu để cuộc phẫu thuật được thực hiện sớm nhất mà vẫn đảm bảo các tiêu chí: Ghép trong thời gian vàng, kỹ thuật ghép lành nghề bởi đội ngũ phẫu thuật viên có kinh nghiệm dày dạn hàng đầu ở Việt Nam, hồi sức trước và sau ghép cho người bệnh trong những điều kiện tốt nhất.
ThS.BS Đào Đức Dũng – Phẫu thuật viên hầu hết các ca Ghép gan cấp cứu tại Trung tâm Tiêu hóa – Gan mật – Tiết niệu, Vinmec Times City
Với đội ngũ chuyên môn cao về ghép gan và được đầu tư đầy đủ về trang thiết bị – phòng mổ hiện đại tương tự các Trung tâm ghép tạng lớn trên thế giới, Vinmec đã chinh phục được những thách thức lớn nhất trong lĩnh vực ghép gan như: ghép cho bệnh nhân suy gan tối cấp trên nền bệnh gan mãn tính, ghép lại gan lần 2, ghép gan cho trẻ dưới 10kg, bệnh nhân bất đồng nhóm máu… Đặc biệt, Vinmec còn tự tin đảm nhận những ca ghép gan cấp cứu, các ca ghép gan rất khó như các tình huống có biến đổi giải phẫu mạch máu và đường mật của gan, hay biến đổi giải phẫu ở người hiến gan.
Những thành tựu vượt bậc này là kết quả của quá trình nỗ lực không ngừng tiếp cận các kỹ thuật ghép gan tiên tiến của các bác sĩ Vinmec cùng các chuyên gia ghép tạng hàng đầu Việt Nam, như nhận định của PGS.TS.BS Lê Văn Thành, Chủ nhiệm Khoa Phẫu thuật gan mật tụy, Bệnh viện TƯ Quân đội 108.
“Với kinh nghiệm ghép thành công nhiều ca phức tạp, Vinmec ngày càng được các đồng nghiệp công nhận về chuyên môn và tin tưởng gửi bệnh nhân đến khi gặp những trường hợp suy gan cấp, ung thư gan, xơ gan giai đoạn cuối, có chỉ định ghép gan. Đó chính là động lực để chúng tôi không ngừng hoàn thiện kỹ thuật và chất lượng chăm sóc người bệnh, sớm đưa Vinmec trở thành Trung tâm hàng đầu về ghép gan, đặc biệt là ghép gan cấp cứu tại Việt Nam” – PGS.TS.BS Phạm Đức Huấn, GĐ Trung tâm Tiêu hóa – Gan mật – Tiết niệu, Bệnh viện ĐKQT Vinmec Times City chia sẻ.
(*), (**): Tên người bệnh đã được thay đổi